Ukraine có thể phải mất 757 năm để xử lý bom mìn trong chiến sự
Theo tờ Washington Post, sau hơn một năm xung đột với Nga bùng phát, Ukraine đã trở thành một trong những quốc gia có nhiều bom, mìn trên lãnh thổ nhất thế giới. Diện tích lãnh thổ chứa đạn pháo, mìn, bom của Ukraine ước tính rộng bằng với bang Florida của Mỹ.
Tờ báo của Mỹ dẫn lời các chuyên gia ước tính lượng bom, mìn ở Ukraine lớn đến mức nếu nước này có 500 đội rà phá hoạt động mỗi ngày thì phải mất đến 757 năm để xử lý xong số thuốc nổ trong chiến sự còn sót lại trên lãnh thổ.
Ukraine có thể phải mất 757 năm để xử lý bom mìn trong chiến sự. Ảnh: Military Times
Trước đó, Ngân hàng Thế giới từng ước tính rằng ngân sách cho việc rà phá bom mìn ở Ukraine có thể vượt quá 37 tỷ USD cho đến năm 2033. Điều này không chỉ đặt ra thách thức cho chiến dịch phản công của Ukraine mà còn đe dọa tới quốc gia Đông Âu về mặt lâu dài kể cả khi chiến sự kết thúc.
Dựa trên dữ liệu do chính phủ Ukraine và các tổ chức rà phá bom mìn nhân đạo thu thập, nỗ lực xử lý bom, mìn của Ukraine có thể kéo dài trong nhiều thế hệ.
"Số lượng vũ khí khổng lồ ở Ukraine là chưa từng có trong 30 năm qua. Không có nơi nào giống như vậy", giám đốc chương trình của Nhóm tư vấn bom mìn Greg Crowther nhận định.
GLOBSEC - một tổ chức tư vấn toàn cầu đã công bố một báo cáo tiết lộ rằng khoảng 30% diện tích Ukraine (tương đương hơn 170.000km2) từng là nơi diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt và sẽ cần các hoạt động rà phá bom mìn kỹ lưỡng.
Bom, mìn cũng gây ra rủi ro với những người làm công việc rà phá. Ukraine từng ghi nhận những trường hợp người rà phá bom mìn bị thương tật vĩnh viễn như mất chân khi làm nhiệm vụ.
Nga tố Ukraine dùng thỏa thuận ngũ cốc để tích trữ trang bị quân sự
Hãng tin RT dẫn lời Phó Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyansky nói với Hội đồng Bảo an cho biết, Ukraine đã sử dụng thỏa thuận ngũ cốc ở biển Đen để tích lũy nguồn cung cấp nhiên liệu và quân sự. Theo đó, các quốc gia EU cũng đã khai thác thỏa thuận này để thu lợi nhuận từ các sản phẩm thực phẩm giá rẻ của Ukraine.
Nhà ngoại giao Nga nhận định, kể từ khi thỏa thuận do Liên hợp quốc hỗ trợ được đưa ra cách đây 1 năm, “chính quyền Kiev đã xây dựng nguồn cung cấp quân sự và công nghiệp quan trọng, cũng như năng lực lưu trữ nhiên liệu ở các khu vực gần các cảng Biển Đen của họ”. Phát biểu được đưa ra không lâu sau quyết định rút khỏi thỏa thuận của Nga.
Ông Polyansky cũng cho rằng một số lượng lớn binh sĩ Ukraine và lính đánh thuê nước ngoài đã đóng quân tại các khu vực được bảo vệ theo thỏa thuận, và Nga có thể “khắc phục tình trạng này” khi rời bỏ thỏa thuận.
Ngoài ra, ông Polyansky tố quân đội Ukraine sử dụng các hành lang nhân đạo dành riêng cho vận chuyển ngũ cốc để tiến hành các cuộc tấn công vào các mục tiêu quân sự và dân sự của Nga, và Liên hợp quốc cũng như các quốc gia phương Tây đã không phản ứng trước các cuộc tấn công như vậy.
Nga từng nhiều lần nhấn mạnh rằng phần lớn ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraine đều được chuyển đến châu Âu. Trong khi đó, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ ngũ cốc được chuyển đến các quốc gia mục tiêu theo đúng như thỏa thuận mà hai bên đã ký kết.
Ngày 21/7, Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crosetto cũng tuyên bố rằng “95% ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine không đến châu Phi”. Ông cho điều này là nguyên nhân khiến giá lương thực tăng cao tại châu Phi, “gây bất ổn cho các khu vực vốn đã gặp khó khăn”.
Phương Uyên (T/h)