Bộ tư lệnh không quân Ukraine mới đây cho biết, lực lượng Nga rạng sáng 1/6 (theo giờ địa phương) đã tiến hành cuộc tấn công dữ dội bằng 53 tên lửa và 47 máy bay không người lái (UAV) tự sát nhằm vào các cơ sở hạ tầng then chốt ở nhiều tỉnh của nước này.
Giới chức Ukraine nói rằng đòn không kích của Nga sử dụng 35 tên lửa hành trình Kh-101/555 phóng từ oanh tạc cơ chiến lược, 4 tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M và một quả đạn hành trình Iskander-K, 10 tên lửa hành trình hải quân Kalibr, ba tên lửa hành trình chiến thuật Kh-59/69 và 47 UAV tự sát kiểu Shahed-131/136.
Tên lửa và UAV Nga ồ ạt tấn công Ukraine. Ảnh: RBC-Ukraine
"Lực lượng phòng không đã bắn hạ 81 mục tiêu, gồm 30 tên lửa Kh-101/555, một quả đạn Iskander-K, 4 tên lửa hành trình Kalibr và 46 máy bay không người lái", Bộ tư lệnh không quân Ukraine cho hay.
Ukrenergo, nhà vận hành điện lưới quốc gia Ukraine, nói rằng cuộc tập kích đã làm hư hại các cơ sở năng lượng ở tỉnh Donetsk, Zaporizhzhia, Dnipro, Kirovograd và Ivano-Frankivsk. Đây là lần thứ sáu đối phương tiến hành đợt tấn công hiệp đồng quy mô lớn, sử dụng nhiều tên lửa và UAV nhằm vào hạ tầng năng lượng Ukraine kể từ tháng 3.
Công ty điện lực tư nhân DTEK lớn nhất Ukraine cho biết hai nhà máy nhiệt điện đã trúng đòn tập kích, làm hư hại nghiêm trọng nhiều trang thiết bị. Giới chức các địa phương Ukraine nói rằng lực lượng cứu hỏa phải đối phó với hàng loạt đám cháy. Chưa rõ có thương vong trong cuộc tập kích này không.
Nga liên tục tập kích cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng ở Ukraine bằng UAV và tên lửa kể từ ngày 22/3, khiến nhiều khu vực ở quốc gia Đông Âu chịu cảnh mất điện. Các đợt tập kích đã khiến một nửa hệ thống năng lượng của Ukraine bị phá hoại.
Trong tuyên bố mới nhất, Thủ tướng Alexander De Croo nhấn mạnh, Bỉ đã ký một thỏa thuận an ninh song phương với Ukraine vào tuần trước, bao gồm việc cung cấp 30 máy bay chiến đấu F-16 vào năm 2028, con số viện trợ lớn nhất trong số các đồng minh của Kiev.
"Thỏa thuận này cực kỳ rõ ràng. Chúng tôi đang nói về các máy bay chiến đấu mà Ukraine có thể sử dụng trên lãnh thổ. Đây là thỏa thuận mà chúng tôi đã đạt được và tôi muốn được tuân thủ", Thủ tướng Bỉ nhấn mạnh.
Tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất. Ảnh: Getty Images
Theo ông De Croo, ưu tiên hàng đầu là đảm bảo rằng Mỹ và các nước NATO khác có thể tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine. "Nhu cầu phòng không rất lớn. Máy bay chiến đấu có thể hỗ trợ việc này, nhưng sẽ cần thêm nguồn lực. Do đó, chúng tôi phải xem xét cách cung cấp thiết bị nhanh hơn và hiệu quả hơn cho Ukraine", nhà lãnh đạo Bỉ nói.
Tuyên bố của Thủ tướng Bỉ De Croo Belga được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng nước này, Ludivine Dedonder, nói rằng vũ khí quân sự của Bỉ chỉ có thể được triển khai ngay trong lãnh thổ Ukraine.
Trong khi đó, một số nước đồng minh, đặc biệt là Mỹ và Đức, cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công các cơ sở quân sự của Nga, nhưng với một số điều kiện nhất định.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), Ukraine có quyền tự vệ, bao gồm cả việc tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng khẳng định Ukraine có quyền tấn công lãnh thổ Nga và nhấn mạnh ngày càng có nhiều đồng minh đồng tình với điều này.