Trong bài phát biểu gần đây bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, Tổng thống Volodymyr Zelensky chia sẻ rằng Mỹ nên cho phép lực lượng Ukraine sử dụng vũ khí do nước này cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga và bán đảo Crimea.
"Hãy tưởng tượng chúng ta có thể đạt được những gì khi mọi hạn chế được dỡ bỏ", ông Zelensky nói. Chính sách hiện tại của Mỹ là hạn chế khả năng quân đội Ukraine sử dụng ATACMS và các loại vũ khí tầm xa khác của nước này để tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Getty Images
Khi Nga phát động cuộc tấn công mạnh mẽ vào tỉnh Kharkiv hồi tháng 5, Mỹ đã cấp cho Ukraine quyền tạm thời sử dụng vũ khí được viện trợ để tấn công các mục tiêu của Nga gần biên giới khu vực này. Ông Zelensky ca ngợi quyết định này trong bài phát biểu của mình và nhấn mạnh rằng điều này cho phép lực lượng Ukraine đẩy lùi cuộc tấn công của Nga và bảo vệ các thành phố ở tỉnh Kharkiv tốt hơn.
"Tương tự như vậy, bây giờ chúng tôi có thể bảo vệ các thành phố của mình khỏi bom dẫn đường của Nga nếu giới lãnh đạo Mỹ tiến thêm một bước và cho phép chúng ta phá hủy máy bay quân sự của Nga tại căn cứ của họ", nhà lãnh đạo Ukraine nói.
Tổng thống Zelensky cho biết quyết định như vậy sẽ mang lại "kết quả tức thời". Ông tiếp tục nói rằng các cuộc tấn công tầm xa bằng vũ khí của Mỹ có thể thúc đẩy cuộc phản công của Ukraine tại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát.
"Và chúng tôi có thể hạn chế đáng kể các hành động của Nga ở miền nam Ukraine và đẩy lùi hộ khỏi đó nếu giới lãnh đạo Mỹ hỗ trợ chúng ta bằng các khả năng tấn công sâu cần thiết vào quân đội và hậu cần của Nga tại Crimea", ông Zelensky nhấn mạnh.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở ở Washington hôm 10/7, Nhà Trắng xác nhận xác các đồng minh NATO sẽ công bố kế hoạch cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ cơ bản tối thiểu là 40 tỷ euro (43 tỷ USD) trong năm tới.
Nhà Trắng xác nhận NATO công bố cam kết 43 tỷ USD cho Ukraine vào năm tới. Ảnh: Kyiv Independent
Tuyên bố nêu rõ các quốc gia này đặt mục tiêu "cung cấp mức hỗ trợ an ninh bền vững để Ukraine có thể chiến thắng". Ngoài ra, NATO dự kiến sẽ công bố một bộ chỉ huy quân sự mới tại Đức để huấn luyện và trang bị cho quân đội Ukraine, cũng như bổ nhiệm một đại diện cấp cao mới của NATO tại Kiev.
Vào ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh, Mỹ và ít nhất 9 đồng minh NATO khác đã cam kết gửi "hàng chục" hệ thống phòng không tới Ukraine trong những tháng tới, bao gồm ít nhất bốn khẩu đội Patriot.
Theo tuyên bố của Nhà Trắng, Mỹ, Đức và Romania sẽ "nhanh chóng" cung cấp thêm cho Ukraine các hệ thống Patriot, trong khi Hà Lan sẽ cung cấp các linh kiện để vận hành một hệ thống Patriot khác. Italy cũng sẽ cung cấp cho Ukraine thêm hệ thống phòng không SAMP-T.
"5 hệ thống phòng không chiến lược này sẽ giúp bảo vệ các thành phố, người dân và binh lính của Ukraine. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với chính phủ Ukraine để các hệ thống này có thể được bàn giao và đưa vào sử dụng nhanh chóng", tuyên bố chung nêu rõ.
Trong những tháng sau đó, Canada, Na Uy, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh cũng sẽ đóng góp vào việc cung cấp thêm "hàng chục" hệ thống phòng không chiến thuật cho Ukraine, bao gồm NASAMS, HAWK, IRIS T-SLM, IRIS T-SLS và hệ thống Gepard.
Theo Kyiv Independent