Khoảng 5h ngày 14/7, đất đá từ quả đồi cao 15-20 m tại thị trấn Cốc Pài, huyện Sín Mần đổ ập xuống khu vực dân cư, nhà xưởng bên dưới. Một nhà hai tầng kiên cố ở đỉnh đồi bị sạt mất phần sân, nằm chênh vênh trên vách đồi. Bên dưới, khung nhà xưởng sập đè vào một ôtô tải, đất đá tràn gần hết tỉnh lộ 178.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Cốc Pài, cho biết trên VnExpress, hai hộ dân với 9 nhân khẩu đã chủ động di tản từ chiều qua nên sạt lở không gây thiệt hại về người. Chính quyền địa phương đã cử người rà soát tất cả điểm nguy cơ sạt lở trên địa bàn để có giải pháp ứng phó.
UBND tỉnh Hà Giang cho biết mưa lớn làm xuất hiện hàng chục điểm sạt lở. Ngoài điểm trên quốc lộ 34 đoạn qua xã Yên Định, huyện Bắc Mê, tỉnh lộ 178 có 10 vị trí sạt với khối lượng 1.300 m3. Huyện Vị Xuyên có 12 điểm sạt lở trên các tuyến đường liên xã, liên thôn với khối lượng 1.500 m3 đất đá.
Đất đá từ quả đồi cao 15-20 m tại thị trấn Cốc Pài, huyện Sín Mần đổ ập xuống khu nhà xưởng. (Ảnh: VNE)
Tại huyện Xín Mần, 10 tuyến đường liên xã, liên thôn có 26 điểm sạt lở với khối lượng 830 m3 đất đá, nhiều điểm ôtô không thể qua lại. Tại huyện Quang Bình, sạt lở xảy ra tại 18 điểm ở tuyến đường liên xã, liên thôn với khối lượng 1.200 m3. Ngoài ra, 7 tuyến kênh mương tại huyện Xín Mần bị hư hại do sạt lở đất.
Hôm qua, tỉnh Hà Giang di dời khẩn cấp 21 gia đình tại huyện Xín Mần. Mưa lũ, sạt lở đất đã khiến 25 nhà bị hư hại, hơn 37 ha hoa màu và lúa bị ngập, đổ.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết lượng mưa từ 23h ngày 13/7 đến 5h ngày 14/7 tại Lao Chải (Hà Giang) là hơn 150 mm. Dự báo trong 3-6 giờ tới, Bắc Bộ mưa phổ biến 10-30 mm, có nơi trên 50 mm. Các huyện Quản Bạ, Bắc Mê, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Xín Mần, Quang Bình và TP Hà Giang có nguy cơ sạt lở cao.
Ngày 14/7, bà Trần Thị Yến Oanh - Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn cho biết trên Dân trí, khoảng 700 du khách đang bị mắc kẹt trên xã đảo này 2 ngày do tình hình thời tiết xấu, tàu ngưng chạy.
"Hiện tại, du khách bị kẹt lại trên đảo được chủ các nhà nghỉ hỗ trợ chỗ nghỉ ngơi và ăn uống, giảm một nửa giá tiền phòng và giá thuê xe. Tùy vào tình hình thời tiết tàu sẽ chạy đưa du khách về đất liền", bà Oanh nói.
Trước đó, phà từ Rạch Giá, Hà Tiên đi Phú Quốc, Nam Du đã tạm ngưng hoạt động do thời tiết xấu.
Theo Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Kiên Giang, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông nên một số tỉnh, thành khu vực ven biển có mưa, mưa dông kéo dài nhiều ngày qua.
Tàu Rạch Giá đi Phú Quốc, Nam Du đang ngưng chạy vì thời tiết xấu. (Ảnh: Dân trí)
Riêng TP.Phú Quốc sáng 14/7 mưa rất to, lực lượng chức năng cũng đã tập trung sơ tán, cứu hộ người dân và tài sản tại điểm bị ngập lụt sâu đến nơi an toàn.
Xã đảo An Sơn thuộc quần đảo Nam Du, nằm về phía đông Nam đảo Phú Quốc, cách bờ biển Rạch Giá 115km.
Trận động đất trên xảy ra vào khoảng 15 giờ 21 phút 45 giây, ngày 14/7, tại tọa độ 14.809 độ Vĩ Bắc - 108.185 độ Kinh Đông. Độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km, không gây rủi ro thiên tai.
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy ra thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4.7, xảy ra vào chiều 23/8/2022.
Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho biết trên TTXVN, khu vực tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng thuộc đới đứt gãy nhỏ. Các trận động đất tại khu vực này có độ lớn không quá 5.0. Mức độ động đất tại khu vực này dù xảy ra nhiều nhưng chưa đến mức cảnh báo rủi ro.
Viện Vật lý Địa cầu thường xuyên thông báo về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này; đồng thời các cán bộ thuộc Viện tiếp tục theo dõi thêm và xử lý số liệu các trận động đất tại huyện Kon Plông.