TP.HCM nghiên cứu mở lại hoạt động bán ăn tại chỗ, vé số
Tại buổi làm việc với các sở, ban, ngành và các quận, huyện, TP.Thủ Đức về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm vào chiều 19/10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết cần nghiên cứu mở lại một số hoạt động như bán ăn tại chỗ, bán vé số và một số hoạt động sinh kế khác để tạo việc làm, thu nhập cho hàng triệu người dân, giảm gánh nặng cho an sinh xã hội.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: TTBC TP.HCM
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, TP đang rà soát lại kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, Chỉ thị 18 đối chiếu với Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Hoàn thiện cơ chế giám sát cảnh báo dịch trên địa bàn TP, quyết tâm xây dựng cơ sở dữ liệu phòng chống dịch với những con số, thông tin đáng tin cậy giúp TP.HCM ra quyết định.
Đồng thời, tiếp tục cập nhật các bộ tiêu chí an toàn trong từng lĩnh vực để vận hành các hoạt động xã hội, sản xuất kinh doanh; xử lý các tình huống xảy ra theo bộ tiêu chí.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng cho hay TP tổng kết công tác phòng chống dịch trong làn sóng thứ 4, hoàn thiện phương án tổng thể phòng chống dịch trong thời gian tới, rút ra bài học kinh nghiệm để xây dựng phương án tổng thể với các kịch bản cụ thể và biện pháp ứng phó tương ứng với từng kịch bản đó.
Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ sớm củng cố hệ thống y tế với 3 trụ cột: y tế công cộng, y tế điều trị, y tế phục hồi.
Hà Nội công bố chi tiết cấp độ dịch tại từng xã, phường
Sở Y tế Hà Nội vừa có công bố chi tiết việc phân vùng nguy cơ dịch COVID-19 theo 4 cấp độ với từng xã, phường trên địa bàn thành phố.
Theo đó, bảng phân vùng này được tính theo phân bố ca bệnh tại cộng đồng từ ngày 27/4 cho đến nay.
Trong đó, tổng số xã, phường vùng 1 (vùng màu xanh) của thành phố là 343. Tổng số xã, phường vùng 2 (vùng màu vàng) là 236. Thành phố không có xã, phường nào thuộc vùng 3, 4 - nguy cơ cao về dịch COVID-19.
Cụ thể:
Quận Ba Đình có tổng cộng 113 ca F0, trong đó 35 ca tại cộng đồng. 11 phường thuộc quận Ba Đình được xác định là cấp 2. Bên cạnh đó, có 3 phường là Giảng Võ, Ngọc Khánh và Quán Thánh thuộc cấp một.
Quận Bắc Từ Liêm ghi nhận 98 ca bệnh, trong đó có 30 ca cộng đồng. Quận có 3 phường là Tây Tựu, Thụy Phương, Xuân Tảo cấp một. Các phường còn lại đều thuộc cấp 2.
Quận Cầu Giấy có 49 ca COVID-19, trong đó 25 ca ghi nhận tại cộng đồng. Quận Cầu Giấy có phường Nghĩa Tân và Dịch Vọng là cấp độ một, 6 phường còn lại đều thuộc cấp độ 2.
Quận Đống Đa ghi nhận 404 ca mắc COVID-19, trong đó 166 ca cộng đồng. Toàn bộ phường của quận Đống Đa đều thuộc cấp 2.
Quận Hà Đông ghi nhận 160 ca mắc COVID-19, trong đó có 46 ca cộng đồng. Quận có 7 phường: Biên Giang, Đồng Mai, Nguyễn Trãi, Phú La, Phú Lãm, Phú Lương, Yết Kiêu thuộc cấp một. Các khu vực còn lại ở cấp 2.
Quận Hai Bà Trưng ghi nhận tổng 318 F0, trong đó 139 ca cộng đồng. Trừ 2 phường: Cầu Dền và Đồng Nhân thuộc cấp một, các khu vực khác của quận đều ở cấp độ 2.
Quận Hoàn Kiếm có tổng 199 ca COVID-19, trong đó 68 ca cộng đồng. Các phường: Cửa Đông, Cửa Nam, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Đào, Hàng Gai, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Tràng Tiền đạt tiêu chí cấp độ một. Những khu vực còn lại thuộc cấp 2.
Quận Hoàng Mai có 391 ca mắc COVID-19, trong đó 151 ca cộng đồng. Hầu hết các phường đều thuộc cấp độ 2, chỉ trừ phường Thanh Trì đạt tiêu chí cấp độ một.
Quận Long Biên có 82 ca mắc COVID-19, trong đó 37 ca cộng đồng. Quận Long Biên có phường Sài Đồng và Cự Khối thuộc cấp độ một, các phường còn lại thuộc cấp 2.
Quận Tây Hồ có 36 ca mắc COVID-19, trong đó 15 ca cộng đồng. 4 phường bao gồm: Bưởi, Phú Thượng, Thụy Khuê, Yên Phụ thuộc cấp 2. Các khu vực còn lại thuộc cấp một.
Quận Thanh Xuân có 750 ca mắc COVID-19, trong đó 58 ca cộng đồng. Hầu hết các khu vực của quận đều là cấp 2, chỉ duy nhất phường Kim Giang đạt tiêu chí cấp độ một.
Quận Nam Từ Liêm có 42 ca COVID-19, trong đó 20 ca cộng đồng. Ngoài phường Tây Mỗ thuộc cấp một, các khu vực còn lại đều thuộc cấp 2.
Huyện Ba Vì ghi nhận 8 ca mắc COVID-19, trong đó 2 ca cộng đồng. 2 xã: Cam Thượng và Phong Vân thuộc cấp 2; các xã, phường còn lại đều là cấp một.
Huyện Chương Mỹ ghi nhận 16 ca mắc COVID-19, trong đó 6 ca cộng đồng. 5 xã thuộc cấp độ 2 là: Đại Yên, Đông Sơn, Phụng Châu, Thủy Xuân Tiên, Xuân Mai. Các xã, phường còn lại được xác định cấp một.
Huyện Đan Phượng có 46 ca mắc COVID-19, trong đó có 9 ca cộng đồng. Phùng, Song Phượng, Tân Hội, Tân Lập, Trung Châu là các xã, thị trấn thuộc cấp 2. Những khu vực còn lại của huyện được xác định cấp một.
Huyện Đông Anh có 377 ca mắc COVID-19, trong đó 146 ca cộng đồng. 7 xã gồm Bắc Hồng, Cổ Loa, Dục Tú, Liên Hà, Mai Lâm, Tàm Xá, Xuân Canh thuộc cấp một. Các xã, phường còn lại đều thuộc cấp độ 2.
Huyện Gia Lâm có 58 ca COVID-19, trong đó 29 ca cộng đồng. Trừ 6 xã: Bát Tràng, Đa Tốn, Đặng Xá, Đông Dư, Kim Sơn, Yên Viên thuộc cấp 2, thì các khu vực còn lại của huyện đều đạt tiêu chí cấp một về dịch.
Huyện Hoài Đức có 79 ca mắc COVID-19, trong đó 26 ca cộng đồng. Phần lớn các phường, xã trên địa bàn đều đạt tiêu chí cấp độ một. Chỉ có An Khánh, An Thượng, La Phù, Sơn Đồng, thị trấn Trôi, Yên Sở thuộc cấp 2.
Huyện Mê Linh có 33 ca mắc COVID-19, trong đó 13 ca cộng đồng. Có 6 xã là Chu Phan, Hoàng Kim, Kim Hoa, Liên Mạc, Thanh Lâm, Tiền Phong thuộc cấp 2, những khu vực còn lại đều đạt tiêu chí cấp độ một.
Huyện Mỹ Đức có 24 ca COVID-19, trong đó 11 ca cộng đồng. Các xã An Mỹ, Hương Sơn, Mỹ Thành, Phúc Lâm thuộc cấp 2, những khu vực còn lại được xếp vào cấp độ một.
Huyện Phú Xuyên ghi nhận 30 ca mắc COVID-19, trong đó có 5 ca cộng đồng. Có 4 xã là Hoàng Long, Sơn Hà, Văn Hoàng, Vân Từ thuộc cấp 2. Những khu vực còn lại của huyện đều đạt cấp độ một.
Huyện Phúc Thọ ghi nhận 14 ca COVID-19, trong đó 7 ca cộng đồng. Phần lớn địa bàn huyện Phúc Thọ đều đạt tiêu chí cấp độ một, trừ xã Hiệp Thuận thuộc cấp 2.
Huyện Quốc Oai có 43 ca COVID-19, trong đó 25 ca cộng đồng. Cấn Hữu và Quốc Oai là 2 khu vực thuộc cấp 2, các xã còn lại đều đạt tiêu chí cấp một.
Huyện Sóc Sơn có 40 ca COVID-19, trong đó 14 ca cộng đồng. Hiền Ninh, Mai Đình, Phú Cường, Phú Minh, Trung Giã, Việt Long, Xuân Thu là những khu vực thuộc cấp 2. Các xã, phường còn lại thuộc cấp một.
Huyện Thạch Thất có 91 ca mắc COVID-19, trong đó 28 ca cộng đồng. Cẩm Yên, Liên Quan, Phùng Xá, Tiến Xuân là các xã thuộc cấp 2. Các khu vực còn lại của huyện đều đạt cấp độ một.
Huyện Thanh Oai có 17 ca mắc COVID-19, trong đó 4 ca cộng đồng. 3 xã bao gồm: Bích Hòa, Cao Viên và Cự Khê thuộc cấp 2, các khu vực còn lại thuộc cấp một.
Huyện Thanh Trì có 395 ca mắc COVID-19, trong đó có 125 ca cộng đồng. Huyện có xã Thanh Liệt, Văn Điển, Yên Mỹ đạt tiêu chí cấp một, các xã, phường còn lại thuộc cấp 2.
Huyện Thường Tín có 165 ca mắc COVID-19, trong đó 68 ca cộng đồng. Các xã thuộc cấp một gồm: Chương Dương, Hà Hồi, Hòa Bình, Khánh Hà, Lê Lợi, Minh Cường, Nghiêm Xuyên, Nhị Khê, Quất Động, Thắng Lợi, Thống Nhất, Thư Phú, Tiền Phong, Vạn Điểm, Vân Tảo, Văn Tự. Các khu vực còn lại đều là cấp 2.
Huyện Ứng Hòa có 18 ca mắc COVID-19, trong đó 7 ca cộng đồng. Đồng Tiến, Hòa Xá, Minh Đức, Trường Thịnh là các xã thuộc cấp 2, những khu vực còn lại thuộc cấp một.
Angela Phương Trinh bị phạt 7,5 triệu đồng
Angela Phương Trinh đã đăng tải nhiều bài viết với nội dung cho rằng địa long có thể chữa khỏi COVID-19. Ảnh: Tri thức trực tuyến
Ngày 19/10, Chánh thanh tra sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Lê Ngọc Phương Trinh (nghệ danh Angela Phương Trinh) về hành vi cung cấp thông tin trên mạng xã hội có nội dung sai sự thật việc chữa trị COVID-19 bằng địa long (giun đất).
Nữ diễn viên này bị xử phạt với số tiền 7,5 triệu đồng theo điểm a khoản 1 Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Trước đó, vào tháng 8/2021, tài khoản Facebook và Fanpage của nữ diễn viên Angela Phương Trinh thường xuyên chia sẻ các bài viết có nội dung địa long có thể chữa khỏi bệnh cho người mắc COVID-19.
Thanh tra sở TT&TT TP.HCM đã yêu cầu chủ tài khoản Angela Phương Trinh phải gỡ bỏ nội dung thông tin sai sự thật, gây hiểu nhầm về việc phòng, điều trị COVID-19 với sản phẩm từ địa long.
Bên cạnh đó, ngày 25/8, Sở cũng có giấy mời chủ tài khoản lên làm làm việc để làm rõ và có cơ sở xử lý theo quy định. Tuy nhiên, do TP.HCM còn trong thời gian cao điểm giãn cách xã hội của theo Chỉ thị 16 từ ngày 23/8, nên buổi làm việc được dời sang sau thời gian này.
Đến đầu tháng 9/2021, Chánh thanh tra sở TT&TT TP.HCM đã yêu cầu chủ tài khoản Facebook Angela Phương Trinh gỡ bỏ nội dung sai sự thật, gây hiểu nhầm về khả năng phòng, điều trị bệnh của sản phẩm từ giun đất.
Làm việc với lực lượng chức năng, nữ diễn viên sau đó nhận sai và đã xóa những bài viết dẫn chứng các trường hợp người nhiễm nCoV khỏi bệnh nhờ uống giun đất trên trang cá nhân và Fanpage.
Phú Thọ: Sát hại chú họ để cướp tài sản
Ngày 19/10, Phòng CSHS- Công an tỉnh Phú Thọ đang tạm giam Nguyễn Lâm Tùng (38 tuổi, ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) về tội Giết người, Cướp tài sản.
Nạn nhân trong vụ việc này là ông Khuất Văn Ba (54 tuổi, trú tại xã Đồng Xuân, huyện Thanh Ba).
Trước đó, sáng ngày 12/10, cảnh sát địa phương nhận tin báo của người dân về việc phát hiện ông Khuất Văn Ba tử vong tại nhà riêng.
Nắm bắt vụ việc, Phòng CSHS phối hợp với Công an huyện Thanh Ba có mặt khám nghiệm hiện trường, tử thi, phát hiện thi thể ông Ba xuất hiện vết thương ở vùng gáy. Vùng cổ của nạn nhân có dấu hiệu bị siết, nhiều tài sản cũng bị lấy mất.
Cơ quan điều tra nhanh chóng xác định Nguyễn Lâm Tùng là nghi phạm trong vụ án này. Tùng vốn gọi nạn nhân bằng chú. Đối tượng này nghiện ma túy, từng có một tiền án về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau khi cải tạo về, Tùng thường xuyên đi lang thang, ít về nhà.
Đến 17h ngày 13/10, cơ quan chức năng bắt giữ Tùng khi đang lẩn trốn ở nhà nghỉ Bảo Long (ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái).
Làm việc với cơ quan điều tra, Tùng thừa nhận hành vi giết ông Ba. Theo lời khai, chiều tối ngày 11/10, sau khi cùng nạn nhân sử dụng ma túy, nhìn thấy ví của ông Ba giấu trong hòm lúa nên Tùng nảy sinh ý định giết nạn nhân để cướp tài sản. Đối tượng đã dùng cây gỗ đánh gục nạn nhân, sau đó tiếp tục siết cổ ông Ba đến chết.
Sau đó Tùng lục ví của nạn nhân lấy số tiền 6.700.000 đồng, toàn bộ giấy tờ xe máy và tẩu thoát về thị xã Nghĩa Lộ.
Bạch Hiền (t/h)