Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức thời sự mới nóng nhất hôm nay 11/8/2019: Cô giáo mầm non khiến 3 trẻ bị bỏng nặng

(DS&PL) -

Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 11/8/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 11/8/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 11/8/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 11/8/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Hà Nam: Dạy phòng chống cháy nổ, cô giáo mầm non khiến 3 trẻ bị bỏng nặng

Một nạn nhân bị bỏng nặng được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam - Ảnh: Tuổi trẻ

Vietnamnet đưa tin, vụ việc xảy ra vào khoảng 15h40 ngày 9/8, tại nhóm lớp trẻ mầm non tư thục Tuổi thơ, đóng tại địa bàn xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Theo thông tin ban đầu, vào thời điểm nói trên, lớp mầm non tư thục Tuổi thơ (do chị Nguyễn Thị Khoát, SN 1990, trú tại xã Duy Minh đăng ký làm chủ) tổ chức cho khoảng 25 trẻ đang theo học học về kỹ năng phòng chống cháy nổ.

Các cô giáo đã dùng cồn đổ vào trong mâm làm giáo cụ rồi châm lửa để dạy trẻ kỹ năng phòng tránh hỏa hoạn. Không may lúc này có gió lớn thổi từ cửa sổ tạt ngọn lửa cồn đang cháy trong mâm vào 3 cháu nhỏ khiến các cháu bị bỏng.

Ngay sau đó, 2 cô giáo đang trong lớp đã dùng khăn ướt sẵn có trùm lên người các cháu rồi đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Liên quan đến vụ việc, Tuổi trẻ đưa tin, đại diện Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam cho biết 3 cháu bé nhập viện vì bị bỏng ở xã Duy Minh là H.L. (5 tuổi), G.K. (4 tuổi) và A.T. (3 tuổi). Trong đó, có một cháu bị bỏng diện tích rộng, 2 cháu còn lại nhẹ hơn.

Đại diện bệnh viện thông tin: "Phía nhà trường đang xin bệnh viện chuyển các cháu lên Bệnh viện Quân y 103 để điều trị tốt hơn. Chúng tôi thấy yêu cầu này là chính đáng nên đã cho phép làm thủ tục chuyển viện".

Ông Vũ Minh Đông, trưởng Công an xã Duy Minh, cho biết sau khi sự việc xảy ra nhà trường không báo cáo lên UBND xã. Hiện Công an huyện Duy Tiên đã cử cán bộ xuống làm việc để điều tra sự việc.

Lãnh đạo Công an xã Duy Minh nói: "Thời điểm xảy ra sự việc nhóm trẻ tư thục Tuổi thơ có 2 lớp, gồm lớp nhỏ tuổi là các cháu từ 1 đến 2,5 tuổi, nhóm lớn tuổi là các cháu từ 3 đến 5 tuổi. Nhóm trẻ tư thục này mới được cấp phép khoảng 3 tháng nay. Khi dạy kỹ năng phòng chống cháy nổ, cả 25 trẻ ở 2 lớp trên đều được tham gia".

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiến hành làm rõ.

Lâm Đồng: Giúp dân chạy lũ, chiến sĩ công an bị lũ cuốn tử vong

Theo Tiền phong, ngày 10/8, ông Vũ Hoàng Tập -  Chủ tịch UBND xã Lộc Châu, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng cho biết, sáng 10/8, đoàn cán bộ của Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Bộ Công an) cùng công an địa phương đã đến viếng ông Phạm Minh Tú (50 tuổi, công an viên thôn Tân Thịnh) và thăm hỏi, động viên gia đình ông.

Ông Phạm Minh Tú là người đã dũng cảm quên mình trong tình huống cứu giúp nhân dân chạy lũ dữ tại TP. Bảo Lộc.

Nhớ lại thời khắc đó, ông Vũ Hoàng Tập vẫn còn bàng hoàng. Ông kể nước từ các hướng đổ dồn về vùng trũng, thấp của thôn Tân Thịnh gây ngập lụt nghiêm trọng nhà cửa, vườn tược... Lúc đó nước suối đang chảy xiết nhưng ông Tú vẫn cố gắng đập tường  rào để thông cống nhằm tạo lối thoát cho dòng nước.

Khi đang xoay xở với công việc khó khăn, nguy hiểm này, ông Tú rơi xuống hố cống sâu và bị nước nhấn chìm. Lực lượng cứu hộ và đông đảo người dân địa phương nỗ lực tìm kiếm nhưng khi tiếp cận được thì ông đã tử vong.

Nhiều người nghẹn ngào thương tiếc vì ông đã quên mình để cứu giúp dân, và trong suốt 10 năm làm công an viên, ông luôn năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm.

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn - Thứ trưởng Bộ Công an cũng đã gửi thư thăm hỏi thân nhân ông Tú, chia buồn sâu sắc và tri ân tới gia đình ông.

Được biết, vào 19h ngày 3/8, anh Thao Văn Súa (33 tuổi, Trưởng công an xã Nhi Sơn, Mường Lát, Thanh Hoá) cũng bị khối đất đá từ sườn núi sạt xuống, vùi lấp khi đang làm nhiệm vụ giúp dân trong lũ dữ.

Cụ thể, anh Thao Văn Súa hy sinh khi đi kiểm tra các hộ dân xã Nhi Sơn nằm trong vùng nguy cơ sạt lở do mưa lũ nhằm hỗ trợ di dời. Khi tới gần trường Tiểu học xã Nhi Sơn (bản Pá Hộc), đất đá từ trên sườn núi sạt xuống, vùi lấp anh Súa.

Qua một đêm tìm kiếm, đến đầu giờ sáng 4/8, lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể anh Súa, đưa về gia đình làm thủ tục an tang.

Đắk Lắk: Xót xa bé sơ sinh bị bỏ rơi ở ven đường

Bé trai bị bỏ rơi hiện đang được người dân chăm sóc tại bệnh viện. Ảnh: VTC News 

Thông tin trên báo Infonet, ngày 10/8, lãnh đạo UBND phường Thành Nhất (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) xác nhận, người dân trên địa bàn vừa nhặt được một bé trai bị bỏ rơi bên đường.

Cụ thể, vào khoảng 11h cùng ngày, một người dân tại Buôn Ky (phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột) nghe được tiếng khóc của trẻ sơ sinh trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) nên dừng xe quan sát.

Sau đó, người này lần theo tiếng khóc thì phát hiện một bé trai sơ sinh trong tình trạng cơ thể tím tái, bị ai đó bỏ lại bên trong lề đường.

Ngay sau khi phát hiện sự việc, người dân đã nhanh chóng trình báo công an phường Thành Nhất và đưa về bệnh viện thành phố Buôn Ma Thuột thăm khám.

Được biết, cháu gái bị suy nhược cơ thể do nhiễm lạnh. Sau khi được các bác sĩ chăm sóc, cháu bé đã dần ổn định sức khỏe.

Lãnh đạo UBND phường Thành Nhất cho biết, cháu bé nặng 2,3kg.

Liên quan đến sự việc, VTC News cho hay, đại diện công an phường Thành Nhất cho biết, bé trai tạm thời được một người dân gần đó nhận về nuôi dưỡng và chăm sóc.

Được biết, tại thời điểm phát hiện cháu bé bị bỏ rơi trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột xuất hiện những cơn mưa lớn. Chính điều này, nhiều người dân rất phẫn nộ trước hành động của người vừa mang bé trai này bỏ lại ven đường.

UBND phường Thành Nhất đã phát đi thông báo tìm người thân của cháu bé. Nếu trong thời hạn 7 ngày, người thân không đến nhận lại cháu bé, đơn vị sẽ làm các thủ tục để giao bé cho người nhận nuôi chăm sóc.

Đi tắm biển, 2 du khách bị sóng cuốn trôi ở Bình Thuận

Thông tin trên báo Pháp Luật TP.HCM, sáng 10/8, tại bãi tắm Đá ông địa thuộc phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) đã xảy ra vụ đuối nước khiến một du khách đến từ TP.HCM thiệt mạng.

Cụ thể, vào khoảng 5h30 sáng cùng ngày, có hai nam du khách xuống bãi biển Đá ông địa để tắm và bất ngờ bị sóng lớn cuốn trôi. Những người gần đó phát hiện đã dùng dây và phao cứu sinh cứu được một người, kéo vào bờ đưa đi cấp cứu.

Nạn nhân còn lại là anh N.X.V. (43 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) bị nước cuốn ra xa. Anh V. sau đó dạt vào bờ nhưng những nỗ lực hô hấp, cấp cứu đã không còn tác dụng.

Được biết, hai người đàn ông này trong đoàn 17 người làm chung một công ty tại TP.HCM tổ chức đi Mũi Né du lịch và vừa đến resort nhận phòng lúc 3h cùng ngày.

Sau đó họ tổ chức nhậu rồi xuống biển tắm.

Quảng Nam: UBND xã trả lại phí tiêu hủy lợn dịch tả cho người dân

UBND xã Bình Triều đang trả lại người dân phí tiêu hủy lợn mắc dịch tả đã thu. Ảnh: Thanh niên

Theo Lao động và Dân trí, ngày 9/8, ông Nguyễn Ba - Chủ tịch UBND xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam - cho biết: "Từ ngày 8/8, UBND xã Bình Triều thực hiện việc trả lại tiền cho người dân mà đội thu gom, tiêu hủy lợn chết thu không đúng quy định. Tổng số tiền phải hoàn trả lại cho người dân là 214 triệu đồng. Đến thời điểm hiện tại, việc chi trả được chúng tôi hoàn thành ở thôn 3 và thôn 4.

Dự kiến toàn bộ số tiền mà đội thu gom, tiêu hủy lợn bệnh đã thu của người dân thôn 1 và thôn 2 sẽ được hoàn trả trong 2 ngày cuối tuần", ông Ba nói.

Thông tin từ UBND xã Bình Triều, quy định của nhà nước đối với heo mắc bệnh phải tiêu hủy có trọng lượng lớn hơn 70kg, nhà nước sẽ hỗ trợ chi phí 150.000 đồng/con. Trong khi người dân đã nộp cho đội xe vận chuyển 300.000 đồng/con, phần kinh phí người dân đã nộp vượt quy định (150.000 đồng/con) sẽ được địa phương xoay xở để bù lại theo đúng quy định của Nhà nước.

Trước đó, như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, vào tháng 7/2019, người dân xã Bình Triều bức xúc trước việc heo của họ bị bệnh dịch tả châu Phi, chính quyền địa phương khi tiêu hủy đã yêu cầu người chăn nuôi phải đóng tiền vận chuyển tùy vào trọng lượng heo.

Theo đó heo từ vài chục ký đến dưới 100kg thì đóng phí 200.000 đồng/ con, heo trên 100kg thu 300.000 đồng/con.

Nếu hộ nào không đóng tiền thì sau khi cân xong sẽ bị bỏ lại và phải tự chở đến điểm tiêu hủy tập trung của xã chôn lấp.

Chính quyền xã Bình Triều giải thích việc đội tiêu hủy thu tiền của người dân là không đúng với quy định. Tuy nhiên nhà nước chưa cấp tiền để chi trả cho số người làm công tác vận chuyển này nên chính quyền thuê người vận chuyển xác heo đi tiêu hủy rất khó khăn. Do đó, có xảy việc thu tiền của người dân để chi trả, việc này giúp nhanh chóng thu dọn heo chết sớm đi tiêu hủy, còn để lâu ngày bị hôi thối, sau khi có tiền nhà nước hỗ trợ sẽ trả lại cho dân.

Sau đó, UBND huyện Thăng Bình đã có công văn gửi các xã, thị trấn về việc chấn chỉnh, dừng ngay tình trạng thu tiền của người dân trong quá trình tiêu hủy heo bị dịch tả châu Phi.

Huyện đề nghị các xã sử dụng nguồn ngân sách dự phòng và các nguồn ngân sách khác của địa phương để triển khai phòng chống dịch, tuyệt đối không thu tiền của người dân.

Bạch Hiền (t/h)

Tin nổi bật