Bộ Y tế chấn chỉnh việc phòng chống dịch không phù hợp
Bộ Y tế vừa có văn bản 271/BYT-TTRB gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 242/VPCP-KGVX ngày 11/1/2022 của Văn phòng Chính phủ về một số sự việc theo báo chí phản ánh như: Mệt mỏi vì quy định bán tại chỗ mua hàng về thay đổi liên tục, trạm y tế ở Bình Dương tự ý thu tiền xét nghiệm khi đến tiêm vaccine, người dân phản ánh một số địa phương áp dụng biện pháp quản lý, cách ly chưa phù hợp.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy định.
Nhằm thực hiện đúng chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 128/NQ-CP về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp phòng chống dịch, việc triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19, bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra, xác minh hoặc điều tra để làm rõ nội dung thông tin báo nêu. Nếu có vi phạm yêu cầu xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật hoặc chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan công an để xem xét, xử lý.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy định; kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp, kiên quyết không để xảy ra các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Vĩnh Phúc rà soát 100% người lao động trước khi vào làm việc
UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có văn bản hỏa tốc yêu cầu các sở ban ngành, Công an tỉnh Vĩnh Phúc, UBND các huyện và cơ sở sản xuất, kinh doanh (CSSXKD) trên địa bàn tỉnh tăng cường các biện pháp cấp bách, triệt để phòng chống dịch COVID-19.
Trong những ngày qua, Vĩnh Phúc liên tục xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 trong các CSSXKD trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân là do một số CSSXKD còn lúng túng, chưa thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, chậm phát hiện người lao động nhiễm COVID-19 trong CSSXKD.
Trong khi đó, Ban quản lý khu công nghiệp chưa kiểm tra, giám sát, chỉ đạo sát sao công tác phòng, chống dịch trong KCN. Sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với cơ quan chức năng và CSSXKD chưa chặt chẽ, kịp thời để xử lý, ngăn chặn dịch bùng phát lây lan trong CSSXKD và ra cộng đồng.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. (Ảnh minh họa)
Vì vậy, Vĩnh Phúc giao UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm "4 tại chỗ", trong đó cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc địa bàn huyện, thành phố nào thì UBND/Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện, thành phố đó phải chịu trách nhiệm thực hiện.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại CSSXKD và việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Đồng thời, vận động tất cả các CSSXKD tổng rà soát 1 đợt với toàn bộ 100% người lao động để khẳng định không có người nhiễm COVID-19 trước khi vào công ty, doanh nghiệp làm việc, đảm bảo an toàn trong thời gian hoạt động tiếp theo.
Sở Y tế phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng bám sát tình hình dịch bệnh tại các CSSXKD để sớm phát hiện các ổ dịch, đánh giá nguy cơ, dự báo những diễn biến bất thường; hướng dẫn các biện pháp nghiệp vụ, chỉ đạo việc khoanh vùng, cách ly, không để lây lan bùng phát dịch trong các CSSXKD và lan ra cộng đồng.
Đặc biệt, các CSSXKD chịu trách nhiệm thành lập BCĐ phòng, chống dịch COVID-19, tổ an toàn COVID-19; thường xuyên tự kiểm tra, giám sát việc tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
Đà Nẵng: Vượt mốc 900 ca COVID-19, có đến 590 ca cộng đồng
Chiều 17-1, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP.Đà Nẵng cho biết trên địa bàn vừa ghi nhận 924 ca COVID-199. Trong đó, 590 ca phát hiện ở cộng đồng, 295 ca cách ly tại nhà, 37 ca trong khu phong tỏa và 2 ca đã cách ly tập trung.
Cụ thể, 590 ca cộng đồng gồm: 335 ca tự đến các cơ sở y tế khám bệnh, xét nghiệm; 239 ca tự test nhanh dương tính được các trạm y tế lấy mẫu; 56 ca có triệu chứng được trạm y tế lấy mẫu; 2 ca xét nghiệm định kỳ tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh; 1 ca là nhân viên y tế Bệnh viện Phụ sản Nhi; 10 ca lấy mẫu tiểu thương chợ Cẩm Lệ, chợ Hưởng Phước; 3 ca là lực lượng phòng chống dịch.
Ngành y tế Đà Nẵng nhận định 829/924 ca có khả năng lây lan cho cộng đồng, tập trung ở quận Sơn Trà 194 ca, quận Thanh Khê 160 ca, quận Liên Chiểu 138 ca, quận Hải Châu 108 ca, quận Cẩm Lệ 93 ca. quận Ngũ Hành Sơn 76 ca, huyện Hòa Vang 60 ca.
Việt Hương (T/h)