Hà Nội sẽ có phần mềm hỗ trợ F0 điều trị tại nhà hưởng BHXH
Báo cáo tại cuộc họp phòng chống dịch COVID-19 chiều tối 10-3, Sở Y tế Hà Nội cho biết hiện số F0 của Hà Nội gia tăng nhanh chóng, tuần qua trung bình ghi nhận 27.283 ca/ngày, ngày cao nhất ghi nhận 32.650 ca. Riêng ngày 10/3, Hà Nội ghi nhận 30.157 ca. Trong đó có khoảng 80% các trường hợp nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng…
Số ca tăng nhanh khiến nhiều đơn vị tế cơ sở quá tải khi nhiều F0 là người lao động đến xin cấp giấy tờ để hưởng chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Để xử lý vấn đề này, đại diện Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội cho biết đơn vị đang phối hợp với Sở TT&TT TP Hà Nội xây dựng phần mềm cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm cho người lao động bị nhiễm COVID-19.
"Phần mềm này xử lý hoàn toàn tự động, rất nhanh chóng, thuận tiện và đang chờ chạy demo và thử nghiệm", đại diện Bảo hiểm xã hội TP.Hà Nội cho hay.
Hình minh họa.
Theo Pháp luật TP.HCM, tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu việc xây dựng phần mềm trên cần phải làm gấp, để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động là F0.
Ông Dũng cũng giao Sở TT&TT, BHXH TP Hà Nội tập huấn triển khai đại trà việc dùng chữ ký số, liên quan tới các thủ tục xác nhận BHXH cho người có nhu cầu.
Liên quan tới nội dung này, mới đây Bộ Y tế đã có văn bản đề xuất Thủ tướng về giải quyết các vướng mắc chi trả chế độ nghỉ việc hưởng BHXH cho người bệnh mắc COVID-19, đề xuất công nhận 7 loại giấy tờ để F0 điều trị tại nhà được hưởng chế độ này.
7 loại giấy tờ này gồm: Quyết định cách ly tại nhà do chính quyền địa phương cấp; Giấy xét nghiệm (test nhanh hoặc PCR ) có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 do các cơ sở y tế cấp; Giấy xác nhận bị mắc COVID-19 của Trạm y tế xã, Trạm y tế lưu động, Tổ COVID cộng đồng, y tế cơ quan/doanh nghiệp; Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do Trạm y tế xã, Trạm y tế lưu động cấp nhưng cấp lùi lại thời gian trước đó người lao động đã nghỉ việc để điều trị COVID-19 tại nhà; Quyết định phê duyệt danh sách hoàn thành cách ly y tế tập trung; Phiếu xác nhận đã điều trị COVID-19 của các bệnh viện dã chiến.
Lào Cai lên phương án điều trị hậu COVID-19
Trong ngày 10/3, tỉnh Lào Cai ghi nhận 3.229 ca mắc COVID-19. Như vậy, tính đến nay, địa phương này đã có 53.802 F0. Trong đó có 31.214 bệnh nhân đã điều trị khỏi và ra viện; 22.559 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị; 29 trường hợp tử vong.
Trong 22.559 F0 đang điều trị, tại bệnh viện tuyến tỉnh là 440 bệnh nhân; bệnh viện tuyến huyện là 967 bệnh nhân và điều trị tại nhà là 17.922 bệnh nhân.
Tính đến thời điểm hiện tại, Lào Cai đã có 31.214 người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, không ít người sau một thời gian dài khỏi bệnh vẫn phải đối mặt với hàng loạt triệu chứng và di chứng kéo dài như mệt mỏi, khó thở, ho kéo dài, giảm sự tập trung, xơ phổi, rối loạn tâm lý, rối loạn giấc ngủ, suy giảm nhận thức...
Bệnh nhân COVID-19 điều trị tại BVĐK tỉnh Lào Cai.
Các rối loạn đa dạng này được xem là di chứng của COVID-19 hay hậu COVID-19, những di chứng này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh. Để ứng phó với thực tế mới phát sinh này, ngành y tế Lào Cai đã chuẩn bị các điều kiện đáp ứng nhu cầu điều trị di chứng hậu COVID-19 của người dân.
Bà Phạm Bích Vân - Phó Giám đốc Sở Y tế Lào Cai cho biết trên Sức khỏe & Đời sống: "Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng lên các phương án để thực hiện theo dõi, chăm sóc cho bệnh nhân hậu COVID-19.
Tiền Giang: Hơn 20 ngày liên tiếp không ghi nhận ca tử vong do COVID-19
Trước tình hình số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh có nguy cơ bùng phát trở lại, trong đó có học sinh ở các cấp học sau khi trở lại trường học trực tiếp, tỉnh Tiền Giang tiếp tục triển khai một số giải pháp cần thiết nhằm kiểm soát và ngăn chặn dịch COVID-19, đặc biệt là biến chủng mới Omicron BA.2.
TTXVN cho hay, ông Nguyễn Văn Mười, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh, điều cấp thiết hiện nay là ngành Y tế cùng các lực lượng chức năng liên quan phải tăng cường kiểm soát và ngăn chặn đà lây lan của biến chủng mới. Ngoài ra, công tác phòng, chống dịch hiện nay tại các đơn vị, cơ quan, địa phương và trong cộng đồng cần thực hiện nguyên tắc 5K, linh hoạt theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đồng thời siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai.
Tỉnh Tiền Giang vẫn tiếp tục triển khai mạnh mẽ, toàn diện "Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ". Tỉnh nỗ lực bao phủ mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cho ít nhất 75% người từ 18 tuổi trở lên trong quý 1 năm 2022, sẵn sàng tiêm vaccine cho trên 310 ngàn trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi khi Bộ Y tế phân bổ vaccine.
Việt Hương (T/h)