Trong cơn giông lốc lớn, cây sao cổ thụ trước khu vực Dinh Thống Nhất, quận 1 (TP.HCM), bật gốc đổ, tán tràn ra đường, nhiều người tháo chạy, chiều 4/9.
Theo tin tức trên VnExpress, vào khoảng 15h chiều 4/9, cây sao cao hơn 30m, đường kính gốc đoạn lớn nhất khoảng 2m, ở công viên 30/4 (đoạn gần giao lộ Pasteur - Lê Duẩn) bất ngờ đổ xuống đường trong cơn mưa gió. Nhiều nhánh cây to lớn nằm chắn ngang giao lộ, khiến giao thông ùn tắc. Trong khi phần rễ có đường kính gần 5m nằm trong thảm cỏ công viên.
Theo một nhân viên Công ty công viên cây xanh, cây đổ hơn 50 tuổi. Phần rễ cây dấu hiệu mục ruỗng, thưa thớt. Gần 20 người đã dùng cưa phân nhỏ nhánh cây chắn ngang đường để di dời. Thân cây vẫn còn xanh tốt, không bị sâu mọt.
Cây sao cổ thụ đổ trong cơn giông lốc, chiều 9/4. (Ảnh: VNE)
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, do ảnh hưởng của bão, thời tiết các tỉnh phía nam có mưa rào nhiều nơi, rải rác mưa vừa và giông, có rất to. Trong cơn giông khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Theo tin tức trên Dân trí, vào khoảng 15h chiều 4/9, nhiều khu vực tại Bình Dương đã chứng kiến một cơn mưa lớn kèm gió giật mạnh, gây ra tình trạng cây xanh bật gốc và nhiều hư hỏng khác.
Theo ghi nhận tại hiện trường, trong khu tái định cư Chánh Nghĩa, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, một cây xanh cỡ lớn đã bị bật gốc, đổ ngang ra đường, đè trúng ô tô và nhà dân. Một số trụ điện gần đó cũng bị kéo đổ, dẫn đến tình trạng mất điện diện rộng.
Tại các tuyến đường Thích Quảng Đức, hẻm đường 30 tháng 4, và đường Yersin, tình trạng tương tự cũng xảy ra với nhiều cây xanh bị bật gốc, chắn ngang đường, gây cản trở giao thông. Lực lượng chức năng đã và đang tiến hành cưa cây và dọn dẹp hiện trường.
Cây xanh bật gốc kéo theo trụ điện, đè trúng nhà dân và ô tô trong khu tái định cư Chánh Nghĩa.
Tại TP.Thuận An, gió giật mạnh cũng gây ra tình trạng cây bị gãy cành và cúp điện ở một số khu vực.
Trong 4 ngày gần đây, Bình Dương liên tục đối mặt với mưa lớn, gây ngập lụt nặng ở nhiều nơi. Cơn mưa chiều 4/9 dù diễn ra trong thời gian ngắn nhưng kèm theo gió mạnh, đã gây ra nhiều thiệt hại đáng kể.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, đợt mưa lớn cuối tháng 8/2024 gây ngập lụt ở Hàm Thuận Nam, nguyên nhân được xác định do mưa liên tục kéo dài nhiều ngày qua. Nước trên các khu vực vùng núi Hàm Cần, Hàm Kiệm, Hàm Cường đổ về nhiều, nhất là khu vực dọc ven sông Cát (thuộc thôn Phú Sơn và Phú Khánh, xã Hàm Mỹ) làm tiêu thoát không kịp gây ngập lụt cho nhân dân trong thôn.
Trong thời điểm ngập lụt, ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đi kiểm tra thực tế tình hình ngập lụt tại xã Hàm Mỹ. Qua đó, đề nghị địa phương bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân vùng ngập lụt.
Nước lũ rút dần tại các vườn thanh long. (Ảnh: Báo Bình Thuận)
Đồng thời huy động tối đa lực lượng để hỗ trợ di dời dân và tài sản lên nơi an toàn, cần thiết thì đề xuất UBND huyện Hàm Thuận Nam hỗ trợ lực lượng, phương tiện để thực hiện công việc nhanh, kịp thời, hiệu quả.
Ông Mai Kiều cũng đến kiểm tra tình hình mực nước, an toàn hồ chứa nước Đu Đủ (khu vực thượng lưu sông Cát), nhắc nhở đơn vị quản lý hồ theo dõi, điều tiết cắt lũ tối đa cho hạ du, tránh lũ chồng lũ làm mức độ ngập lụt nặng thêm.