Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức thời sự mới ngày 19/7: Đà Nẵng hỗ trợ hộ nghèo mua điện thoại thông minh

  • Việt Hương (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 19/7/2024. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 19/7/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Đà Nẵng hỗ trợ hộ nghèo mua điện thoại thông minh khi tắt sóng 2G

Ngày 18/7, UBND thành phố Đà Nẵng đã có tờ trình Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố về việc hỗ trợ chi phí mua điện thoại thông minh cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.

Trong đó đề xuất hỗ trợ tối đa 2 triệu đồng/thiết bị/hộ cho trường hợp thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo chuẩn thành phố mà tất cả thành viên trong hộ đều chưa có điện thoại thông minh. Mỗi hộ gia đình chỉ được hỗ trợ tối đa một lần.

Dự kiến, Đà Nẵng sẽ là địa phương đầu tiên trên cả nước tắt sóng 2G. Các điện thoại sử dụng sóng 2G (máy bấm phím cổ điển chỉ nghe, gọi, nhắn tin) sẽ phải chuyển sang dùng điện thoại thông minh. Theo lộ trình, đến tháng 9 tại Đà Nẵng sẽ tắt sóng mạng 2G.

Qua thống kê, Đà Nẵng có hơn 3.800 hộ gia đình chưa có điện thoại thông minh.

Vừa qua, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có thông báo việc doanh nghiệp hỗ trợ hộ gia đình chưa có điện thoại thông minh tại Đà Nẵng.

Các doanh nghiệp viễn thông di động sẽ hỗ trợ Đà Nẵng tổng cộng 2.010 máy điện thoại thông minh. Vì vậy thành phố dự kiến hỗ trợ đối với 1.800 hộ gia đình chưa có điện thoại thông minh để bảo đảm thông tin liên lạc.

Hình minh họa.

Theo UBND thành phố Đà Nẵng, Thông tư 14 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định danh mục, chất lượng dịch vụ viễn thông công ích và hướng dẫn thực hiện chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025, đối tượng được nhận hỗ trợ là hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn được quy định mức hỗ trợ tiền mặt 500.000 đồng/hộ.

Do đó để hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố, cần ban hành nghị quyết HĐND thành phố mang tính đặc thù địa phương, mức hỗ trợ tối đa không quá 2 triệu đồng.

Sẽ xử lí công ty quỵt lương, buộc vợ chồng công nhân đi bộ từ Bình Dương về quê

Ngày 18/7, đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết trên VOV, đơn vị đang phối hợp xác minh thông tin về việc một công ty xây dựng đã bóc lột sức lao động của công nhân, khiến cả gia đình họ phải đi bộ về quê vì không được trả lương.

Nạn nhân là vợ chồng anh Đỗ Bá D. (SN 2001) và chị Bàn Mai H. (SN 2002), cùng con nhỏ là Đỗ Gia T. (9 tháng tuổi), trú tại xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Theo thông tin ban đầu, vào ngày 17/7, người dân phát hiện vợ chồng anh D. mang theo con nhỏ, đang đi bộ trên tuyến Quốc lộ 1A, hướng về quê nhà Tuyên Quang.

Sau khi được đưa về Trạm Cảnh sát giao thông Hòa Hiệp, TP.Đà Nẵng, anh D. cho biết vì tin lời quảng cáo tuyển dụng lao động trên mạng xã hội nên đã đưa cả gia đình vào Bình Dương để làm phụ hồ cho một công ty xây dựng đang làm công trình trong khu công nghiệp.

Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng làm việc, vợ chồng D. không được chủ thầu trả lương, dẫn đến việc họ không có tiền để trang trải chi phí sinh hoạt, tiền nhà trọ và sữa cho con. Thêm vào đó, giấy tờ tùy thân của họ cũng bị chủ sử dụng lao động giữ lại và không trả.

Vợ chồng anh D. ôm con nhỏ đi bộ về quê. (Ảnh MXH)

Vì không còn cách nào khác, vào ngày 12/7/2024, vợ chồng anh D. quyết định đi bộ về quê. Trên đường đi, họ được người dân hỗ trợ bắt xe container để quá giang. Sau 5 ngày di chuyển với 4 lần bắt xe, họ đã đến địa phận Đà Nẵng và tiếp tục đi bộ cho đến khi được người dân phát hiện và đưa về Trạm Cảnh sát giao thông Hòa Hiệp để hỗ trợ.

Nhận được thông tin này, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng vào cuộc xác minh và phối hợp với các đơn vị liên quan để làm rõ vụ việc.

Khi xác định được công ty xây dựng vi phạm, Ban Quản lý sẽ xử phạt theo quy định của pháp luật.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cũng đang tích cực xác minh danh tính công ty xây dựng và phối hợp xử lý vụ việc, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Trại lợn bị phạt 120 triệu đồng vì xả bẩn làm cá chết

Quyết định xử phạt được Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa công bố ngày 18/7 sau hơn 10 ngày phân tích mẫu nước thải được lấy từ trại lợn Bãi Trành, huyện Như Xuân của Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt, ông Nguyễn Khánh Toàn, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho biết trên VnExpress.

Theo ông Toàn, được đầu tư công trình xử lý chất thải, tuy nhiên trại lợn Bãi Trành vẫn thải nước không đạt tiêu chuẩn ra hồ chứa. Hồ chứa nước thải không được lót bạt thành đáy khiến nước rò rỉ, thẩm thấu ra khe Sào. Kết quả phân tích mẫu nước khe Sào đoạn trước khi đi qua trại Bãi Trành có chất lượng tốt, nhưng từ phía sau này lại có nhiều chỉ số ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép.

Cá chết la liệt trên khe Sào. (Ảnh: VnExpress)

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nếu sử dụng nguồn nước này có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Các loài sinh vật như tôm, cá cũng chịu tác động do nguồn nước ô nhiễm.

Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt ngoài bị phạt tiền còn phải hút toàn bộ nước thải tại hồ chứa để xử lý lại, gia cố thành đáy hồ đảm bảo chống rò rỉ ra khe Sào, hoàn thành trước 5/8. Doanh nghiệp phải lắp đặt, vận hành hệ thống đường ống, biển báo chỉ dẫn điểm xả thải, đồng hồ đo lưu lượng nước thải... đúng quy định.

Tin nổi bật