Theo Pháp luật TP.HCM, UBND TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị có liên quan sau khi xảy ra sự cố gãy cành, gây hậu quả nghiêm trọng tại Công viên Tao Đàn, quận 1, TP.HCM sáng 9/8.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND quận 1 tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cho các nạn nhân bị thương và gia đình các nạn nhân tử vong do sự cố cây xanh gãy đổ nêu trên theo quy định.
Đồng thời, khẩn trương rà soát, nắm bắt lại tình hình sự việc, xác định rõ nguyên nhân xảy ra sự cố và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan; đề xuất hướng xử lý, báo cáo UBND TP trước ngày 10/8.
Chủ tịch UBND TP giao Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức phối hợp các đơn vị có liên quan khẩn trương tổ chức kiểm tra toàn diện về khả năng đảm bảo an toàn của hệ thống cây xanh công cộng trên địa bàn; xử lý kịp thời, phù hợp đối với những trường hợp cây xanh có nguy cơ gãy đổ gây mất an toàn.
Sự cố cây xanh gãy cành gây chết người ở Công viên Tao Đàn sáng 9/8. (Ảnh: PLO)
Trước đó, khoảng 7h ngày 9/8, tại công viên Tao Đàn, quận 1 xảy ra sự cố gãy nhánh cây Dầu phân loại 3 (cây có kích thước lớn) rơi từ độ cao khoảng 25m, chu vi nhánh gãy khoảng 1,2m, chiều dài nhánh khoảng 10m. Qua quan sát ban đầu, nhánh gãy có khiếm khuyết bên trong, không thể hiện bên ngoài, cành tươi và lá xanh bình thường.
Sau khi sự cố xảy ra, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Công ty Công viên cây xanh đã phối hợp với Công an Quận 1 và lực lượng y tế xử lý hiện trường, đưa các nạn nhân đi cấp cứu.
Sự cố có hậu quả nghiêm trọng, làm hai người tử vong tại chỗ, ba người khác bị thương đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (một người) và Bệnh viện Nhân dân 115 (hai người).
Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Công ty Công viên cây xanh đã liên hệ với thân nhân các nạn nhân, đồng thời cùng gia đình chăm sóc nạn nhân trong bệnh viện và sẽ lo hậu sự cho hai nạn nhân không qua khỏi. Kết quả kiểm nghiệm hiện trường và nguyên nhân sự cố đang được cơ quan chức năng xem xét và sẽ có thông tin sau.
Theo tin tức trên VnExpress, vào khoảng 8h45 ngày 9/8, người dân phát hiện khói, mùi khét lẹt tỏa ra từ tầng 2 ngôi nhà 3 tầng được thuê làm kho chứa loa đài, đầu đĩa trong ngõ 14 đường Đào Duy Từ, quận Thanh Khê.
Lửa nhanh chóng bén vào đồ đạc, khói bốc cao hàng chục mét bao trùm cả khu dân cư đông đúc gần chợ Cồn. Ngôi nhà cháy không có người, nhưng các nhà xung quanh thì khá đông đúc. Mọi người phải di tản để đảm bảo an toàn.
Ông Tuấn, người sống gần ngôi nhà cháy, cho biết đã cùng một số người dùng 30 bình chữa cháy mini dập lửa ngay từ khi khởi phát, nhưng bất thành.
Người dân tập trung kín phía ngoài, trong khi xe cứu hỏa nối đuôi nhau tiếp nước cho cảnh sát dập lửa. (Ảnh: VNE)
Ít phút sau, gần 100 cán bộ, chiến sĩ và 6 xe chuyên dụng của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (Công an TP Đà Nẵng) đã tiếp cận hiện trường từ nhiều hướng để phun vòi rồng dập lửa.
Một đoạn đường Đào Duy Từ gần nơi hỏa hoạn bị phong tỏa. Dân quân tự vệ hỗ trợ di dời tài sản trong nhà ra ngoài, nhưng nhiều đồ điện tử đã bị cháy xém.
Đến 10h30, hỏa hoạn được khống chế, tuy nhiên nhiều đồ điện tử đã bị thiêu rụi. Nguyên nhân và thiệt hại sau vụ cháy đang được làm rõ.
Liên quan việc hàng ngàn con bò sữa bị bệnh và chết bất thường, chiều 9/8, UBND tỉnh Lâm Đồng có công văn hỏa tốc yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh huy động cán bộ thú y tăng cường cho các huyện có dịch, tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa.
Cùng với việc tiếp tục tạm dừng sử dụng các loại vaccine phòng bệnh trên đàn bò sữa để điều tra, xác định nguyên nhân đàn bò sữa bị tiêu chảy, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện Đơn Dương và Đức Trọng phân công lực lượng thú y đến từng hộ dân có gia súc bị bệnh để hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Đặc biệt, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác kiểm dịch giết mổ, không để xảy ra tình trạng bán chạy, vận chuyển gia súc bị bệnh hoặc giết mổ gia súc bị bệnh trong vùng có dịch bệnh; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc ra khỏi địa bàn xã, huyện, tỉnh, nhất là đối với trâu bò, bò sữa có nguy cơ bị bệnh.
Cục Thú y tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm bò sữa bị chết để xác định nguyên nhân.
UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo UBND các huyện Đơn Dương, Đức Trọng tập trung nguồn lực, cử lãnh đạo cùng các cơ quan, đơn vị chuyên môn, các tổ chức đoàn thể đến trao đổi, động viên chủ gia súc, các hộ có gia súc bị bệnh, bị chết chủ động cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan chuyên môn triển khai các biện pháp phòng, chống, điều tra nguyên nhân bò bị bệnh. Cùng với đó, thống kê chính xác, đầy đủ số lượng bò bị chết do dịch bệnh theo quy định.
Để đảm bảo nguồn nhân lực, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu UBND các huyện, thành phố trong tỉnh cử 1 đến 2 cán bộ có chuyên môn về thú y đến huyện Đơn Dương để hỗ trợ điều trị bò bị bệnh trong những ngày tới.