Theo tin tức trên VnExpress, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả xong lương hưu, trợ cấp BHXH trong 4 ngày cho 3,41 triệu người trên cả nước, tổng kinh phí gần 21.300 tỷ đồng.
Cơ quan này ngày 28/4 cho biết 2,74 triệu người nhận trực tiếp qua tài khoản cá nhân với tổng số tiền 17.763 tỷ đồng; 671.000 người nhận tiền mặt qua hệ thống bưu điện hoặc chi trả tại nhà, tổng số tiền 3.536 tỷ đồng.
Việc chi trả sớm so với lịch hàng tháng thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 20/4. Trong công điện gửi Bộ Tài chính, Thủ tướng yêu cầu Bộ chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn tất chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 5 xong trước nghỉ lễ. Mục đích để người dân vui đón 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện chính sách an sinh và kích cầu tiêu dùng.
Người về hưu ở Tây Ninh nhận tiền lương hưu tại điểm chi trả, tháng 8/2023. (Ảnh: VNE)
Trước đó dịp Tết Ất Tỵ, Thủ tướng yêu cầu chi trả gộp lương hưu, trợ cấp tháng 1-2 vào đầu tháng 1 để người thụ hưởng vui xuân, đón Tết.
Cả nước hiện có hơn 3,4 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng. Các khoản này được trả định kỳ vào đầu tháng qua tài khoản ngân hàng hoặc nhận trực tiếp tại điểm chi trả. Riêng người già yếu, cô đơn, ốm đau, bệnh tật, ngành bưu điện sẽ gửi tận nhà.
Dịp 30/4-1/5 người lao động cả nước được nghỉ liên tiếp 5 ngày, từ thứ tư đến hết chủ nhật (30/4-4/5). Ngày làm việc thứ sáu 2/5 được hoán đổi sang thứ bảy 26/4 của tuần trước.
Ngày 29/4, ông Bùi Ngọc Uyên, phó trưởng Phòng đối ngoại và truyền thông Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội - HSDC, cho biết trên Tuổi trẻ, gần 70 ngày đêm tích cực nạo vét sông Tô Lịch, đến nay HSDC đã hoàn thành nạo vét giai đoạn 1, tổng khối lượng 47.500 mét khối bùn thải.
"Giai đoạn 1 HSDC đã thi công, nạo vét từ thượng nguồn sông Tô Lịch (từ đầu đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy) đến Cầu Mới (đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân), đạt tiến độ đề ra.
Công nhân thoát nước hút bùn, nạo vét tổng thể sông Tô Lịch giai đoạn 1. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Trong 47.500 mét khối thì chủ yếu là bùn đất trầm tích qua thời gian và bùn thải; còn gạch đá, bát hương, phế rác chỉ chiếm một phần nhỏ", ông Uyên nói.
Ông Uyên cho biết sau đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5, HSDC sẽ bắt tay vào nạo vét tổng thể giai đoạn 2, dự kiến khoảng 50.000 mét khối sẽ được đưa đi xử lý, hoàn thành trước ngày 20/8.
"Giai đoạn 2 sẽ được HSDC nạo vét, hút bùn từ Cầu Mới (đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) đến huyện Thanh Trì (hạ lưu sông Tô Lịch). Để kịp tiến độ đề ra thì HSDC sẽ huy động công nhân làm việc xuyên đêm như đã triển khai trong giai đoạn 1", ông Uyên cho hay.
Theo tin tức trên Thanh niên, ngày 29/4, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã ban hành và gửi khẩn phác đồ điều trị ngộ độc thực phẩm cho tất cả cơ sở y tế trên địa bàn.
Theo Sở Y tế TP.HCM, ngộ độc thực phẩm hiện đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cả người lớn và trẻ em. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này thường xuất phát từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn, chưa được chế biến kỹ, thực phẩm có chứa các tác nhân gây hại như vi khuẩn, độc tố của vi khuẩn hoặc nhiễm các độc chất.
Bên cạnh việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác chẩn đoán và điều trị ngộ độc thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng cần được thực hiện khẩn trương, kịp thời. Việc này giúp giảm thiểu nhanh các triệu chứng và hồi phục sức khỏe cho người bệnh.
Học sinh ở TP.HCM nhập viện sau ăn bánh mì xảy ra vào tháng 3.2025 tại TP.HCM, nghi ngộ độc thực phẩm. (Ảnh: Thanh niên)
Trong khi chờ Bộ Y tế cập nhật, bổ sung hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức buổi họp Hội đồng khoa học công nghệ gồm các chuyên gia đầu ngành, thống nhất đồng thuận tài liệu chuyên môn phác đồ điều trị ngộ độc thực phẩm.
Sở Y tế đề nghị thủ trưởng các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM triển khai thực hiện và phổ biến tài liệu chuyên môn phác đồ điều trị ngộ độc thực phẩm đến toàn thể nhân viên y tế. Trong đó lưu ý hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc thực phẩm. Quy trình phối hợp và cấp cứu ngộ độc thực phẩm hàng loạt. Quy trình giám sát và tìm tác nhân gây ngộ độc thực phẩm.