Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 10/4/2018

(DS&PL) -

Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 10/4/2018. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 10/4/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 10/4/2018. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 10/4/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Kỳ lạ giếng nước bất ngờ chứa đầy dầu hỏa ở Hà Tĩnh

Giếng nước của gia đình anh Nguyễn Xuân Hải (thôn Tân Phúc, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê) là bị ảnh hưởng lớn nhất. 

Ngày 9/4, trao đổi với báo chí, anh Hải cho biết, cách đây 4 ngày khi gia đình sử dụng nguồn nước sinh hoạt bơm từ giếng lên thì ngửi thấy mùi dầu hỏa nồng nặc. Sau đó, anh Hải mở nắp giếng, dùng gàu múc nước từ giếng đổ ra chậu thì phát hiện trong nước có nhiều váng dầu hỏa. Vợ chồng anh Hải châm lửa thì nước trong chậu bốc cháy rất mạnh.

Chị Hiền (vợ anh Hải) cho biết, giếng có độ sâu 9m, được gia đình sử dụng đã 12 năm nay. Theo chị Hiền, 6 hộ dân xung quanh cũng có giếng nước sinh hoạt bị nhiễm dầu, nhưng giếng nhà chị là bị nặng nhất. Khi biết hiện tượng kỳ lạ này nhiều người dân đã kéo tới xem thậm chí xin dầu hỏa về để sử dụng.

Giếng nước chứa đầy dầu hỏa. Ảnh: Vietnamnet

Nhưng người dân khu vực nghi ngờ nguồn dầu hỏa này rò rỉ từ bể chứa dầu ở bãi tập kết tại mỏ đá thạch cao của Công ty TNHH Việt Lào (Vilaco) thuộc Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh.

“Chúng tôi nghi ngờ có thể téc dầu của công ty này bị rò rỉ, bởi nó được xây dựng khá lâu và chỉ cách nhà dân chừng vài trăm mét. Chúng tôi thực sự rất hoang mang, lo lắng”, anh Trần Văn Long (xã Hương Trạch) lo lắng.

Trao đổi với báo chí, ông Cao Viết Hòa, Chủ tịch UBND xã Hương Trạch cho biết, đã nhận dudowcj phản ảnh của người dân.

“Nguyên nhân có thể là trước đây có một hệ thống ống dẫn dầu đi qua địa bàn xã bị hoen rỉ, dầu rò rỉ ra ngoài. Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh”, ông Hòa cho biết.

Liên quan đến nghi vấn của người dân về việc téc dầu của Công ty TNHH Việt Lào bị rò rỉ, ông Võ Kim Hà, quản lý công ty cho biết, đơn vị có một téc dầu nhưng từ nhiều năm nay không sử dụng.

“Téc dầu được xây dựng từ năm 2013, được chôn dưới độ sâu 2,5m, sử dụng vài năm thì ngừng lại. Đến nay cũng không biết có bao nhiêu lượng dầu ở trong téc nữa. Sắp tới sẽ cho đào lên để kiểm tra xem có bị rò rỉ hay không”, ông Hà nói.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng làm rõ.

Bàn giao 2 cây "quái thú" cho chủ nhân

Sáng 9/4, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn- Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị đã bàn giao 2 trong 3 cây cổ thụ quá khổ, quá tải cho ông Kiều Văn Chương (32 tuổi, huyện Thạch Thất, Hà Nội).

“Sau khi xem xét hồ sơ của chủ cây cung cấp và xác minh từ kiểm lâm tỉnh Đăk Lăk, chúng tôi đã bàn giao hai cây cổ thụ cho chủ cây chăm sóc, một cây khác vẫn đang tạm giữ để chờ xác minh thêm” ông Tuấn nói.

Đại tá Phan Văn Minh, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị đã làm việc với tài xế và chủ xe chở ba cây cổ thụ là công ty Hải Sơn (Quảng Bình). "Khi ba cây cổ thụ được xác định rõ nguồn gốc, chủ cây muốn vận chuyển tiếp thì phải có giấy phép chở hàng quá khổ, quá tải hoặc các cây phải cắt tỉa theo khổ xe, chở đúng quy định", ông Minh nói.

Như tin tức đã đưa, ngày 4/4, ông Kiều Văn Chương đã mang 3 bộ hồ sơ của 3 cây cổ thụ đến làm việc với cơ quan chức năng. 


Hiện trường nơi khai thác cây của ông Thướng. Ảnh: Dân Trí

Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk đã tiến hành xác minh về nguồn gốc cây cảnh và trình tự xác nhận lâm sản tại địa phương.

Cụ thể, xe biển số 73C-02148 và rơ móoc biển số 73R-00382 chở cây đa sộp của ông Phạm Đình Thướng (ngụ xã Ea Pil, huyện M'Đrăk). Cây được UBND xã Ea Pil xác nhận nguồn gốc để vận chuyển vào ngày 23/3.

Xe biển số 73C-04605 và rơ móoc 73R-00201 chở cây đa sộp, có nguồn gốc trên đất nông nghiệp của ông Y Nô Byă (ngụ thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana).

Cây được đại diện Hạt kiểm lâm Krông Ana, UBND thị trấn Buôn Trấp, xác minh thực tế nguồn gốc để vận chuyển vào ngày 22/3.

Còn đối với hồ sơ nguồn gốc lâm sản trên xe biển số 73C-02880, gồm: Đơn vận chuyển; bản đăng ký khai thác; đơn đề nghị xác nhận cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ (đều ghi ngày 23/3/2018) của bà H'Yô Na Buôn Yă (ngụ xã Ea Hồ, huyện Krông Năng). Hồ sơ được bà H'Phi La Niê, Phó chủ tịch xã Ea Hồ ký xác nhận ngày 23/3.

Tuy nhiên, qua làm việc với cơ quan chức năng bà H'Yô Na cho biết bà không ký vào bất cứ đơn xin khai thác hoặc vận chuyển cây nào. Ngoài ra, bà H'Yô Na khẳng định trên rẫy của bà không có bất kỳ cây đa sộp.

Như vậy chỉ có 2 cây đa có nguồn gốc hợp lệ.

Rủ nhau sang nhà bà chơi, 3 cháu nhỏ đuối nước thương tâm

Ngày 9/4, ông Nguyễn Quý Do, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra một vụ tai nạn đuối nước thương tâm, nạn nhân là 3 cháu bé gồm: Vũ Xuân H. (SN 2001), Lê Thế Tuấn A. (SN 2014) và cháu Vũ Xuân Đ. (SN 2014).

Ông Do cho biết, vụ việc xảy ra vào chiều ngày 8/4 tại thôn Tây Sơn, xã Phú Sơn, cháu H. và Tuấn A. rủ nhau lên chơi với bé Vũ Xuân Đ. tại nhà bà Nguyễn Thị Luyên (SN 1957). Các bé đều là cháu nội, cháu ngoại của bà Luyên.

Lúc đầu, khi thấy các cháu chơi với nhau ở trong nhà, bà Luyên tranh thủ ra sau vườn thu hoạch sả để bán. Khi quay vào nhà không nhìn thấy các cháu, bà tá hỏa đi tìm.

Linh tính mách bảo các cháu gặp chuyện không lành, bà Luyên gọi người trong xóm đi tìm thì phát hiện thấy thi thể 3 cháu bé đang nổi trên mặt ao gần nhà.

Người thân trong gia đình các nạn nhân chia sẻ, bố mẹ cháu Tuấn A. và Vũ Xuân Đ. đều đi làm ăn xa, để con ở nhà cho bà chăm sóc.

Sau khi vụ việc xảy ra, UBND huyện Tĩnh Gia đã hỗ trợ cho gia đình mỗi nạn nhân số tiền 5 triệu đồng. Ngoài ra, xã đã đến thăm hỏi, động viên mỗi gia đình 500 nghìn đồng.

Tiểu thương phản đối vì nghe tin đập chợ Đồng Xuân: Quận Hoàn Kiếm lên tiếng

Sáng 9/4, hàng trăm tiểu thương buôn bán tại chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã kéo nhau xuống khu vực gần cổng chợ, mang theo băng rôn, khẩu hiệu để phản đối đề xuất cải tạo chợ thành trung tâm thương mại như thông tin được lan truyền mới đây.

Nhiều tiểu thương lo ngại kế việc đập bỏ chợ Đồng Xuân xây mới sẽ ảnh hưởng đến việc làm ăn, buôn bán đang ổn định. Dân Trí dẫn lời một số tiểu thương chợ Đồng Xuân cho biết, do mới đây UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức hội thảo khoa học về về việc xây dựng và tu sửa chợ Đồng Xuân thành khu trung tâm thương mại vì chợ này xuống cấp, thiếu chỗ để xe, quá tải về giao thông…

Theo nhiều tiểu thương, dự án này nếu như thực hiện sẽ làm ảnh hưởng đến việc làm ăn buôn bán của các tiểu thương trong chợ và người dân trong khu vực.

Trước sự việc trên, sáng 9/4, UBND quận Hoàn Kiếm đã có văn bản thông báo với bà con tiểu thương chợ Đồng Xuân là không có chuyện quận Hoàn Kiếm đập bỏ xây dựng chợ Đồng Xuân thành trung tâm thương mại giống như chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam…

Đồng thời, Ban quản lý chợ đề nghị các hộ kinh doanh lên hội trường làm việc với đại diện UBND quận Hoàn Kiếm để được giải thích rõ ràng hơn.

"Ngày 27/3/2018, UBND quận Hoàn Kiếm có tổ chức tọa đàm tham khảo ý kiến tư vấn của các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, thương mại dịch vụ về đánh giá chất lượng dịch vụ, nhận diện nét sinh hoạt, buôn bán truyền thống của chợ Đồng Xuân; làm cơ sở từ đó đưa ra các giải pháp về bảo tồn, nâng cao giá trị hoạt động của chợ Đồng Xuân.

UBND quận Hoàn Kiếm không có ý tưởng xây dựng chợ Đồng Xuân thành trung tâm thương mại như chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da.

Để tránh ùn tắc giao thông và đảm bảo trật tự trước khu vực cổng chợ, mời các hộ kinh doanh có ý kiến lên hội trường tầng 4 chợ Đồng Xuân, đồng chí phó Chủ tịch UBND quận sẽ trực tiếp trả lời ý kiến của các hộ kinh doanh" - UBND quận Hoàn Kiếm thông tin.

Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, trong đề án cải tạo đô thị có kế hoạch chỉnh trang lại hành lang quanh chợ Đồng Xuân để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường. “Tuy nhiên tôi khẳng định không có chuyện sẽ xây mới chợ Đồng Xuân và chuyển tiểu thương đi nơi khác như thông tin mọi người có”, ông Long khẳng định với VnExpress.

Tìm chủ "tàu ma" trôi trên biển Thừa Thiên Huế

Ngày 9/4, Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vừa có thông báo tìm chủ sở hữu của chiếc tàu vỏ sắt trôi dạt vào vùng biển của tỉnh này.

Cụ thể, chiếc tàu có chiều dài khoảng 25 mét, chiều rộng 4 mét, thân tàu màu xám tím, ca bin màu ghi. Tàu có ghi 4 chữ Trung Quốc và số 02 (tạm dịch: Cung ứng dịch vụ 02), trên tàu không có tài sản, các trang thiết bị đều đã bị tháo dỡ, chân vịt bị cắt, không có sổ sách giấy tờ liên quan đến tàu cũng tư trang cá nhân của thủy thủ.

Tàu sắt có chữ Trung Quốc trôi trên biển Thừa Thiên Huế. Ảnh: Báo Giao Thông

Con tàu được ngư dân Dương Văn Bò (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) phát hiện vào cuối tháng 2/2018 tại tọa độ (16o45’N; 107o36’E), cách cửa Thuận An khoảng 12-16 hải lý. Sau khi nhận tin báo, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Cảnh sát biển vùng 2 tiếp cận và đưa tàu vào neo đậu tại cảng Chân Mây.

Thông báo yêu cầu chủ sở hữu tài sản “tàu trôi nổi” hoặc người đại diện pháp luật đến tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên- Huế (91 Bùi Thị Xuân, TP Huế, Thừa Thiên- Huế) để xử lý tài sản.

Trường hợp chủ sở hữu tài sản “tàu trôi nổi” hoặc người đại diện pháp luật không liên hệ với cơ quan ra thông báo, tài sản “tàu trôi nổi” nói trên sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật.

Trang Đời sống & Pháp luật Online cập nhật tin tức thời sự mới nhất trong 24h qua.

Hoàng Yên (T/h)

Tin nổi bật