Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức thế giới mới nhất ngày 9/2

(DS&PL) -

Tin tức thế giới mới nhất ngày 9/2: Obama nhận quà trị giá 30.000 USD trong năm nhiệm kỳ cuối; Chính quyền Mỹ bảo vệ lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump;…

Tin tức thế giới mới nhất ngày 9/2: Obama nhận quà trị giá 30.000 USD trong năm nhiệm kỳ cuối; Chính quyền Mỹ bảo vệ lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump;…

Obama nhận quà trị giá 30.000 USD trong năm nhiệm kỳ cuối

Cựu Tổng thống Barack Obama. Ảnh: Getty.

Ông Obama đã nhận 11 quà tặng, bao gồm một bộ phả hệ gia đình từ Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Jesus Kito, theo Văn phòng Đạo đức Làm việc trong Chính phủ Mỹ. Đây là món quà đắt nhất, có giá trị 8.300 USD.

Món quà đắt thứ hai là một hộp đựng bản đồ gỗ lớn chứa bản đồ cổ bên trong từ National Geographic, trị giá 7.000 USD. Món quà đắt thứ ba là bức ảnh đóng khung của võ sĩ quyền anh Muhammad Ali trị giá 5.250 USD, do diễn viên hài Whoopi Goldberg tặng.

Tổng thống Mỹ bị cấm nhận quà tặng từ chính phủ và quan chức nước ngoài nếu không có sự đồng ý của quốc hội. Tuy nhiên, nhìn chung, tổng thống được phép nhận quà tặng cá nhân từ công chúng Mỹ, theo New York Post.

Chính quyền Mỹ bảo vệ lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump

Ngày 7/2, Bộ Tư pháp Mỹ đã đối mặt với nhiều câu hỏi hóc búa tại phiên điều trần đầu tiên xem xét khả năng khôi phục sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump, vốn bị thẩm phán liên bang thành phố Seattle James Robart ngăn chặn trước đó.

Trong phiên điều trần kéo dài 1 giờ đồng hồ, luật sư August Flentje của Bộ Tư pháp Mỹ - đại diện cho chính quyền Washington, khẳng định sắc lệnh liên quan tới vấn đề người nhập cư được ban hành xuất phát từ những lo ngại đối với an ninh quốc gia, và Thẩm phán Robart đã lạm quyền khi ra phán quyết tạm bãi bỏ sắc lệnh này. Luật sư Flentje khẳng định Tổng thống Trump đã hành động đúng thẩm quyền và "vì lợi ích của nước Mỹ" khi ban bố sắc lệnh hành chính ngày 27/1 vừa qua.

Ban hội thẩm gồm 3 thẩm phán tại Tòa án phúc thẩm liên bang thành phố San Francisco, bang California đã yêu cầu luật sư Flentje cung cấp bằng chứng về mối liên hệ giữa 7 nước nằm trong danh sách bị cấm nhập cảnh vào Mỹ với các phần tử khủng bố, đồng thời chất vấn về việc liệu lệnh cấm của Tổng thống Trump có phải là hành vi phân biệt tôn giáo hay không. Các thẩm phán đã bày tỏ hoài nghi về những lập luận của đại diện chính quyền Washington, trong đó Thẩm phán Richard Clifton cho rằng lý lẽ của luật sư Flentje là "khá mơ hồ".

Bất chấp án tù treo, Lãnh đạo đối lập Nga vẫn sẽ tranh cử Tổng thống

Ông Alexei Navalny (giữa) bị áp giải tại Moskva ngày 31/1. Ảnh tư liệu: EPA/TTXVN

Một tòa án của Nga ngày 8/2 đã kết án 5 năm tù treo đối với lãnh đạo đối lập ở Nga, ông Alexei Navalny, sau khi khép ông này vào tội danh biển thủ công quỹ của nhà nước.

Bản án này có thể chấm dứt nỗ lực của ông Navalny trong cuộc đua Tổng thống Nga vào năm 2018. Ngoài ra, tòa cũng phạt ông Navalny 500.000 rubles (tương đương 8.500 USD).

Về phần mình, ông Navalny cho rằng phán quyết của tòa là tín hiệu phát đi từ Điện Kremlin rằng Nga coi ông là quá nguy hiểm. Ông tuyên bố sẽ kháng cáo và sẽ tham gia cuộc đua tranh chức tổng thống bất chấp phán quyết trên của tòa.

Muốn xin visa vào Mỹ, có thể phải khai mật khẩu mạng xã hội

Trong tương lai, các đại sứ quán Mỹ trên thế giới có thể yêu cầu người xin thị thực vào Mỹ cung cấp mật khẩu tài khoản mạng xã hội để phục vụ việc kiểm tra lý lịch, Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ John Kelly cho biết.

Đây là đề xuất mới mà giới chức Mỹ đưa ra nhằm ngăn chặn các phần tử cực đoan trà trộn vào nước này, theo TTXVN.

Phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện Mỹ ngày 8/2, Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly cho hay biện pháp trên là một phần trong nỗ lực kiểm tra lý lịch đối với những đối tượng có thể gây đe dọa đối với an ninh quốc gia nước này và là yêu cầu đặc biệt đối với những công dân thuộc 7 quốc gia có phần đông người Hồi giáo như Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen - các nước được liệt kê trong sắc lệnh cấm nhập cảnh mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Donald Trump phiên bản nữ” muốn Pháp rời EU

Ứng viên tổng thống - lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia Pháp Marine Le Pen tuyên bố, Pháp có thể tổ chức trưng cầu ý dân về việc rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Frexit, nếu bà đắc cử tổng thống.

Bà Marine Le Pen đang là một trong những ứng viên sáng giá nhất trong cuộc tranh cử tổng thống Pháp năm nay - Ảnh: Reuters.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với đài truyền hình LCI mới đây, ứng cử viên Tổng thống của đảng Mặt trận Quốc gia Pháp, bà Le Pen, cho biết nếu đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 4 tới đây, bà sẽ cho tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về việc đưa nước Pháp rời khỏi EU.

Bà Le Pen cũng nhấn mạnh, nếu người dân Pháp không ủng hộ ý tưởng Frexit thì bà sẽ rời bỏ chức vụ tổng thống.

“Sẽ có một cuộc trưng cầu ý dân về việc (nước Pháp) rời khỏi EU. Nếu người dân bỏ phiếu chống thì tại sao tôi nên tiếp tục giữ chức tổng thống?”, bà Le Pen cho biết.

(Tổng hợp)

Tin nổi bật