Nga tiết lộ năng lực sản xuất vũ khí trong năm 2023
Theo báo Dân trí, hãng thống tấn Tass mới đây dẫn tài liệu cuối năm của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Lực lượng Vũ trang Nga trong năm 2023 đã nhận được một lượng lớn vũ khí quân sự, bao gồm hơn 1.500 xe tăng và 22.000 máy bay không người lái.
Nga cũng được bàn giao các lô hàng gồm hơn 2.200 xe chiến đấu bọc thép, hơn 1.400 tổ hợp rocket và pháo binh. Ngoài ra, Lực lượng Vũ trang còn tiếp nhận hơn 12.000 phương tiện ô tô, trong đó hơn 10%, tương đương 1.400 chiếc được bọc thép. Một số quan chức cấp cao của Nga trước đây cũng cho hay Moscow đã tăng cường sản xuất vũ khí.
Nga nỗ lực tăng cường sản xuất vũ khí bất chấp các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Ảnh: Tass
Vào tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề cập đến tình trạng sản xuất quốc phòng của Nga trong cuộc họp của Ủy ban Công nghiệp - Quân sự ở Izhevsk. Ông tuyên bố Nga đã tăng đáng kể sản xuất xe tăng chiến đấu và xe bọc thép, ghi nhận sản lượng tăng gấp đôi từ tháng 1 đến tháng 8/2023 so với cùng kỳ năm 2022.
Chủ nhân Điện Kremlin nhấn mạnh rằng việc sản xuất một số hệ thống vũ khí có nhu cầu cao đã tăng gấp 3 lần trong khoảng thời gian nói trên. Theo đánh giá của các chuyên gia ở phương Tây, hoạt động sản xuất vũ khí của Nga đã tăng đáng kể, vượt mức trước năm 2022 bất chấp họ phải chịu hàng nghìn lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt.
Trong khi đó, nguồn tin từ giới chức NATO cho hay, Nga đang trên đà sản xuất hơn 2 triệu quả đạn pháo mỗi năm, tăng gấp đôi tốc độ sản xuất trung bình trước khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Vào tháng 10, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tiết lộ rằng Nga tăng cường sản xuất tất cả các loại vũ khí. "Việc sản xuất vũ khí và các loại thiết bị đặc chủng đang ngày càng đa dạng từ xe tăng và súng cho đến tên lửa và máy bay không người lái có độ chính xác cao", ông tuyên bố đồng thời bác bỏ những phân tích cho rằng Nga sẽ sớm cạn kiệt năng lực quân sự.
Triều Tiên sẽ phóng thêm ba vệ tinh trinh sát
"Dựa trên kinh nghiệm phóng và vận hành thành công vệ tinh trinh sát đầu tiên năm 2023, nhiệm vụ phóng thêm ba vệ tinh trinh sát trong năm 2024 đã được đặt ra nhằm thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ không gian", hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên KCNA đưa tin hôm nay.
Kế hoạch được nêu trong bài phát biểu của lãnh đạo Kim Jong-un tại cuộc họp thiết lập mục tiêu chính sách năm mới do ông chủ trì. Theo ông Kim Jong-un, Triều Tiên không có lựa chọn nào khác ngoài thúc đẩy chương trình hạt nhân và củng cố quan hệ với các quốc gia bài Mỹ, trong bối cảnh Bình Nhưỡng phải đối mặt những động thái đối đầu chưa từng có từ Washington.
Vệ tinh trinh sát của Triều Tiên được phóng đi hôm 21/11. Ảnh: Reuters
Ông Kim Jong-un cũng cho biết Triều Tiên đã loại trừ khả năng thống nhất với Hàn Quốc, thêm rằng Bình Nhưỡng phải thay đổi về căn bản nguyên tắc và hướng tiếp cận Seoul. "Tôi tin đó là sai lầm và không nên tiếp tục tìm kiếm hòa giải và thống nhất với bên đã tuyên bố chúng ta là 'kẻ thù chính'", ông nói.
Trước đó, Triều Tiên thông báo phóng thành công vệ tinh trinh sát quân sự Malligyong-1 vào đêm 21/11 (theo giờ địa phương), sau hai lần thất bại trước đó. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc "lên án mạnh mẽ vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên gây bất ổn cho khu vực"
Sau vụ phóng, truyền thông Triều Tiên đưa tin lãnh đạo Kim Jong-un đã xem ảnh do vệ tinh chuyển về, trong đó có ảnh chụp căn cứ quân sự Mỹ ở Guam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc.
Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cho rằng Triều Tiên đã sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo trong vụ phóng, vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Ba nước hồi giữa tháng 12 triển khai hệ thống chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa thời gian thực, nhằm tăng cường phối hợp giữa ba bên đối phó các mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Phương Uyên (T/h)