EU nêu giải pháp chính trị cho xung đột Gaza
VnExpress dẫn nguồn từ hãng tin AFP đưa tin, ông Josep Borrell - quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), hôm 20/11 tổ chức cuộc họp trực tuyến với ngoại trưởng 27 quốc gia thành viên trong khối, sau chuyến thăm Trung Đông để thảo luận về xung đột đang diễn ra giữa Israel và Hamas.
Ông Borrell cho biết đã rút ra "kết luận chính trị căn bản" từ các cuộc trao đổi trên khắp Trung Đông. "Tôi nghĩ biện pháp đảm bảo tốt nhất cho an ninh của Israel là thành lập nhà nước Palestine", ông nói theo biên bản cuộc họp.
Ông Josep Borrell - quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: Reuters
Trong hiệp định Oslo được ký năm 1993, Israel và Palestine nhất trí với giải pháp "hai nhà nước", trong đó hai bên công nhận quyền tồn tại của nhau. Tuy nhiên, quá trình đàm phán thực hiện hiệp định đình trệ kể từ khi Hamas lên nắm quyền ở Dải Gaza năm 2007. Xung đột lên đến đỉnh điểm với cuộc đột kích của Hamas vào lãnh thổ Israel hôm 7/10 và chiến dịch đáp trả vào Dải Gaza sau đó của Tel Aviv.
Ông Borrell khẳng định Israel không nên chiếm đóng Dải Gaza sau khi xung đột hiện tại kết thúc và quyền kiểm soát vùng đất này nên được bàn giao cho Chính quyền Palestine. "Chúng ta phải suy ngẫm thêm về sự ổn định của Gaza và nhà nước Palestine trong tương lai, bất chấp những thách thức lớn", ông cho hay.
Quan chức cấp cao EU cũng cho rằng những gì chứng kiến trong chuyến thăm loạt quốc gia Arab mang đến "cảm giác cấp bách" về tình hình nhân đạo tuyệt vọng ở Gaza. "Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó kêu gọi tạm dừng bắn nhân đạo ngay lập tức, là bước tiến lớn, nhưng chúng ta phải đảm bảo thực hiện nhanh chóng nghị quyết này", ông Borrell nhấn mạnh.
Một mối lo ngại lớn khác là khả năng chiến sự làm bùng phát thêm bất ổn ở Bờ Tây và đẩy các nhóm khác ở Trung Đông tham gia xung đột. Nhóm phiến quân Houthi ở Yemen ngày 20/11 công bố video cho thấy các tay súng của họ đổ bộ bằng trực thăng lên tàu hàng Galaxy Leader trên Biển Đỏ. Các thành viên Houthi khống chế thủy thủ đoàn, ép đưa tàu về cảng ở Yemen và cảnh báo "tất cả tàu thuộc sở hữu hoặc làm ăn với Israel" sẽ trở thành mục tiêu của họ.
Triều Tiên thông báo kế hoạch phóng vệ tinh
Báo Dân trí dẫn nguồn tin từ hãng thông tấn Yonhap cho biết, Triều Tiên đã thông báo cho Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản về kế hoạch phóng vệ tinh trong khoảng thời gian từ ngày 22/11 đến ngày 1/12, Kyodo đưa tin.
Theo kế hoạch, Triều Tiên lên kế hoạch chỉ định 3 khu vực nguy hiểm trên biển gồm biển Hoa Đông, Hoàng Hải và vùng biển phía đông đảo Luzon của Philippines.
Triều Tiên từng phóng tên lửa mạng theo vệ tinh vào ngày 31/5 Ảnh: Reuters
Ngày 19/11, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik cho biết Triều Tiên có thể phóng vệ tinh do thám trong vòng một tuần tới hoặc cuối tháng 11 để "vượt mặt" Hàn Quốc, nước chuẩn bị đưa vệ tinh quân sự đầu tiên lên quỹ đạo vào ngày 30/11.
Bộ Tổng tham mưu liên quân các lực lượng vũ trang Hàn Quốc yêu cầu Bình Nhưỡng dừng việc chuẩn bị cho vụ phóng ngay lập tức. Những nỗ lực phóng vệ tinh do thám đầu tiên của Triều Tiên vào tháng 5 và tháng 8 đã thất bại. Bình Nhưỡng công bố kế hoạch thực hiện nỗ lực phóng thứ ba vào tháng 10 nhưng kế hoạch này đã không xảy ra.
Trước đó, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) đưa tin, các cuộc thử nghiệm đầu tiên của động cơ nhiên liệu rắn cho tên lửa đạn đạo ở giai đoạn một và giai đoạn hai lần lượt diễn ra vào ngày 11 và 14/11.
"Triều Tiên đã phát triển động cơ nhiên liệu rắn loại mới cho tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM). Động thái này có ý nghĩa chiến lược quan trọng sự phát triển của hệ thống tên lửa đạn đạo kiểu mới", KCNA thông tin.
Theo KCNA, các cuộc thử nghiệm nhằm đánh giá các thông số kỹ thuật của động cơ nhiên liệu rắn cho tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM), đồng thời cho biết những cuộc thử nghiệm diễn ra "thành công", đảm bảo "độ tin cậy cũng như độ ổn định" của động cơ.
Phương Uyên (T/h)