Hàn Quốc huấn luyện chiến đấu công nghệ cao
Lính thủy đánh bộ Mỹ và Hàn Quốc tham gia tập trận chung tại Pohang. Ảnh minh họa
Yonhap đưa tin, giới chức Hàn Quốc ngày 28/3 thông báo Lục quân nước này đang tiến hành hoạt động huấn luyện dã chiến cấp lữ đoàn đầu tiên trong năm nay liên quan tới một hệ thống mô phỏng chiến đấu công nghệ cao.
Cuộc huấn luyện kéo dài 10 ngày, với sự tham gia khoảng 4.500 binh sỹ, bắt đầu tại Trung tâm Huấn luyện Chiến đấu Hàn Quốc của Lục quân ở Inje, cách thủ đô Seoul 165km về phía Đông, trong bối cảnh Hàn Quốc đang tìm cách tăng cường tập trận quân sự trước những động thái đe dọa liên tục từ Triều Tiên.
Trung tâm huấn luyện khai thác "hệ thống can dự nhiều laser tích hợp" cho phép các binh sỹ tham gia các kịch bản chiến đấu giả định chống lại những thế lực thù địch mà không cần sử dụng đạn thật.
Iraq xây tường biên giới ngăn IS
Một binh sĩ Iraq tuần tra biên giới với Syria. Ảnh: AP
Hôm 27/3, AFP dẫn nguồn sĩ quan quân đội cao cấp Iraq cho biết, giai đoạn đầu tiên của dự án, nước này sẽ xây dựng bức tường dài hơn 11 km và cao 3,5 m tại tỉnh Nineveh, vùng Sinjar, phía bắc Iraq.
Tuy nhiên, người này không tiết lộ tổng chiều dài bức tường là bao nhiêu. Mục đích xây dựng bức tường này của Iraq là nhằm "ngăn chặn các thành viên tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng xâm nhập".
Đề cập đến việc Iraq xây dựng tường biên giới, Nhóm Theo dõi nhân quyền Syria (trụ sở tại Anh) cũng cho biết bức tường này nằm ở khu vực đối diện thị trấn al-Shaddadi, phía nam tỉnh al-Hasakah của Syria.
Iraq có đường biên giới dài hơn 600 km với Syria. Năm 2018, nước này cũng thông báo bắt đầu xây dựng hàng rào dọc theo biên giới Syria vì lý do tương tự.
Đức cân nhắc mua lá chắn tên lửa của Mỹ hoặc Israel
Hệ thống Vòm sắt của Israel (bên trái) đánh chặn rocket phóng vào lãnh thổ nước này từ Dải Gaza Strip ngày 14/5/2021. Ảnh: Getty
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang cân nhắc mua hệ thống phòng thủ tên lửa như một phần kế hoạch hiện đại hóa quân sự trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Người phát ngôn phụ trách vấn đề quốc phòng của đảng Dân chủ Tự do - ông Marcus Faber cho biết, các lựa chọn được cân nhắc bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) do Mỹ sản xuất hoặc hệ thống Arrow 3 do Israel sản xuất. Hiện Đức chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Cũng theo ông Faber, hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel, còn được gọi là Vòm sắt, có thể có chi phí chưa đến 2 tỷ euro và việc sản xuất có thể bắt đầu ngay từ bây giờ.
Mộc Miên (T/h)