Tin tức đời sống mới nhất ngày 6/1/2021. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 6/1/2021 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Bé gái 7 tuổi được đưa vào bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cấp cứu với chiếc lưỡi bị kẹt trong bình đựng nước uống, không thể gỡ ra.
Phần lưỡi bị kẹt phù nề, hơi tím, có tình trạng thiếu máu nuôi. Bé được các bác sĩ ổn định tâm lý cho đỡ hoảng sợ, sau đó gây tê, dùng dụng cụ cắt phần nắp bình nước để lấy ra khỏi lưỡi bé.
Sau khi bé được giải thoát khỏi bình nước, bác sĩ kiểm tra thấy lưỡi trầy xướt nhẹ, không chảy máu, còn phù nề. Bé được xuất viện về nhà tiếp tục theo dõi.
Bác sĩ Dương Minh Toàn, khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện Nhi đồng 1 nhận định trên VNE, đây là tai nạn khá hy hữu. Nếu không xử trí kịp thời, phần lưỡi bị chèn ép, phù nề thiếu máu nuôi có thể hoại tử, tình huống xấu nhất là phải phẫu thuật cắt phần lưỡi hoại tử.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh chú ý các vật dụng nhỏ trong nhà, vật dụng có lỗ... vì trẻ có thể đút các bộ phận cơ thể vào, nhất là tay chân, dễ gây mắc kẹt. Nếu trẻ bị kẹt vào vật gì đó, không nên cố gắng lấy ra vì dễ gây phù nề, làm siết chặt bộ phận bị kẹt hơn. Khi ấy, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý thích hợp.
Đại phẫu khối u máu trong gan cho bé 14 ngày tuổi
Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhi. (Ảnh: BV) |
Chào đời mới được 14 ngày tuổi với cân nặng chỉ 3kg, bé L. (Như Quỳnh, Hưng Yên) đã phải trải qua một ca đại phẫu vô cùng khó khăn do có một có một khối u máu lớn trong gan.
Gia đình bệnh nhân cho biết cháu L. được phát hiện có u máu trong gan ngay từ khi khi mới là bào thai 29 tuần tuổi. Bệnh nhi là con thứ 2 trong gia đình tiền sử không có bệnh lý bất thường.
Khi được 1 ngày tuổi, bé L. được gia đình chuyển từ bệnh viện Phụ Sản Trung ương sang bệnh viện Nhi Trung ương do bụng chướng và có tiền sử u máu trong gan đã được chẩn đoán trước sinh.
Bé được đưa vào trung tâm Sơ sinh trong tình trạng tự thở, toàn trạng tạm ổn, ăn được, bụng chướng căng, siêu âm có khối dạng nang ở gan trái kích thước 7x9cm.
Trong quá trình thăm khám và chụp chuyên sâu cho bệnh nhi, các bác sỹ chẩn đoán bé có khối u máu thể lan tỏa toàn bộ nhu mô gan trái, kích thước 113x62x100 mm, bờ đều, giãn các tĩnh mạch gan và tĩnh mạch chủ dưới.
Các bác sỹ đi đến quyết định bệnh nhi cần được phẫu thuật cắt gan cấp cứu, xác định rõ các nguy cơ trong và sau phẫu thuật. Gia đình bệnh nhi được các bác sĩ giải thích kỹ các nguy cơ trước trong và sau phẫu thuật.
Sau 3 tiếng, với sự nỗ lực của ekip phẫu thuật, ca phẫu thuật đã thành công, trẻ được chuyển đến khoa Điều trị Tích cực Ngoại khoa. Tại đây, các chỉ số của bệnh nhi luôn được theo dõi chặt chẽ, để phòng các nguy cơ biến chứng sau mổ, đồng thời đánh giá được chức năng của lá gan còn lại.
Sau mổ hơn một tuần, hiện sức khỏe của bệnh nhi tiến triển tốt, được chuyển lên phòng bệnh thông thường. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết, trong thời gian tới, trẻ sẽ vẫn tiếp tục được theo dõi định kỹ hàng tháng, bởi u máu của gan có thể tái phát lại, xuất hiện ở các khu vực khác.
Hai anh em bị thương nặng do nghịch pháo
Các bác sĩ bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An đang điều trị cho 2 bệnh nhân bị trọng thương do pháo nổ.
Khoảng 14h ngày 3/1, bé C.T.T. (14 tuổi) và C.T.H. (15 tuổi) cùng trú tại xã Nghi Kim, TP Vinh, Nghệ An, đến nhà bà nội chơi. Tại đây, hai anh em làm pháo phát nổ và bị trọng thương. Bé T. bị thương nặng ở mặt, môi, má. Mắt cũng bị ảnh hưởng sau vụ nổ. Còn H. bị nát hoàn toàn bàn tay trái không thể phục hồi.
Các nạn nhân được đưa đến bệnh viện Đa khoa 115 sau đó chuyển sang Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An tiếp tục điều trị.
Ông Nguyễn Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã Nghi Kim, cho biết trên Tri thức trực tuyến, công an và lãnh đạo xã đã về kiểm tra nhà riêng của các nạn nhân. Hiện cơ quan chức năng không phát hiện thêm pháo trong nhà.
Việt Hương (T/h)