Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 9/10/2019: Bé trai 8 tuổi co giật giữa lớp học vì mắc hội chứng nguy hiểm này

(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 9/10/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 9/10/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tin tức đời sống mới nhất ngày 9/10/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 9/10/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Bé trai 8 tuổi co giật giữa lớp học vì mắc hội chứng nguy hiểm này

Bệnh nhi hiện ổn định sau điều trị tích cực. 

Anh Vương Văn Sơn, bố của bé Vương Quang Hiếu (8 tuổi trú tại An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh) cho biết trước lúc đi học trẻ có kêu đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Do chủ quan nghĩ con lười muốn trốn học mà bố mẹ vẫn cho trẻ đi học bình thường.

Tại lớp, trẻ xuất hiện co giật, hôn mê, gọi hỏi không biết kèm theo nôn. Trẻ được đưa tới cấp cứu tại Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều: Trẻ được đặt nội khí quản, hỗ trợ hô hấp và chuyển đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.

Theo BSCKI. Nguyễn Thị Ngọc Điệp - Trưởng Khoa Nhi cho biết trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch: Trẻ hôn mê, co giật toàn thân. Trẻ được khẩn trương tiến hành thăm khám và được chẩn đoán mắc hội chứng não cấp.

Trẻ được điều trị tích cực: Sử dụng an thần giãn cơ, hỗ trợ thở máy và điều trị theo phác đồ hội chứng não cấp và kiểm soát, điều trị rối loạn kèm theo…

Hiện, trẻ ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không còn tình trạng đau đầu, buồn nôn, trẻ đã ăn uống được.

Cũng theo bác sĩ cho biết bệnh viêm não cấp (hội chứng não cấp) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính hệ thần kinh trung ương. Bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ với các độ tuổi khác nhau. Bệnh thường khởi phát cấp tính, diễn biến nặng và có thể dẫn đến tử vong nhanh hoặc để lại di chứng nặng nề nếu không được xử trí kịp thời.

Qua trường hợp của bé Hiếu, các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh khi trẻ có dấu hiệu sốt, rối loạn tiêu hóa, nôn, các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương (co giật, li bì, tri giác lơ mơ, hôn mê, kém vận động…) cần đến ngay cơ sở y tế để được khám phát hiện bệnh và điều trị kịp thời mới có cơ hội cứu sống trẻ.

Để phòng bệnh, cha mẹ cần đưa con đi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ. Phòng tránh nhóm virus đường ruột thì cần chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chế biến sạch, ăn chín và rửa tay trước khi ăn.

Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Khi ngủ phải mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi, không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.

22 học sinh tiểu học nhập viện nghi do bị ngộ độc thực phẩm

Ngôi trường nơi xảy ra sự việc. 

Ngày 8/10, Phòng Giáo dục – Đào tạo quận 11, TP.HCM, đã có báo nhanh về tình hình học sinh Trường Tiểu học Trưng Trắc (quận 11) nhập viện sau khi tan học chiều 7/10.

Theo báo cáo, có 22 học sinh phải nhập viện với các triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm.

Trước đó, bắt đầu khoảng từ 17h ngày 7/10, một số học sinh Trường Tiểu học Trưng Trắc có biểu hiện rối loạn tiêu hóa như nôn ói, tiêu chảy… được phụ huynh đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Đa khoa quận 11 và một số cơ sở y tế khác để được theo dõi, thăm khám; tổng cộng có 22 học sinh phải nhập viện.

Theo bác sĩ Phạm Quốc Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quận 11, tối 7/10, bệnh viện tiếp nhận 5 trường hợp là trẻ em nhập viện với biểu hiện đau bụng, nôn ói và được chẩn đoán rối loạn tiêu hóa.

Tất cả các bệnh nhi này đều là học sinh Trường Tiểu học Trưng Trắc đóng trên địa bàn. Các bác sĩ đã tiến hành xử trí kịp thời và có 3 học sinh xuất viện ngay trong đêm 7/10. Hiện vẫn còn 2 em là T.C.Q và N.L.N.D tiếp tục được theo dõi, điều trị và dự kiến sẽ xuất viện sớm.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Phòng Công tác xã hội cho biết, chiều tối 7/10 đơn vị này tiếp nhận 9 bệnh nhi nhập viện, trong đó có 5 em tình trạng ổn định và cho về ngay trong đêm.

Một bệnh nhi được chẩn đoán sốc giảm thể tích được điều trị tại Khoa Cấp cứu, sau đó được chuyển vào Khoa Tiêu hóa tiếp tục điều trị. Ngoài ra, 3 bệnh nhi khác cũng đang được theo dõi tại Khoa Tiêu hóa, tình trạng hiện tại ổn định và dự kiến cũng sẽ xuất viện sớm.

Ngay sau khi nắm được thông tin, lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo Quận 11 yêu cầu Trường Tiểu học Trưng Trắc báo cáo tình hình vụ việc. Theo báo cáo của Trường Tiểu học Trưng Trắc, khoảng 2 giờ chiều 7/10 học sinh đã có bữa ăn phụ gồm bánh mì và xúc xích, sau đó xảy ra sự cố nói trên.

Được biết Trường Tiểu học Trưng Trắc là một trong những đơn vị tự tổ chức bếp ăn bán trú đạt chuẩn của Thành phố. Tuy nhiên, trường chỉ tổ chức nấu suất ăn bữa trưa, còn bữa ăn phụ lại do một đơn vị bên ngoài cung cấp.

Hiện Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố đang phối hợp với lực lượng y tế địa phương tổ chức lấy mẫu thức ăn đi xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc.

Sản phụ hạ sinh bé trai nặng 5,1 kg

Sức khỏe sản phụ và bé sơ sinh nặng 5,1 kg hiện ổn định.

Ngày 8/10, bác sĩ Nguyễn Bửu Thuyên, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), cho biết các bác sĩ của bệnh viện vừa phẫu thuật lấy thai nặng 5,1 kg cho sản phụ Nguyễn Thị Thùy Dung, 30 tuổi, trú xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam.

Trước đó, chiều 7/10, chị Dung có dấu hiệu chuyển dạ và được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức. Tại bệnh viện, chị Dung ngỏ ý muốn sinh thường. Tuy nhiên, sau khi thăm khám, các bác sĩ phát hiện thai quá to nên chỉ định mổ lấy thai.

Khoảng 5h sáng 8/10, các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cho sản phụ Dung và đưa ra ngoài bé trai nặng 5,1 kg. Theo bác sĩ Thuyên, đây là một trong những trường hợp trẻ sơ sinh có cân nặng lớn nhất từ trước đến nay tại bệnh viện.

Sản phụ Dung hiện là điều dưỡng của một bệnh viện tại Quảng Nam. Cách đây 4 năm, chị Dung cũng đã sinh mổ bé gái nặng 4,5 kg.

Hiện, sức khỏe của hai mẹ con chị Dung hoàn toàn ổn định.

Vì sao không nên che cục nóng điều hòa quá cẩn thận?

Không nên che cục nóng điều hòa quá cẩn thận. 

Một chiếc điều hòa hoạt động ổn định hay không phụ thuộc rất nhiều vào cục nóng điều hòa, vì vậy lắp cục nóng điều hòa ở vị trí ra sao vô cùng quan trọng.

Thực tế, nếu lắp đặt cục nóng điều hòa sai cách có thể dẫn đến tình trạng rỉ sét, chạy sai chức năng, làm chảy nước, dò gas, giảm tuổi thọ của sản phẩm…, gây tổn thất cho người sử dụng về tiền bạc và thời gian. Khi lắp đặt cục nóng điều hòa cần lưu ý chọn vị trí, thiết kế đường ống, chọn ống, giá treo, bảo ôn…

Do ngày nay nhiều hãng công nghệ sản xuất cục nóng máy lạnh có khả năng chống chọi với mọi thời tiết khắc nghiệt dù không được che chắn gì nhưng nhiều người lại không biết nên thường xuyên che chắn cho cục nóng điều hòa quá cẩn thận dẫn tới những hư hỏng không ngờ.

Về cơ bản, cục nóng điều hòa bắt buộc phải lắp đặt bên ngoài, vì đây là bộ phận có chức năng giải phóng nhiệt được hấp thụ trong phòng ra môi trường nhưng theo chia sẻ của anh Lê Nam, chuyên viên kỹ thuật về máy lạnh và điều hòa của một trung tâm điện máy lớn, cục nóng của điều hòa được chế tạo để chịu được mưa và thậm chí là lượng mưa lớn, nên sẽ không dễ bị hư hỏng trong những thời tiết như hiện nay. Tuy nhiên, người dùng không nên để vị trí quá thấp - gần mặt đất, để tránh hiện tượng ngập nước khiến điều hòa không thể hoạt động được.

Việc che chắn cục nóng điều hòa quá kín cũng có thể khiến khả năng làm lạnh của cục lạnh bên trong giảm đi rõ rệt và thiết bị sẽ tiêu thụ điện năng nhiều hơn. "Hãy tạo một không gian thoáng xung quanh cục nóng và không cần bảo vệ bộ phận này quá cẩn thận. Điều này sẽ cho phép việc lưu thông không khí được nhanh hơn, ngăn hơi ẩm bị giữ lại và tránh làm hư hỏng các bộ phận nhạy cảm bên trong", anh Nam nói.

Ngoài ra, anh cũng cho biết mọi người hoàn toàn có thể sử dụng bình thường điều hòa khi trời đang mưa. "Việc này sẽ hạn chế không khí ẩm ở trong nhà, giúp người dùng cảm thấy thoải mái hơn. Bên cạnh đó, nó cũng đảm bảo đồ đạc và thiết bị điện tử khác không bị hư hại do ẩm mốc".

Quỳnh Chi (T/h)

Tin nổi bật