Người phụ nữ bị biến chứng sau tiêm collagen tươi làm thẳng chân
Báo Phụ Nữ Việt Nam dẫn thông tin từ Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân L.T.M. (47 tuổi, ở Hà Nội) bị biến chứng nặng do tiêm collagen (hoặc filler) làm thẳng chân tại spa với chi phí 60 triệu đồng.
Theo lời kể của người bệnh, cách đây gần 1 tháng, chị thực hiện liệu pháp tiêm collagen tươi với mục đích trẻ hóa đôi chân và giúp thẳng chân hơn tại một spa ở Hà Nội. Tại cơ sở spa này, chị được nhân viên tư vấn sẽ tiêm collagen có nguồn gốc Thụy Sĩ để tạo mô vùng chân, giúp chân "nuột nà" hơn.
Bệnh nhân đến viện tái khám ngày 6/5. Ảnh: VietNamNet
Sau khi nộp 60 triệu, bệnh nhân được làm hợp đồng và thực hiện liệu trình tiêm collagen tươi có thành phần HA (Hyaluronic Acid). Khoảng 1 tiếng sau khi ủ bắp chân, nhân viên thực hiện tiêm 3ml collagen tươi vào hai bắp chân (1 bắp chân tiêm 1 ml; 1 bắp chân tiêm 2 ml).
Ngay sau khi tiêm, bệnh nhân có cảm giác khó chịu vùng bắp chân. Đến tối cùng ngày, bắp chân sưng to, đỏ tấy, căng tức, đi lại khó khăn nhưng bệnh nhân vẫn cố. Hơn 10 ngày sau, thấy tình trạng không ổn, bệnh nhân đến Bệnh viện Da liễu Trung ương kiểm tra.
Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy tình trạng viêm mô dưới da rất rõ ràng. Siêu âm bên chân tiêm 2ml thấy xuất hiện ổ áp xe ở bắp chân. Người bệnh được dùng ngay kháng sinh chống viêm, giảm đau…. Sau 5 ngày, tổn thương đã ổn định hơn và tiếp tục cần được theo dõi.
Các bác sĩ hiện chưa xác định được spa đã tiêm chất làm đầy hay collagen cho bệnh nhân. Sáng ngày 6/5, bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm và tiêm thuốc giải chất làm đầy. Theo TS.BS Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu ứng dụng công nghệ Tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương, đây là lần đầu tiên bác sĩ tiếp nhận điều trị cho trường hợp nghi tiêm filler làm thẳng chân.
Bác sĩ Hà cho hay không thể làm thẳng chân bằng các thủ thuật tiêm vì liên quan đến xương, không thể khắc phục bằng tiêm chất làm đầy. Với trường hợp của bệnh nhân 47 tuổi, do phát hiện và điều trị kịp thời nên hiện chưa để lại hệ lụy.
Sản phụ bị nhau tiền đạo, nhau cài răng lược nguy hiểm
Các bác sĩ Sản khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM vừa tiếp nhận, chẩn đoán và mổ cấp cứu “bắt con” cho sản phụ bị nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, báo Pháp Luật Việt Nam thông tin.
Cụ thể, sản phụ N.Đ (40 tuổi, trú tại quận Tân Bình, TP.HCM) mang thai lần 3 ở tuần thứ 30 bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Nhập viện trong tình trạng ra huyết nhiều, sản phụ được điều trị tích cực hơn 2 tuần nhưng tình trạng ra huyết không thuyên giảm mà ngày càng nghiêm trọng. Sản phụ được chỉ định sinh mổ cấp cứu.
Nhờ có sự chuẩn bị từ sớm, ca mổ diễn ra suôn sẻ, mổ lấy thai thành công sau hơn 1 tiếng. Em bé được tiêm mũi hỗ trợ phổi nên hô hấp ổn định dù sinh non tháng, đặc biệt, tử cung của sản phụ vẫn được bảo tồn.
Các bác sĩ tiến hành mổ cấp cứu “bắt con” cho sản phụ. Ảnh: Pháp Luật Việt Nam
“Sản phụ có tiền sử hai lần mổ lấy thai. Siêu âm tuần thai 13-14 nghi ngờ nhau tiền đạo, bánh nhau đi từ mặt sau vòng qua mặt trước cổ tử cung, lên tới gần vết mổ lấy thai cũ, che lấp hoàn toàn cổ tử cung. Siêu âm tuần thai 25 có gợi ý nghi ngờ nhau cài răng lược. Từ tuần thai 28 trở đi sản phụ bị xuất huyết nhiều lần, phải nhập viện theo dõi sát sao.
Khi thai được 32 tuần 5 ngày, bác sĩ nhận thấy sức khỏe sản phụ kém đi, hội chẩn quyết định mổ cấp cứu lấy thai ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho cả hai mẹ con”, bác sĩ CKII Bá Mỹ Nhi - Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho hay.
Bác sĩ Châu Thanh Danh ở khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ thêm: “Để ca mổ diễn ra thuận lợi, các bác sĩ phải chuẩn bị đường truyền dự trù máu cũng như đảm bảo các loại thuốc kịp thời để hồi sức cho sản phụ. Đồng thời, công tác gây mê cũng cần đảm bảo an toàn cho hai mẹ con vì hầu hết thai nhi ở các ca nhau tiền đạo còn non tháng”.
Cứu cụ ông bị thủng dạ dày, áp xe ổ bụng
Theo báo Cần Thơ, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long vừa cứu sống bệnh nhân C.N.N (87 tuổi, ở TP Cần Thơ). Trước đó, bệnh nhân vào viện vì khó thở, ho, khạc đàm đục nhiều ngày, tình trạng táo bón gây đau bụng âm ỉ trên 2 tuần.
Gia đình đã đưa bệnh nhân đi khám ở cơ sở y tế địa phương nhưng bệnh không giảm nên đã đến Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long điều trị. Người bệnh có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, di chứng lao phổi, tăng huyết áp, suy tim.
Người bệnh được bác sĩ kiểm tra trước khi xuất viện. Ảnh: Báo Cần Thơ
Qua thăm khám và các kết quả cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có dị vật đường tiêu hóa gây thủng dạ dày với các biến chứng như áp xe ổ bụng, nhiễm trùng huyết. Ngoài ra người bệnh lại cao tuổi, mắc đồng thời nhiều bệnh.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định nội soi cấp cứu gắp dị vật và dẫn lưu áp xe cho người bệnh ngay trong đêm. Sau mổ, bệnh nhân suy hô hấp nặng do tình trạng COPD diễn tiến, được các bác sĩ theo dõi liên tục, điều trị tích cực. Sức khỏe bệnh nhân dần cải thiện sai 9 ngày, người bệnh không còn đau bụng, giảm khó thở và vừa được xuất viện ngày 4/5.
Đinh Kim (T/h)