Lỗ thủng xuất hiện ở phổi của người đàn ông 30 năm hút thuốc lá
Theo thông tin trên báo Người Lao Động, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP.HCM) cho biết vừa nội soi vá lại lỗ thủng phổi cho ông T.H (57 tuổi) bị biến chứng sau 30 năm hút thuốc lá.
Lúc đầu, ông H. hút vài điếu mỗi ngày, sau đó tăng lên cả gói. Tháng gần đây, ông có cảm giác mệt, khó thở, tức ngực bên phải nhưng nghĩ chỉ bị cảm lạnh thông thường.
Triệu chứng càng ngày càng nặng hơn, không thể nằm ngủ vì ngực như bị bóp nghẹt, ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh kiểm tra thì mới phát hiện bị tràn khí màng phổi bên phải lượng nhiều.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Người Lao Động
Bác sĩ CKI Trần Quốc Hoài - khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết bệnh nhân bị đau tức vùng ngực, khó thở vì giảm oxy máu.
Nếu không xử lý kịp thời thì có thể suy hô hấp cấp, phù phổi, suy tim đe dọa tính mạng. Người bệnh được đặt ống dẫn lưu màng phổi để loại bỏ lượng khí bất thường, giúp phổi nở trở lại, thực hiện chức năng hô hấp.
Theo bác sĩ Hoài, đa số trường hợp tràn khí màng phổi sau khi dẫn lưu, phổi nở ra tốt thì lỗ rò tự đóng lại. Tuy nhiên, sau 3 ngày điều trị, khí ở phổi ông H. vẫn xì ra liên tục, lượng nhiều kèm theo một phần phổi còn xẹp không nở hết. Vì vậy, các bác sĩ phẫu thuật nội soi lồng ngực để xử trí.
Trong khi mổ, nhờ dụng cụ nội soi phóng đại nhiều lần, các bác sĩ phát hiện một lỗ thủng đường kính khoảng 2 mm ở thùy trên phổi phải, xì rò liên tục và vá lại bằng dụng cụ chuyên dụng.
Lỗ thủng này là hậu quả của thời gian dài hút thuốc lá, vì rất nhỏ nên khó phát hiện trên phim chụp CT. Một ngày sau ca mổ, ông H. hết đau ngực, thở dễ dàng, phổi nở tốt, chức năng hô hấp trở lại bình thường.
Bé 10 tuổi bị sốc nhiễm khuẩn do loại virus hiếm gặp gây ra
VTC News dẫn thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đơn vị vừa cứu sống thành công bệnh nhi 10 tuổi (ở Tuyên Quang) bị sốc nhiễm khuẩn do một loại vi hiếm gặp (tên khoa học Chromobacterium violaceum) gây ra.
6 ngày trước nhập viện, sau khi đá bóng ở sân bùn đất bẩn, bé sốt 41 độ C, nổi mụn nước nhỏ, dịch trong ở lưng, bụng, tay chân hai bên. Gia đình nghĩ bé bị thủy đậu, mua thuốc uống và bôi nốt mụn nước nhưng không bớt.
Bé được chuyển tới Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai, trong tình trạng khó thở, đau ngực, nhịp tim nhanh, sốt cao liên tục 39-40 độ C. Ekip bác sĩ đặt ống nội khí quản và thở máy, sử dụng phối hợp 3 loại kháng sinh, các thuốc vận mạch liều rất cao.
"Các vết loét tăng, xuất hiện nhiều nốt mới, bệnh nhân nguy cơ tử vong cao, sốc nhiễm khuẩn rất nặng và gần như kháng tất cả phương pháp điều trị thông thường", bác sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Trung tâm nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai, người điều trị trực tiếp, chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hiếu thăm khám cho bệnh nhi sau 2 tuần điều trị. Ảnh: VTC News
Ekip của bệnh viện dùng kháng sinh mạnh kết hợp truyền Acyclovir và IVIG (một loại thuốc quý trong điều trị nhiễm khuẩn nặng) cho bệnh nhi. Sau hơn một ngày kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau và thở máy thông số cao, bệnh nhi vẫn không đáp ứng nhiều.
Trước tình thế này, các bác sĩ quyết định lọc máu liên tục. Kết quả cấy máu phát hiện em nhiễm vi khuẩn rất hiếm gặp, còn gọi Chromobacterium violaceum. Đây là loại vi khuẩn nguy hiểm có thể gây tử vong nếu trẻ quá ít ngày tuổi hoặc chậm nhập viện.
Theo y văn, Chromobacterium violaceum thường "ăn" vào các tổ chức của cơ, da, xương gây hoại tử, khó hồi phục. Sau khi có kết quả của vi khuẩn cấy máu, các bác sĩ phối hợp với khoa Vi sinh làm kháng sinh đồ, hội chẩn chuyên gia dược lâm sàng, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
May mắn, vi khuẩn này nhạy với hai loại kháng sinh đang sử dụng cho bệnh nhi. Sau 3 tuần điều trị, trẻ tiến triển tốt hơn, đang được phục hồi chức năng thêm về hô hấp và vận động, dự kiến ra viện trong vài ngày tới.
Hai bệnh viện phối hợp cứu em bé bị tim bẩm sinh nặng
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện đặt máy tạo nhịp tim ngay tại phòng sinh cho em bé bị tim bẩm sinh nặng, được chẩn đoán Block nhĩ thất độ III từ trong thai kỳ.
Theo đó, sản phụ T.L. (33 tuổi, Hà Nội) tiền sử bị lupus ban đỏ 6 năm nay. Chị L. khám thai tại phòng khám tư, đến tuần 22 phát hiện em bé có tình trạng rối loạn nhịp tim thai. Thông thường, tim thai dao động từ 120 - 160 lần/phút nhưng thai nhi lại có nhịp tim rất chậm, dao dộng 50-60 lần/phút.
Chị tới khám tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và được theo dõi tại Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh & sơ sinh. Qua hội chẩn ngày 14/8, TS Đinh Thúy Linh – Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh & sơ sinh nhận định, thai nhi có tiên lượng nặng, chậm phát triển trong tử cung, tim to, tràn dịch màng ngoài tim số lượng nhiều, có tình trạng block nhĩ thất cấp III.
Với tình trạng bệnh rất nặng, sản phụ tiếp tục điều trị lupus ban đỏ và được chỉ định nhập viện khoa Sản bệnh A4 để theo dõi sát sao tình trạng thai nhi. Thông qua hội chẩn liên viện, Hội đồng cân nhắc việc chuyển viện sau sinh cho em bé.
Mặc dù khoảng cách giữa Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương rất ngắn nhưng nếu thực hiện chuyển viện ngay sau sinh, em bé sẽ đối mặt với nguy cơ trụy tuần hoàn, trụy tim mạch do nhịp tim thấp, sức khỏe không tốt do chậm phát triển trong tử cung từ trong thời kỳ bào thai.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vừa phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện đặt máy tạo nhịp tim ngay tại phòng sinh cho em bé bị tim bẩm sinh nặng. Ảnh: Kinh Tế & Đô Thị
Với tình trạng block nhĩ thất độ III rất nặng, việc đặt máy tạo nhịp ở thời điểm ngay sau sinh là vô cùng cần thiết, có thể đưa nhịp thất của bé trở về bình thường, từ đó em bé sẽ cải thiện được tình trạng bệnh lý.
Hội đồng thống nhất xin ý kiến chỉ đạo của GS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.
Đó là cử một ekip bác sĩ tim mạch và hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Nhi Trung ương, đứng đầu là TS Nguyễn Lý Thịnh Trường – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương phối hợp với bác sĩ chẩn đoán trước sinh, sản bệnh, gây mê hồi sức, sơ sinh, huyết học của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội để thực hiện ca mổ đặt máy tạo nhịp tim cho em bé ngay sau sinh tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.
Theo như dự kiến sẽ cố gắng giữ thai nhi trong bụng mẹ đến tuần 37 để em bé đủ trưởng thành và trải qua cuộc phẫu thuật. Tuy nhiên, đến thời điểm 35 tuần, chức năng tim thai diễn biến xấu rất nhanh, qua siêu âm bác sĩ phát hiện có tình trạng suy chức năng tim, tràn dịch màng tim số lượng rất nhiều, có tình trạng chèn ép tim ở buồng tim phải và đặc biệt có tình trạng thay đổi theo chiều hướng xấu Doppler ở thai.
Tình trạng thai chậm tăng trưởng trong tử cung ngày càng nặng. Sau khi hội chẩn, GS.TS Nguyễn Duy Ánh đã quyết định cần mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho thai nhi, theo thông tin trên báo Kinh Tế & Đô Thị.
Lúc 15h ngày 9/10, công tác chuẩn bị tại phòng mổ vô cùng khẩn trương, tất cả phải đảm bảo các yếu tố về điều kiện phẫu thuật, các quy định ngặt nghèo về vô trùng để thực hiện một ca phẫu thuật tim nhi khoa ngay tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.
Đinh Kim (T/h)