Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 3/11: Căn bệnh khiến khoảng 200.000 người Việt tử vong mỗi năm

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 3/11/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 3/11/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Căn bệnh khiến khoảng 200.000 người Việt tử vong mỗi năm

Bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, cao hơn số tử vong do ung thư. Ước tính mỗi năm khu vực ASEAN có khoảng 4 triệu người tử vong vì bệnh tim mạch. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì tim mạch.

Những thông tin này được các chuyên gia đưa ra tại buổi họp báo về Đại hội khoa học tim mạch Đông Nam Á lần thứ 27 với chủ đề: "Giao thoa tim mạch với các chuyên ngành: Cơ hội và thách thức" do Hội Tim mạch học Việt Nam, Viện Tim mạch Việt Nam tổ chức hôm 2/11, theo thông tin trên báo Sức Khỏe & Đời Sống.

GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch Việt Nam cho hay, nếu như trước đây, nhiều bệnh nhân tim mạch ở nước ta phải ra nước ngoài điều trị với chi phí cao thì hiện nay, thầy thuốc tim mạch Việt Nam đã làm chủ được hầu hết các kỹ thuật tiên tiến về bệnh lý tim mạch tương đương các nước trong khu vực và thế giới.

"Thậm chí, trong lĩnh vực can thiệp tim bẩm sinh, các thầy thuốc của chúng ta được mời tới nhiều quốc gia để chia sẻ kinh nghiệm. Tỷ lệ bệnh nhân mắc tim mạch phải ra nước ngoài gần như không còn, rất ít. Đối với bệnh tim bẩm sinh, hiện nay ở nước ta, có tới 80% bệnh nhân không phải can thiệp mổ", GS.TS Nguyễn Lân Việt nói.

Tại Việt Nam, số ca tử vong do tim mạch chiếm 33% các ca tử vong, cao nhất trong các bệnh lý. Ảnh minh họa: Sức Khỏe & Đời Sống

GS.TS Nguyễn Lân Việt dẫn chứng thông tin, mới đây nhất Viện Tim mạch Việt Nam đã trở thành cơ sở đầu tiên ở nước ta điều trị thành công ca bệnh rung nhĩ phức tạp bằng công nghệ hiện đại từ bóng áp lạnh. Kỹ thuật này nhằm ngăn ngừa cơn rối loạn nhịp tái phát và vãn hồi chức năng tim bị suy giảm, giúp bệnh nhân có cuộc sống và sinh hoạt bình thường trở lại.

Tuy nhiên theo thống kê, bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, mỗi năm cướp đi khoảng 19,5 triệu sinh mạng (theo báo cáo về gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2022), chiếm khoảng 1/3 tử vong do mọi nguyên nhân.

Cùng với sự thay đổi lối sống và già hóa dân số, gánh nặng các bệnh lý tim mạch đang ngày càng gia tăng trong khu vực. Tại Việt Nam, số ca tử vong do tim mạch chiếm 33% các ca tử vong, cao nhất trong các bệnh lý.

Theo các chuyên gia, kiến thức chung để tự chủ động trong phòng chống bệnh tim mạch của đa số người dân còn yếu; nhiều người không hiểu rõ yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch chính là gì; không chú ý trong việc điều chỉnh lối sống như ăn uống khoa học, thường xuyên luyện tập và khám sức khỏe định kỳ… Do đó, việc phát hiện bệnh lý tim mạch thường muộn. Đây là thách thức của ngành tim mạch Việt Nam.

GS.TS Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam chia sẻ thêm, bên cạnh các yếu tố nguy cơ truyền thống gây gia tăng bệnh lý tim mạch (như huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, rượu bia…), vấn đề đô thị hóa trong xã hội phát triển nhanh như hiện nay, các yếu tố môi trường như bụi, tiếng ồn, stress hay hậu COVID-19 cũng là những yếu tố nguy cơ mới xuất hiện ảnh hưởng sức khỏe tim mạch của người dân.

Ngoài ra khi tuổi thọ con người bình quân tăng lên đồng nghĩa với số người cao tuổi tăng lên, các bệnh lý tim mạch (nhất là các bệnh lý xơ vữa) cũng gia tăng, đó là thách thức cho ngành tim mạch Việt Nam.

XEM THÊM: Phẫu thuật thành công cho bệnh nhân nữ có khối u phổi hiếm gặp trên thế giới

Theo GS.TS Huỳnh Văn Minh, thời gian tới, Hội Tim mạch Việt Nam đang hướng đến phát triển các bảng kiểm đánh giá nguy cơ tim mạch. Bằng cách trả lời các câu hỏi trong chưa đầy 5 phút, người dùng có thể tự đánh giá mức độ nguy cơ tim mạch thấp - trung bình – cao trong 5-10 năm tới, từ đó hướng đến sự tư vấn của các thầy thuốc tim mạch.

Bên cạnh đó, Hội Tim mạch Việt Nam sẽ tăng cường trao đổi về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm xử lý các phương tiện chẩn đoán hình ảnh đối với bệnh lý tim mạch.

Người đàn ông nhiễm liên cầu khuẩn sau khi ăn món quen thuộc

Theo báo Người Lao Động, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết đơn vị vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 39 tuổi (quê Nghệ An) trong tình trạng chân tay hoại tử nghiêm trọng do nhiễm liên cầu khẩu.

4 ngày trước khi nhập viện, gia đình bệnh nhân có mua lòng lợn ở ngoài chợ về ăn. Bệnh nhân có ăn dồi lợn. Một ngày sau, bệnh nhân xuất hiện sốt 39-40 độ C, mệt nhiều. Bệnh nhân có khám tại một phòng khám tư, chẩn đoán sốt virus, được kê đơn thuốc hạ sốt nhưng tình trạng không cải thiện, xuất hiện các ban toàn thân.

Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An trong tình trạng sốt cao liên tục, xuất hiện ban hoại tử tăng dần vùng đầu chi. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết do liên cầu khuẩn lợn và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết bệnh nhân chuyển đến viện trong tình trạng sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, viêm phổi, phải can thiệp thở máy, lọc máy… Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn liên cầu lợn trên nền bệnh gout.

Hiện tại, chưa có vaccine  phòng bệnh nhiễm do vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn. Ảnh minh họa: andersensa.com

Sau điều trị, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, đầu ngón tay, ngón chân bị hoại tử, buộc phải phẫu thuật tháo khớp các chi hoại tử.

Hiện tại, chưa có vaccine  phòng bệnh nhiễm do vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn. Bác sĩ Phúc khuyến cáo người dân nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y, tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn.

Ngoài ra, những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống. Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.

Phẫu thuật cắt túi mật bằng nội soi cấp cho bệnh nhân 39 tuổi

Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, bệnh nhân N.T.N.D. (39 tuổi, ngụ Vĩnh Cửu, Đồng Nai) xuất hiện tình trạng mệt mỏi, sốt nhẹ, đau nhiều vùng trên rốn, ăn uống khó tiêu, bụng chướng nhẹ nên đến Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai để khám bệnh. Qua khám lâm sàng và siêu âm bụng tổng quát, các bác sĩ phát hiện sỏi lấp đầy túi mật, sỏi kẹt cổ túi mật gây viêm túi mật cấp của bệnh nhân D.

ThS.BS Nguyễn Đình Đạt - chuyên khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai cho biết đây là trường hợp cấp cứu cần giải quyết kịp thời để tránh biến chứng hoại tử túi mật ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Do đó, bác sĩ quyết định chọn phương pháp điều trị tối ưu nhất là phẫu thuật cắt túi mật bằng nội soi cấp.

Chưa đầy 1 giờ, túi mật kèm sỏi được phẫu thuật cắt bỏ và lấy ra thành công. Các bác sĩ phát hiện trong lòng túi mật chứa hơn 20 viên sỏi kích thước từ 4 - 12 mm.

Các bác sĩ phát hiện trong lòng túi mật chứa hơn 20 viên sỏi kích thước từ 4 - 12 mm. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Đây là người bệnh có nhiều sỏi trong lòng túi mật nhất được phẫu thuật tại Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai. Sau phẫu thuật nội soi, sức khỏe của người bệnh bình phục tốt, không còn triệu chứng đau quặn bụng, ăn uống và đi lại bình thường. Sau 4 ngày, tình trạnh người bệnh ổn định và được xuất viện.

ThS.BS Nguyễn Đình Đạt chia sẻ: "Bệnh sỏi túi mật là tình trạng phổ biến, thường xuất hiện khi trong túi mật tích tụ quá nhiều sỏi. Những nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh này có thể đến từ chế độ ăn uống giàu cholesterol, thừa cân hoặc béo phì, và thường gặp ở phụ nữ trên 40 tuổi.

Sỏi túi mật không chỉ gây ra cảm giác đau đớn mà có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm túi mật cấp, thấm mật phúc mạc, viêm phúc mạc mật, áp xe quanh túi mật, sốc nhiễm khuẩn, tụt huyết áp, trụy tim mạch, thậm chí tử vong. Do đó, việc điều trị sỏi túi mật một cách kịp thời và hiệu quả là rất quan trọng”.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật