Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 3/8/2018: Miếng rau câu cướp đi sinh mạng bé 11 tháng tuổi

(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 3/8/2018. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 3/8/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tin tức đời sống mới nhất ngày 3/8/2018. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 3/8/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Miếng rau câu cướp đi sinh mạng bé 11 tháng tuổi

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) đã tiếp nhận cấp cứu cháu bé 11 tháng tuổi trong tình trạng hôn mê, ngưng tim ngưng thở. Trước đó bé ăn rau câu thì bị sặc, tím tái toàn thân. Gia đình đưa bé vào bệnh viện cách nhà khoảng 20 phút để cấp cứu. Lúc này cháu đã hôn mê sâu, ngưng tim ngưng thở. Các bác sĩ tích cực hồi sức tim phổi khoảng 30 phút nhưng đồng tử hai bên đã giãn, cháu không còn phản xạ thần kinh.

Theo nguyện vọng của gia đình, cháu được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Bác sĩ Lê Quang Mỹ, Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết khi ấy tình trạng cháu đã quá nặng không thể cứu được.

Ảnh minh hoạ.

Cách đây không lâu cũng xảy ra trường hợp tương tự khi bé trai 5 tuổi tại TP.HCM bị hóc miếng rau câu, cũng được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu quá muộn.

Bác sĩ khuyến cáo trẻ nhỏ bị sặc rau câu tình trạng thường khá nguy hiểm, để lại hậu quả thương tâm. Nguyên do là miếng rau câu trơn nên khi ăn trẻ hút mạnh. Nắp thanh môn không kịp đóng, rau câu chui nhanh vào đường thở khiến bé hóc, nghẹn, đe dọa đường thở. Nên thận trọng khi cho trẻ ăn rau câu, nhất là loại chứa trong cốc. Dùng thìa múc thành từng miếng nhỏ thay vì bóp vỏ đẩy trực tiếp rau câu vào miệng trẻ.

Nối thành công dương vật bị đứt lìa do bệnh nhân tự cắt

Ngày 2/8, đại diện Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ khoa Ngoại Niệu đã kết hợp ê kíp vi phẫu khoa Ngoại Chấn thương – Chỉnh hình, vừa phẫu thuật thành công khâu nối dương vật cho một nam bệnh nhân.

Trước đó, ngày 28/7, anh L.P.H, 38 tuổi, đã tự cắt lìa dương vật của mình, ngay lập tức gia đình phát hiện và đưa đến bệnh viện tuyến tỉnh cấp cứu, sau đó chuyển đến bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị. 

Bệnh nhân được nối dương vật thành công. Ảnh: VTC 

Với chẩn đoán dương vật bị đứt lìa nên các bác sĩ khoa Ngoại Niệu kết hợp ê kíp vi phẫu khoa Ngoại Chấn thương – Chỉnh hình đã nhanh chóng thực hiện khâu nối dương vật vi phẫu thuật ngay trong ngày.

Hiện, bệnh nhân H. đã tỉnh táo và tiếp xúc tốt, vết mổ ở dương vật rỉ ít dịch, phần dương vật được nối trong quá trình bình phục, đang được điều trị và theo dõi tại khoa Ngoại Niệu.

Trái cây có thể thành 'sát nhân' giết trẻ nhỏ

Mới đây, khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhi 2 tuổi ở Nam Định bị hóc hạt nhãn trong tình trạng rất nặng. Khi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu bé đã bị ngưng tim, phù phổi cấp.

Khi khám cho cháu bé, các bác sĩ phát hiện ngay một hạt nhãn nằm ngay nắp thanh môn. Tuy nhiên, do xử lý ban đầu không đúng nên cháu bé đã bị hôn mê khi nhập viện. Mặc dù các bác sĩ bệnh viện đã tích cực cấp cứu nhưng não đã tổn thương không hồi phục do thiếu ô-xy. Hiện cháu bé đang trong tình trạng sống thực vật.

Ảnh minh hoạ. 

Theo BS Phạm Ngọc Toàn - khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện đã từng tiếp nhận một trường hợp tương tự. Một cháu bé khác bị hóc hạt chôm chôm, khi đến bệnh viện đã bị ngưng tim do gia đình xử trí quá muộn.

Hóc dị vật là tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ do sự sơ ý của người trông trẻ. Trong những tình huống trẻ bị hóc, đòi hỏi phụ huynh cần bình tĩnh để xử trí đúng cách. “Dị vật có trong đường thở từ 5-6 phút sẽ khiến bé ngừng thở, suy hô hấp dẫn tới tử vong. Do đó, nếu việc xử trí nếu không thực hiện đúng và kịp thời trong vài phút đầu, trẻ sẽ bị thiếu ô-xy lên não khi chuyển đến bệnh viện. Đối với những trường hợp như vậy thì dù có cứu được mạng sống cũng để lại di chứng suốt đời” - bác sỹ Toàn cho biết.

Để phát hiện sớm việc trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ cần lưu ý, khi trẻ đang chơi, đột nhiên ho nhiều, ho tím tái, nôn, trớ… cần nghĩ tới trường hợp bị hóc dị vật. 

Để tránh gây ra nguy hiểm và những di chứng cho trẻ khi bị hóc dị vật, bác sĩ Toàn cảnh báo: Tuyệt đối không bế nằm ngửa, không dùng tay móc họng để lấy dị vật, điều này rất nguy hiểm cho trẻ. Trẻ nhỏ bị hóc dị vật chui vào đường thở, có thể bịt đường thở, gây suy hô hấp cấp dẫn đến tử vong.

Tin tức đời sống mới nhất mời độc giả đón đọc trong những bản tin tiếp theo...

Kiều Trang (T/h)

Tin nổi bật