Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 3/6/2019: Đứng ở sân chơi bất ngờ bị rắn lục đuôi đỏ cắn

(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 3/6/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 3/6/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tin tức đời sống mới nhất ngày 3/6/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 3/6/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Đứng ở sân chơi bất ngờ bị rắn lục đuôi đỏ cắn

Rắn lục đuôi đỏ cắn khi đang đứng ở sân chơi - Ảnh: Minh họa

Ngày 31/5, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu, Sơn La đã cấp cứu cho bệnh nhân Phạm Văn K. 41 tuổi bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Bệnh nhân K. cho biết, khi đang đứng ở sân chơi bất ngờ bị con rắn cắn. Trời tối, qua ánh đèn bệnh nhân nhìn thấy con rắn nhỏ, đầu vuông.

Vết cắn nhỏ nhưng ngay lập tức gây bầm tím bàn chân. Trên mu bàn chân có 3 vết răng nanh của rắn. May mắn, bệnh nhân này đã vào viện cấp cứu kịp thời nên hiện sức khỏe đang ổn định dần.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời tiết chuẩn bị vào hè là mùa rắn sinh sôi nên thời gian qua đã có nhiều bệnh nhân bị rắn cắn nhập viện. Rắn cắn là một trong những nguyên nhân ngộ độc hàng đầu ở Trung tâm Chống độc, đặc biệt xảy ra nhiều từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm, là mùa phát triển của rắn độc.

Khi bị rắn độc cắn, nếu không xử trí kịp thời sẽ dễ bị tử vong, hoặc đưa đến cơ sở y tế càng chậm thì tiên lượng càng xấu. Thế nhưng, con số của các bệnh viện cho thấy tình hình sơ cứu bệnh nhân bị rắn cắn chưa tốt. Hầu như không có trường hợp nào được bất động, nẹp chi bị rắn cắn, rửa sạch vết thương, băng ép trước khi đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế.

Có một số ít trường hợp được sơ cứu nhưng lại không đúng cách, như đắp mật rắn lên vết cắn, đến thầy lang để nặn máu… làm ảnh hưởng xấu đến việc điều trị, dẫn đến nhiều trường hợp tử vong hoặc di chứng suốt đời.

Việt Nam có rất nhiều loại rắn độc và mỗi loại lại có cơ chế gây độc khác nhau nên biện pháp sơ cứu cũng như hướng điều trị khác nhau. Thay vì tự áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu, thì sau khi bị rắn độc cắn cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế có điều kiện điều trị. Tại đây bệnh nhân sẽ được cấp cứu hô hấp, tim mạch tốt hoặc có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu.

Bé 5 tuổi nhập viện cấp cứu vì đồng xu mắc trong thực quản

Đồng xu trong thực quản bệnh nhi được bác sĩ lấy ra ngoài - Ảnh: Phụ nữ Việt Nam

Ngày 2/6, bác sĩ Nguyễn Hoàng Tùng, Khoa Tai- Mũi-Họng (BV Việt Việt Nam - Cuba Đồng Hới, Quảng Bình) cho biết, các bác sĩ BV vừa nội soi lấy ra đồng xu ở thực quản bệnh nhi N.H.T.P (5 tuổi, ở TP. Đồng Hới).

Trước đó, tối ngày 1/6, bệnh nhi được đưa đến BV trong tình trạng đau vùng cổ. Gia đình cho biết, cách đó ít lâu bé lấy đồng xu dùng để chơi game ở siêu thị về nhà. Trong lúc chơi đùa, bé ngậm đồng xu trong miệng và nuốt, sau đó đau vùng cổ. Gia đình phát hiện đã nhanh chóng đưa bệnh nhi đến BV cấp cứu.

Tại BV, sau khi thăm khám, chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện dị vật hình đồng xu đường kính 24mm ở đoạn thực quản cổ nên chỉ định nội soi dưới gây mê và gắp đồng xu. Sau gần 1 tiếng thực hiện, các bác sĩ đã lấy thành công đồng xu ra ngoài. Hiện tại, bệnh nhi đã ổn định và tiếp tục được theo dõi tại BV.

Đi khám vì đau bụng, thiếu nữ 16 tuổi phát hiện ung thư dạ dày di căn

Các dấu hiệu của ung thư dạ dày rất dễ nhầm với các bệnh đường tiêu hoá - Ảnh: Vietnamnet

BS Dương Trọng Hiền, Trưởng Khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hoá, BV Việt Đức cho biết, chỉ trong thời gian ngắn, khoa liên tiếp điều trị cho 2 trường hợp còn khá trẻ mắc ung thư dạ dày di căn, trong đó có bệnh nhân Đặng Thị H. mới 16 tuổi.

Cô gái trẻ đến BV khám vì thường xuyên thấy đau bụng dưới, kèm theo tình trạng rối loạn kinh nguyệt vài tháng nay. Ban đầu H. đi khám phụ khoa, các bác sĩ nghi ngờ mắc ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, khi làm thêm nhiều xét nghiệm khác, bác sĩ phát hiện bệnh nhân mắc ung thư dạ dày ở giai đoạn muộn, hiện đã di căn xuống buồng trứng, nên chuyển đến BV Việt Đức để điều trị.

Tại BV Việt Đức, bác sĩ đã phải cắt toàn bộ dạ dày, toàn bộ buồng trứng, nạo phúc mạc di căn. Đợi sức khoẻ ổn định, bệnh nhân sẽ tiếp tục điều trị hoá chất.

Mới nhất, khoa phẫu thuật cho nữ bệnh nhân 22 tuổi. Cô gái đến BV Phụ sản TƯ khám vì hay đau bụng. Các kết quả cận lâm sàng kết luận bệnh nhân mắc u buồng trứng, chỉ định phẫu thuật cắt u.

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phát hiện thêm khối u dạ dày di căn xuống buồng trứng nên lập tức chuyển bệnh nhân sang BV Việt Đức để xử lý tiếp. Sau đó bác sĩ cũng buộc phải cắt hết dạ dày, 2 bên buồng trứng, nạo vét các khu vực di căn, trong 3-4 tuần nữa sẽ phải điều trị hoá chất.

Theo TS Hiền, cả 2 trường hợp nói trên đều tìm đến chuyên khoa sản phụ khoa thăm khám ban đầu do bệnh nhân còn trẻ, các dấu hiệu ung thư dạ dày hết sức mơ hồ, thường chỉ khó tiêu, đau vùng hạ vị nên dễ bị bỏ qua.

Quỳnh Chi (T/h)

Tin nổi bật