Tin tức đời sống mới nhất ngày 2/7/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 2/7/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Chiều 1/7, trao đổi với TTXVN, bác sỹ Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tim, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này vừa phẫu thuật tim hở thành công cho một bệnh nhi sinh non có cân nặng 1,6kg - bệnh nhi được phẫu thuật tim hở nhẹ cân nhất từ trước đến nay.
Trái tim của bệnh nhi sinh non chỉ lớn hơn ngón tay cái của bác sỹ. Ảnh: TTXVN |
Theo Bác sỹ Tuấn, bệnh nhi là bé gái sinh non ngày 20/4/2019, khi mới 30 tuần tuổi tại Bệnh viện Từ Dũ với cân nặng chỉ 1kg. Bé gái là con thứ 2 trong cặp sinh đôi của sản phụ L.N.A.T (ngụ tại tỉnh Tiền Giang). 13 ngày sau sinh, kết quả siêu âm xác định, tim bé gái tồn tại ống động mạch lớn 6mm (PDA) và lỗ thông liên thất lớn 7mm (VSD). Đây là hai tổn thương rất nặng đối với một trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân.
Ngày 21/5, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để phẫu thuật cột ống động mạch trước, sau đó mới tính phương án xử lý lỗ thông liên thất. Theo Bác sỹ Nguyễn Đức Tuấn, khi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh nhi nặng 1,3kg, viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và phải nuôi ăn hoàn toàn bằng tĩnh mạch. Các bác sỹ quyết định phẫu thuật cột ống động mạch khi bé được 37 ngày tuổi, tương đương 35 tuần tuổi thai, hy vọng sau khi cột ống động mạch, bé sẽ hết suy tim, lên cân tốt để chuẩn bị bước vào cuộc phẫu thuật tim hở đóng lại lỗ thông liên thất.
Sau khi cột ống động mạch, cân nặng của bệnh nhi tăng lên 1.580g nhưng vẫn viêm phổi, nhiễm trùng huyết và đặc biệt tình trạng suy tim không cải thiện. Siêu âm tim ghi nhận lỗ thông liên thất là 6-7mm, giãn lớn thất trái và động mạch phổi, lưu lượng máu lên phổi nhiều.
Ngày 24/6, các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã phẫu thuật đóng lỗ thông liên thất cho bệnh nhi. Do tiến hành phẫu thuật tim hở nên bệnh nhi được ngưng tim và sử dụng hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể. Theo Bác sỹ Nguyễn Đức Tuấn, vì bệnh nhi quá nhỏ, việc gây mê, đặt nội khí quản vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, trái tim bệnh nhi cũng chỉ lớn hơn ngón tay cái nên dù đã dùng loại chỉ khâu mảnh như sợi tóc nhưng nguy cơ bị xé cơ tim trong quá trình phẫu thuật cũng có thể diễn ra. Sau 3,5 giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công hơn cả mong đợi.
Đến chiều 1/7, bệnh nhi đã ổn định, cân nặng tăng lên 1,7kg và dự kiến sẽ được xuất viện sau 1 tuần nữa. Đây là ca phẫu thuật tim hở nhẹ cân nhất từ trước đến nay được thực hiện trên 1 bé sơ sinh non tháng tại TP Hồ Chí Minh.
Anh Đỗ Văn K, 34 tuổi ở Quảng Yên, Quảng Ninh chia sẻ với báo VietNamnet, cách đây 3 tháng, anh thấy trên bụng, lưng, cẳng tay, chân xuất hiện các nốt đặc có nhân vàng, viền đỏ bên ngoài, kích thước 1-3 mm, không đau, không ngứa, không gây cảm giác khó chịu gì.
Ban đầu anh K. chỉ nghĩ đơn thuần đó là những nốt mụn ngoài da nên tự ý nặn. Tuy nhiên anh chỉ nặn được các nốt nhỏ, trong có nhân vàng còn các nốt to rất khó nặn. Càng nặn, anh K. càng thấy các nốt to dày lên và lan rộng.
Các nốt sùi chứa nhân vàng mọc chi chít trên người nam thanh niên. Ảnh: VietNamnet |
Sau đó, anh K. quyết định đi khám chuyên khoa liễu ở tỉnh nhưng không ra bệnh. Bác sĩ kê đơn thuốc uống và bôi 1 tháng nhưng không đỡ, trái lại, các nốt đặc nhân vàng viền đỏ tiếp tục nhiều lên khiến anh vô cùng lo lắng. Anh cũng đã tìm đến các loại thuốc đông y để chữa trị nhưng không tiến triển.
Trong giai đoạn này, anh K. thường xuyên thấy mệt mỏi, khát nước, tiểu nhiều, sụt 5 kg trong vòng 4 tháng. Nghe theo lời khuyên của một số bạn bè, mới đây anh đến BV Nội tiết Trung ương thăm khám, được chẩn đoán mắc u vàng phát ban, rối loạn lipid máu hỗn hợp và bị tiểu đường type 2.
Ths.BS Nguyễn Thị Thu Hương, Phó trưởng khoa Thận – Tiết niệu, BV Nội tiết Trung ương cho biết, u vàng phát ban (erruptive xanthomas) là một tổn thương da lành tính gây ra bởi sự lắng đọng cục bộ của lipid đặc biệt là triglycerid trong lớp hạ bì, thường gặp ở bệnh nhân bị tiểu đường không điều trị hoặc kiểm soát bệnh kém.
Có khoảng 10 % bệnh nhân tăng triglycerid máu nặng có biểu hiện u vàng phát ban trên da.
Hiện tại, sau 2 tuần điều trị, các nốt sẩn trên người anh K. đã nhạt màu dần, xẹp đi, một số nốt đã biến mất, đồng thời đường máu của bệnh nhân đã về ngưỡng mục tiêu.
Với những trường hợp mắc u vàng phát ban, các nốt sần sẽ biến mất sau khoảng 8 tuần điều trị. Sau đó bệnh nhân cần đi khám định kỳ 1 lần/tháng để theo dõi, điều chỉnh liều thuốc. Đồng thời khuyên những người trong gia đình nên đi tầm soát rối loạn chuyển hoá lipid và đường máu để sớm phát hiện bệnh.
Chiều ngày 01/7, xác nhận với báo VTC News, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, vừa phẫu thuật thành công cho một nữ bệnh nhân có khối u màng não bằng kĩ thuật tắc mạch trước khi mổ giúp giảm thiểu chảy máu trong mổ. Đồng thời, rút ngắn được thời gian phẫu thuật.
Bệnh nhân nói trên là bà Thạch Thị Sa Phên, người dân tộc Khơ me (52 tuổi, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Theo người nhà bà Phên, trước khi nhập viện bà thường xuyên bị đau đầu nên đã tự mua thuốc uống tại nhà. Tuy nhiên, thời gian gần đây cơn đau ngày càng nhiều, kèm theo tri giác lơ mơ nên gia đình đã đưa bà đến bệnh viện địa phương khám thì phát hiện có khối u.
Sức khoẻ bà Phên dần hồi phục sau ca phẫu thuật. Ảnh: Tiền Phong |
Ngay sau đó, bà Phên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ để tiếp tục điều trị.
Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã thực hiện thăm khám lâm sàng bước đầu ghi nhận bệnh nhân lơ mơ, đau đầu nhiều, buồn nôn, không yếu chi; còn trên CT- scan sọ não phát hiện khối u vùng chẩm phải rất lớn với kích thước 57,5 x 69,6 x 66,2mm đẩy đường giữa lệch trái. Trước tình trạng đó, bệnh viện tiến hành hội chẩn khẩn cấp, với các chuyên khoa và đưa ra hướng điều trị là phối hợp giữa kỹ thuật can thiệp nội mạch trước và phẫu thuật lấy u qua kính vi phẫu.
Sau 24 giờ can thiệp nội mạch, bệnh nhân được đưa vào phòng mổ lần 2 để thực hiện phẫu thuật lấy u. Do đã được tắc mạch trước mổ, khối u trở nên mềm, ít chảy máu. Việc lấy giảm khối mô u ở trung tâm diễn ra thuận lợi và nhanh chóng.
Hiện tại, bà Phên tình trạng sức khỏe bà Phên dần ổn định, tỉnh táo. Kết quả, chụp CT-scanner đầu kiểm tra sau phẫu thuật, hình ảnh cho thấy đã bóc tách hoàn toàn khối u.
Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa cấp cứu cho trường hợp bệnh nhân N.V.T., 28 tuổi, trú tại Tam Nông, Phú Thọ trong tình trạng bàn tay bị nghiền nát nham nhở, chảy máu nhiều, ngón 2, 3, 4 dập nát, đứt lìa do tay bị cuốn vào máy làm mộc.
Ca phẫu thuật xử lý chấn thương cho nam bệnh nhân bị cuốn tay vào máy làm mộc. Ảnh: VTC News |
Người nhà cho biết, trước đó khi đang làm việc với máy làm mộc, anh T. sơ ý bị quấn bàn tay phải vào máy khi máy đang vận hành. Tai nạn khiến bàn tay phải anh T. bị chấn thương nặng, chảy nhiều máu. Anh được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cấp cứu.
Bệnh nhân nhanh chóng được xử lý sơ cứu làm sạch vết thương, cầm máu, cố định bàn tay và thực hiện thăm khám cận lâm sàng cần thiết.
Kết quả, bệnh nhân bị vỡ phức tạp chỏm đốt I ngón III, đốt II ngón IV bàn tay phải, bết thương vô cùng phức tạp. Để điều trị, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật khẩn cấp cứu một phần bàn tay.
Sau hơn 4 giờ phẫu thuật, ca mổ thành công. Sau phẫu thuật 2 ngày, sức khỏe bệnh nhân ổn định, ăn uống tốt, ngón tay có thể cử động được.
Trước tình trạng ngày càng có nhiều bệnh nhân bị tai nạn do máy móc cơ khí gây ra (máy bóc gỗ, máy thái thịt…), các bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt là người hay làm việc với các máy móc nói trên cần tuyệt đối cảnh giác.
Nguyễn Phượng (T/h)