Tin tức đời sống mới nhất ngày 25/8/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 25/8/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Bơm silicon lỏng làm đẹp, người phụ nữ bị hoại tử vùng mông
Theo TTXVN, Đại tá, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, ngày 19/8, Trung tâm tiếp nhận bệnh nhân N.N.H (45 tuổi) bị hoại tử vùng mông rất nặng sau khi tiêm dung dịch lỏng đựng trong chai thủy tinh không rõ nhãn mác (khả năng là silicone lỏng) tại một cơ sở thẩm mỹ.
Sau khi bơm silicon lỏng 1 ngày vào vùng mông, chị H. thấy mông mình có hiện tượng căng cứng, khó chịu, loét. Bệnh nhân đã tìm đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để khám và điều trị.
Tại Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hoại tử diện rộng da, mô mỡ vùng tiêm, viêm lan toả bẹn đùi. Bệnh nhân được mổ nạo vét ra khoảng 2500cc tổ chức hoại tử và dịch mủ. Mông của bệnh nhân khả năng sẽ bị biến dạng.
Theo các bác sĩ, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều chất làm đầy khác nhau, trong đó chỉ một số ít được Bộ Y tế cho phép sử dụng. Trong khi đó có một số thẩm mỹ viện chạy theo lợi nhuận nên đã dùng chất làm đầy bị cấm và silicon lỏng là chất làm đầy rẻ tiền hay được sử dụng nhiều nhất.
Silicon lỏng thường được gọi là mỡ nhân tạo, trước đây thường được dùng để bơm đầy các khoảng khuyết dưới da và cũng dùng trong phẫu thuật thẩm mỹ. Hàng triệu người trên thế giới đã bơm silicon lỏng để tân trang sắc đẹp. Nhưng từ năm 1965, người ta đã bắt đầu đã nhận ra những biến chứng nguy hiểm của việc bơm silicon lỏng vào cơ thể người, đặc trưng là sự xuất hiện của các u hạt. Cũng thời gian này có những báo cáo nghi ngờ về sự xuất hiện các bệnh tự miễn và nhiều biến chứng khác trên những phụ nữ Nhật đã sử dụng tiêm trực tiếp vào ngực.
Năm 1991, Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) liệt silicon lỏng vào danh sách cấm sử dụng. Năm 1995, Bộ Y tế Việt Nam đã cấm tiêm silicon trực tiếp vào các bộ phận của cơ thể. Khi dùng silicon lỏng tiêm vào cơ thể dễ gây ra biến chứng tắc mạch. Khi bị tắc mạch, máu sẽ không thể đủ để nuôi dưỡng bộ phận được tiêm vào như mắt, môi, mũi dễ gây ra hoại tử những bộ phận đó, nguy hại nhất là có thể gây tử vong cho người sử dụng.
Bác sĩ Vũ Ngọc Lâm khuyến cáo, khi đi làm đẹp, chị em cần phải tỉnh táo, đừng bao giờ ham rẻ tiêm chất làm đầy vào cơ thể mà không biết là chất gì; không nghe theo lời rủ của bạn bè, người thân tới các cơ sở làm đẹp không có uy tín để làm đẹp. Nếu muốn tiêm chất làm đầy để làm đẹp, nên chọn các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ để thực hiện. Vì người tiêm chất làm đầy phải là các bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ có đào tạo về chuyên môn, có chứng chỉ chuyên môn và cơ sở thẩm mỹ có giấy phép hành nghề mới có thể thực hiện được.
Trước khi tiêm chất làm đầy được phép, người đi làm đẹp cần chú ý tới thành phần ghi trên vỏ thuốc. Cụ thể là thành phần HA (Acid Hyaluronic hữu cơ), khi thấy thành phần có silicon tuyệt đối không nên dùng. Ngoài ra, cần đọc rõ thông tin về nhà sản xuất, hạn sử dụng để đảm bảo sản phẩm được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Bé trai 2 tuổi bị rắn lục đuôi đỏ bò vào nhà cắn
Theo Zing.vn, ngày 24/8, bác sĩ chuyên khoa I Trương Phước Hữu, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP.HCM, cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp bé trai 2 tuổi, ngụ tại Long An, bị rắn bò vào nhà cắn.
Rắn lục đuôi đỏ là loài rắn độc - Ảnh minh họa |
Theo người nhà bệnh nhi, sau khi nghe bé hốt hoảng kêu đau, người mẹ đã nhanh chóng đưa con vào Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cấp cứu. Cha em kịp đập chết con vật, mang theo vào bệnh viện để các bác sĩ nhận dạng.
Bác sĩ Hữu cho biết rất may, bé không gặp nguy hiểm. Các chức năng cơ quan và đông máu ổn định. Bé được chỉ định tiếp tục nằm tại khoa Nội tổng hợp để theo dõi.
“Quan sát loài rắn mà gia đình mang theo, các y bác sĩ ngạc nhiên khi lần đầu tiên thấy lục đuôi đỏ to đến như vậy. Đa số ca nhập viện cấp cứu do rắn cắn, chủ yếu là rắn hổ, lục…, gây rối loạn đông máu. Nếu không cấp cứu kịp thời sẽ gây xuất huyết não, nạn nhân có thể tử vong", bác sĩ Hữu thông tin.
Cũng theo thông tin từ bệnh viện, phần lớn trường hợp nhập viện cấp cứu đều bị rắn bò vào nhà cắn. Hiện tại, các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang vào mùa nước nổi, rắn mất nơi trú ẩn, thường bò đến nơi khô ráo.
Bác sĩ Hữu cảnh báo phụ huynh không nên cho trẻ chơi ở những khu vực rậm rạp như bụi cây, đống lá rụng, gạch vụn, đống đổ nát, nhất là trong thời điểm vào mùa nước nổi. Đây thường là những nơi cư trú của rắn.
Các bác sĩ cũng đưa ra 5 lưu ý quan trọng để xử trí nhanh khi bị rắn cắn
- Khi trẻ bị rắn độc cắn, phụ huynh nhanh chóng rửa vết thương, cởi bỏ đồ trang sức, tránh gây chèn ép khi chi sưng nề. Chú ý không để nạn nhân tự đi lại, bất động chi bị rắn cắn bằng nẹp.
- Trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn, không nên chích rạch tại vết thương hay nặn hút máu tại vết cắn để loại trừ bớt nọc độc. Nạn nhân cần được nhanh chóng đưa tới bệnh viện để điều trị.
- Không nên buộc ga ro (buộc quá chặt) mà chỉ băng ép.
- Nếu nạn nhân bị liệt do nọc độc rắn, hãy khai thông đường hô hấp bằng cách hút đờm rãi, hô hấp nhân tạo.
- Tránh can thiệp vào vết cắn vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng sự hấp thu nọc và dễ chảy máu thêm.
Trẻ sơ sinh tử vong tại bệnh viện nghi do sặc sữa
Theo Thanh Niên, ngày 24/8, đại diện Trung tâm y tế TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) cho biết cháu bé sơ sinh - con của sản phụ N.T.T.H. (24 tuổi, ngụ TP.Quy Nhơn) đã tử vong nghi do tắc nghẽn đường hô hấp cấp do sặc sữa, biến chứng ngừng tim, ngừng thở.
Trung tâm y tế TP.Quy Nhơn - Ảnh: Thanh Niên |
Sản phụ H. nhập viện lúc 8h15 ngày 20/8 trong tình trạng thai lần đầu 36,5 tuần. Đến khoảng 9h30 cùng ngày, chị H. được đưa vào phòng phẫu thuật để sinh mổ và khoảng 20 phút sau thì bé gái được đón ra, cân nặng 4,4 kg.
Cháu bé này được nhân viên y tế lau khô, vệ sinh rốn, tiến hành cho bé kề da với mẹ trong khoảng 20 phút.
Đến 10h15, cháu bé được đưa về Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, chiếu đèn sưởi ấm tại phòng sinh. Nhân viên y tế tư vấn cho người nhà là bé non tháng, cần ôm bé vào lòng để khỏi hạ thân nhiệt, mỗi lần cho bé uống khoảng 7 - 10 ml nước sữa, cách 2 giờ.
Đến 15h, mẹ và bé về phòng được hộ sinh phụ trách phòng tiếp nhận, hướng dẫn cách chăm sóc mẹ và bé, tư vấn cho bé bú mẹ…
Đến 20h15 ngày 20/8, người nhà chị H. bế bé đến phòng nhân viên y tế trong tình trạng môi tím đen, toàn thân tím tái, không có phản xạ, không thở.
Các bác sĩ tiến hành hồi sức bé, đồng thời báo bác sĩ trực, mời bác sĩ khoa Nhi và Gây mê hồi sức hỗ trợ. Đến 21h5, cháu bé vẫn tím tái toàn thân, mạch quay và mạch bẹn không bắt được, ngừng tim, ngừng thở.
Cự Giải (T/h)