Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 25/11/2018: Tưởng mụn ở ngực, cô gái nặn ra con sán ngoe nguẩy

(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 25/11/2018. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 25/11/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tin tức đời sống mới nhất ngày 25/11/2018. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 25/11/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tưởng mụn ở ngực, cô gái nặn ra con sán ngoe nguẩy

Chiều ngày 24/11, bác sĩ Trần Huy Thọ, Trưởng khoa Khám bệnh (Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn Trùng TƯ) cho biết, Viện đang điều trị cho bệnh nhân Lò Thị H. (30 tuổi, huyện Thuận Châu, Sơn La) bị sán lá gan lớn lạc chỗ lên ngực hiếm gặp.

Trước đó, bệnh nhân H. đến Viện thăm khám với triệu chứng sốt, tổn thương phần mềm vùng ngực phải.

Bệnh nhân đang điều trị tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn Trùng TƯ.

Bệnh nhân cho biết, thời gian gần đây phát hiện trên ngực phải có một nốt đỏ nhỏ, đau nhẹ kèm theo ngứa. Bệnh nhân đã đến phòng khám ở địa phương thăm khám và bác sĩ nghi bị viêm tuyến vú.

Trở về nhà, bệnh nhân nghĩ là mụn nên nhờ người thân nặn. Sau nặn, một sinh vật khá lớn trồi lên, ngọ nguậy khiến chị hốt hoảng nên đến Viện thăm khám.

Tại Viện, các bác sĩ đã lấy ra ngoài một con sán. Sau khi xét nghiệm, bác sĩ xác định bệnh phẩm là sán lá gan lớn.

Sau tẩy sán, bệnh nhân được điều trị tại Viện. Sau hơn một tuần, sức khỏe bệnh nhân hồi phục nên được xuất viện.

Bác sĩ Thọ cho biết, bệnh sán lá gan là bệnh ký sinh trùng phổ biến thứ hai sau giun đũa chó mèo. Sán lá gan chủ yếu trú ngụ trong gan, nếu lạc chỗ cũng chỉ ở khu vực cơ thẳng gần bụng, cơ tim, phổi. Với bệnh nhân H. sán lá gan lạc lên vú nên rất hiếm gặp.

Sán lá gan lớn hay ký sinh ở động vật ăn cỏ như trâu, bò, dê, cừu. Sau khi sán vào cơ thể động vật sẽ đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài xuống nước và phát triển thành ấu trùng đuôi bám vào các rau thủy sinh như rau cần, rau rút, cải xoong, rau ngổ,..

Nếu người hoặc động vật ăn hoặc uống phải nước có nang trùng sán, sán sẽ đi vào dạ dày, đến ruột rồi lên gan và ký sinh tại mô gan, tạo thành ổ áp xe. Nếu không điều trị kịp thời, ổ áp xe có thể vỡ, phải mổ cấp cứu do vỡ phúc mạc.

Bệnh nhân bị nhiễm sán lá gan có thể bị sốt, đau tức gan, rối loạn tiêu hoá, dị ứng, ngứa. Nếu bệnh nhân có triệu trứng trên thì đến cơ sở y tế để kiểm tra, điều trị kịp thời.

Bé 5 tuổi tử vong sau cắt amidan

Vụ việc của cháu H.T.A. (5 tuổi ở xã Mậu Đông, huyện Văn Yên, Yên Bái) tử vong bất thường sau khi được đưa vào phòng mổ để cắt amidan tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái vào ngày (21/11) vừa qua đã khiến cho nhiều người nhà của bệnh nhi bức xúc.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuyến - Giám đốc Sở Y tế Yên Bái cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc, Sở đã lập đoàn kiểm tra niêm phong các loại thuốc và hồ sơ bệnh án có liên quan.

Đồng thời, lập hội đồng chuyên môn đánh giá quá trình khám chữa bệnh cho cháu A.. Kết luận ban đầu, các chỉ định phẫu thuật gây mê, mổ đều đảm bảo đúng quy trình.

Vị lãnh đạo Sở Y tế Yên Bái nói, đây là một trường hợp sốc tức thì phản ứng rất mạnh với thuốc gây mê dù đã được khẳng định đủ sức khỏe để phẫu thuật. Tim cháu đã ngừng đập ngay sau khi tiêm thuốc, mặc dù được một bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ cấp cứu nhưng cũng không hiệu quả.

Sở Y tế Yên Bái cho rằng, theo quy định trường hợp của cháu H.T.A. không phải thử thuốc gây mê trước khi sử dụng. Lý do là trước đó, cháu không có tiền sử bệnh án.

Cháu H.T.A (5 tuổi) bị tử vong sau khi cắt Amidan tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái. Ảnh: Dân trí.

BS Nguyễn Song Hào - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái, cho biết, bé H.A.T được chẩn đoán tử vong ngừng tuần hoàn do sốc phản vệ độ 4.

Bệnh nhi H.A.T được Bệnh viện Nhi Trung ương chẩn đoán viêm VA-amidan quá phát và chỉ định phẫu thuật, nhưng xin điều trị tại tỉnh.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái đã yêu cầu niêm phong các thuốc đã sử dụng; báo cáo tình trạng sốc thuốc về Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI và ADR); đồng thời yêu cầu các khoa tiếp tục rà soát, tăng cường công tác chuyên môn đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Nối thành công bàn tay bị máy cưa đứt lìa

Bệnh nhân là ông Nguyễn S. (43 tuổi, trú thôn Phú Mỹ, xã Phong Chương, H.Phong Điền – Thừa Thiên Huế) nhập viện lúc 11h30 ngày 23/11, trong tình trạng bị máy cưa vào tay, trong đó ngón áp út bị đứt gần lìa và vết thương phần mềm đốt giữa và đốt xa ngón 2 và ngón 3 bàn tay trái.

Sau đó người nhà chuyển bệnh nhân vào cơ sở 2, B.V Trung ương Huế.

Tại đây, các y, bác sĩ lập tức hội chẩn nhận thấy các ngón tay 4 và 5 gần như đứt lìa, chỉ dính phần da; đầu các ngón tay này trắng bệch nên tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết để phẫu thuật cấp cứu theo phương pháp vi phẫu.

Kíp phẫu thuật cùng kíp gây mê xúc rửa, làm sạch vết thương, lấy bỏ phần xương vỡ vụn, tiến hành kết hợp xương bằng xuyên đinh Kirschner dọc trục ngón 4 và 5; nối lại gân gấp nông và sâu ngón tay 4 và 5 theo phương pháp Adelaide bằng chỉ prolene 4.0; đồng thời bó lại bó mạch thần kinh gian ngón hai bên bằng kỹ thuật vi phẫu với sự hỗ trợ của kính hiển vi Carl Zeiss cùng chỉ prolene 9.0.

Sau nối, kiểm tra thấy miệng nối thông tốt, đầu ngón tay hồng, căng phồng trở lại, thời gian vi tuần hoàn bình thường và chảy máu tốt tại các vị trí châm kim. Các gân gấp ngón II, III cũng được khâu nối sau đó.

Bước tiếp theo BN được tiếp tục điều trị sau mổ bằng kháng sinh Ceftibiotic đường tĩnh mạch, chống đông lovenox, giảm đau, kháng viêm, kê cao tay với nẹp bột cẳng bàn tay và sưởi ấm bằng đèn. Sau phẫu thuật, ngón tay 4 và 5 bàn tay trái vẫn hồng, ấm và hồi lưu vi tuần hoàn tốt

Theo ThS. BS Hồ Mẫn Trường Phú, Trưởng khoa Ngoại CTCH-TKSN BV. T.Ư Huế Cơ sở 2, phẫu thuật vi phẫu nối lại chi thể là kỹ thuật phức tạp đòi hỏi hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ y, bác sĩ giàu chuyên môn.

Hiện nay, với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật, ngành y không ngừng phát triển, việc triển khai những kỹ thuật cao tại tuyến y tế cơ sở tương đối khó khăn, đặc biệt việc kết nối các ngón, bàn tay phải có đội ngũ y, bác sĩ kinh nghiệm, hiểu về kỹ thuật và có hệ thống trang thiết bị thích hợp mới có thể nối những mạch máu có kích thước từ 0,8-1mm.

Đây cũng là trường hợp đầu tiên khâu nối công đoạn chi thể đứt lìa bằng kỹ thuật vi phẫu thành công với sự hỗ trợ của kính hiển vi Carl Zeiss tại B.V Trung ương Huế cơ sở 2, góp phần giảm tải cho Bệnh viện tuyến trên và giảm chi phí đi lại điều trị của bệnh nhân.

Suýt chết vì nuốt đá "nano chữa bách bệnh"

Theo thông tin từ Bệnh viện E, bệnh viện này vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ 67 tuổi, ở Hà Nội vì nuốt phải dị vật hình tròn như đồng xu. Được biết dị vật này là loại đá được "thổi phồng" công dụng là đá nano chữa bách bệnh và đang bán tràn lan trên thị trường.

Theo người nhà bệnh nhân kể lại, bệnh nhân được tặng 1 viên đá và được quảng cáo là loại đá nano chữa được bách bệnh tại một cơ sở tư vấn sức khoẻ và bán giường massage gần nhà. Bệnh nhân được tư vấn mua loại đá này có thể chữa bách bệnh từ đau xương khớp (chỉ cần dán vào chỗ đau), viêm họng (ngậm), đái tháo đường (pha vào nước uống)…

Vài ngày trước, do bị ho nhiều, bệnh nhân đã tự ý dùng viên đá "thần dược" này để ngậm với mong muốn chữa khỏi viêm họng. Trong lúc ngậm viên đá, bệnh nhân ho và vô tình nuốt phải ngủ. Tỉnh dậy, bệnh nhân thấy cổ họng nuốt vướng nên đã vào Bệnh viện khám và điều trị.

Các bác sĩ đang tiến hành gặp dị vật cho bệnh nhân.

ThS.BS Đỗ Nguyệt Ánh – Phó trưởng khoa Thăm dò chức năng – nội soi, Bệnh viện E là người trực tiếp tiến hành nội soi thực quản- dạ dày gắp dị vật cho bệnh nhân này, cho biết, dị vật có đường kính gần 2cm mắc trong đường tiêu hóa trên của bệnh nhân, gây nên hiện tượng nuốt vướng. Cái khó của ca bệnh này, dị vật mà bệnh nhân nuốt phải là hình tròn, trơn, nên rất khó gắp ra. Thêm nữa, dị vật này có thể không nằm cố định mà di chuyển trong đường tiêu hóa của bệnh nhân. Nếu không dị vật có thể sẽ đi sâu vào cơ thể, gây tổn thương cơ quan nội tạng như thực quản, dạ dày, ruột…

ThS Ánh cho biết thêm, đây không phải là trường hợp đầu tiên, các bác sĩ khoa Thăm dò chức năng – nội soi Bệnh viện E gắp được dị vật đường tiêu hóa là loại đá này có hình thù là lục giác với cạnh sắc nhọn. Cách đây 2 năm, bệnh nhân nam, trên 50 tuổi, Hà Nội, cũng ngậm đá này để chữa bệnh huyết áp cao và tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, sức khỏe và bệnh tật chưa được cải thiện, thì bệnh nhân nam này phải vào viện… vì nuốt dị vật đường tiêu hóa là viên đá nano được quảng cáo chữa bách bệnh.

ThS Ánh cũng đưa ra cảnh báo, hiện chưa biết rõ công dụng thực sự của loại đá này đối với sức khỏe con người nên người dân đừng tin tưởng mà bỏ thuốc điều trị bệnh, nhất là các mãn tính của người già như tăng huyết áp, đái tháo đường, cơ xương khớp…

Ngoài ra, người dân cũng không nên tự ý sử dụng hoặc ngậm các vật có hình dáng tròn cứng, trơn… dễ gây nên tình trạng hóc dị vật là hóc dị vật đường tiêu hóa hoặc hóc dị vật đường hô hấp (đường thở).

Nguy hiểm nhất là dị vật đường thở có thể gây ngừng thở, ngừng tim nếu không được phát hiện, xử lý cấp cứu kịp thời. Trong trường hợp hóc dị vật đường tiêu hóa, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh có phương tiện nội soi thực quản dạ dày để mau chóng lấy dị vật ra đúng cách. Tránh tình trạng tự ý dùng tay móc dị vật ra khiến dị vật chui sâu vào đường tiêu hóa hoặc gây nên hiện tượng trầy xước đường tiêu hóa…

Thu Hằng (T/h)

Tin nổi bật