Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 25/10: Sở Y tế Quảng Nam chỉ đạo nóng sau ca tử vong do bệnh Whitmore

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 25/10/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 25/10/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Sở Y tế Quảng Nam chỉ đạo nóng sau ca tử vong do bệnh Whitmore

VTC News đưa tin ngày 24/10, Sở Y tế Quảng Nam cho biết vừa có văn bản gửi các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh về việc tăng cường công tác chẩn đoán và điều trị bệnh Whitmore.

Theo Sở Y tế Quảng Nam, vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Quảng Nam tiếp nhận bệnh nhân nữ vào cấp cứu, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân nhiễm Burkholederia pseudomallei (nguyên nhân gây ra bệnh Whitmore). Hiện tại, bệnh nhân đã tử vong.

Để chủ động phát hiện sớm, điều trị kịp thời, giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ tử vong do bệnh Withmore, Sở Y tế Quảng Nam yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh nắm được các biện pháp phòng chống bệnh. 

Do bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng và khó chẩn đoán nên Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh khi có ca bệnh nghi ngờ cần tổ chức hội chẩn khoa, hội chẩn liên khoa, liên viện để kịp thời chẩn đoán và chỉ định xét nghiệm cho phù hợp.

Sở Y tế Quảng Nam yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh nắm được các biện pháp phòng chống bệnh Whitmore. Ảnh minh họa: VTC News

Trước đó, trưa 11/10, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Quảng Nam tiếp nhận bệnh nhân nữ N.T.T.V. (47 tuổi, trú xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao, khó thở, mệt mỏi, thở gắng sức.

Sau khi được xử trí cấp cứu, bệnh nhân được chẩn đoán: Viêm phổi nặng, theo dõi nhiễm khuẩn huyết. Bệnh kèm đái tháo đường type 1 bỏ điều trị khoảng 1 năm; biến chứng suy hô hấp cấp, tăng đường máu cấp.

Bệnh nhân được chỉ định các cận lâm sàng như xét nghiệm, X-quang, siêu âm điện tim, cấy máu, cấy đàm... Tuy nhiên, do bệnh viện chưa thực hiện được cấy máu và cấy đàm nên phải gửi mẫu thực hiện tại Trường Đại học Phan Châu Trinh.

Đến 16h45 ngày 11/10, do tình trạng diễn biến xấu, tiên lượng nặng nên bệnh nhân được hội chẩn và thống nhất chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng điều trị nhưng không qua khỏi.

Ngày 14/10, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Quảng Nam nhận được kết quả cấy máu và cấy đàm của bệnh nhân V. gửi về với kết quả bệnh nhân nhiễm Burkholederia pseudomallei.

Người phụ nữ có 113 viên sỏi túi mật

Theo thông tin trên báo Công Thương, đại diện Bệnh viện 22-12 (Khánh Hòa) cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa phẫu thuật nội soi cho một bệnh nhân có 113 viên sỏi túi mật.

Trước đó, bệnh nhân nữ 31 tuổi (ngụ TP.Nha Trang) nhập viện trong tình trạng đau bụng âm ỉ, tăng dần ở vùng hạ sườn phải, kèm sốt và buồn nôn. Qua khám lâm sàng và siêu âm bụng tổng quát, các bác sĩ phát hiện trong túi mật của bệnh nhân có rất nhiều viên sỏi gây biến chứng viêm túi mật cấp.

Người bệnh được chỉ định phẫu thuật để tránh những biến chứng nguy hiểm. Kíp phẫu thuật thuộc khoa Ngoại cùng khoa Gây mê sau đó lấy ra được 113 viên sỏi, kích thước mỗi viên như hạt đậu. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, sức khỏe đã dần hồi phục.

Theo bác sĩ, sỏi túi mật có một số nguyên nhân như: Chế độ ăn nhiều dầu mỡ làm tăng lắng đọng cholesterol; những người thường xuyên nhịn đói, ăn không đúng bữa; trong gia đình có người bị sỏi tủi mật; những phụ nữ trong thời kỳ mang thai hoặc sử dụng thuốc tránh thai; một số bệnh nhân có các bệnh lý Crohn, bệnh lý tan máu bẩm sinh (làm tăng lượng bilirubin trong máu).

Các bác sĩ lấy ra 113 viên sỏi mật, kích thước mỗi viên như hạt đậu. Ảnh: Báo Công Thương

Để ngăn ngừa sỏi mật, nên có chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường rau xanh, trái cây, ngũ cốc, ưu tiên chất béo tốt từ nguồn thực phẩm như dầu cá, dầu ô liu. Hạn chế tinh bột, đường, chất béo không lành mạnh, thực phẩm giàu chất béo bão hòa.

Bên cạnh đó, duy trì vận động thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 lần mỗi tuần. Không áp dụng các biện pháp nhịn ăn và giảm cân nhanh. Khám sức khỏe định kỳ giúp tầm soát bệnh tật và phát hiện sỏi mật.

Điều trị thành công cho em bé sơ sinh bị dị tật tịt lỗ mũi sau hai bên

Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn lời ThS.BS. Bùi Viết Tuấn – Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết vừa phẫu thuật điều trị thành công một ca sơ sinh bị dị tật tịt lỗ mũi sau hai bên, một bệnh lý hiếm gặp.

Trước đó, sau chào đời tại khoa Sản đẻ, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, bé P.O.V (ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) đã bị suy hô hấp, không thể tự thở, phải chuyển ngay sang khoa Hồi sức Sơ sinh để cấp cứu.

Các bác sĩ đã tiến hành đặt ống nội khí quản, cho V. thở máy, đồng thời tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa, chỉ định nội soi mũi chẩn đoán, chụp cắt lớp vi tính hàm mặt không tiêm thuốc cản quang...

Sau khi đánh giá phim cắt lớp vi tính, và nội soi mũi các bác sĩ nhận định đây là trường hợp dị tật bị tịt lỗ mũi sau 2 bên. Đường thở của trẻ bị bít tắc hoàn toàn, trong khi trẻ sơ sinh chưa có phản xạ thở bằng miệng.

Các bác sĩ tiến hành nội soi mũi can thiệp cho bệnh nhi. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Qua một thời gian điều trị, các bác sĩ đã quyết định can thiệp phẫu thuật mở thông lỗ mũi sau và đặt stent lúc trẻ 25 ngày tuổi dưới gây mê toàn thân trong phòng mổ.

Sau phẫu thuật, bệnh nhi được chăm sóc và theo dõi tại khoa hồi sức tích cực ngoại khoa trong 3 tuần, tiếp đó được rút stent, trẻ tự thở được bằng mũi, toàn trạng ổn định và được ra viện.

XEM THÊM: Bị "đồ long đao" văng vào mặt, bé trai 10 tuổi suýt vỡ mũi

Theo Ths.BS Bùi Viết Tuấn - phẫu thuật viên chính của ca mổ, tịt  lỗ mũi sau là một dị tật bẩm sinh hiếm gặp, xuất hiện với tỷ lệ 1/5000-1/8000 trẻ sinh ra còn sống. Nguyên nhân là do phần màng mũi miệng (Oronasal membrane) không thoái triển ở tuần thai thứ 38.

Các trường hợp tịt lỗ mũi sau hai bên cần được chẩn đoán và can thiệp sớm vì trẻ sơ sinh chưa có phản xạ thở bằng miệng dẫn đến thiếu oxy và suy hô hấp. Tịt lỗ mũi sau hai bên là một bệnh lý rất hiếm gặp trong thực hành lâm sàng.

Ở những trẻ sơ sinh có biểu hiện khó thở, suy hô hấp thì cần nghĩ đến dị tật tịt lỗ mũi sau và gửi khám chuyên khoa Tai-mũi-họng để xác định và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật