Bé trai cần được bế mỗi ngày vì bị nứt đốt sống bẩm sinh
Cậu bé Blake ở West Lothian (Scotland) bị nứt đốt sống bẩm sinh, ảnh hưởng đến cột sống và biểu hiện rõ ngay từ khi mới sinh. Do đó, chị Charlene Stewart (34 tuổi, mẹ của bé) phải bế con gần như cả ngày.
Các bác sĩ phát hiện Blake mắc chứng bệnh này ở tuần thai 16. Dù vậy, chị Charlene vẫn quyết giữ con và phẫu thuật cho bé ngay khi chào đời. Dự kiến bé trai phải phẫu thuật thêm 7 lần và nằm viện 3 tháng. Sau đó, cậu bé có thể gắn ống thông ở cột sống.
Dự kiến bé trai phải phẫu thuật thêm 7 lần và nằm viện 3 tháng.
Theo EdinbughLive, Charlene biết con trai mình sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách nhưng gia đình sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho bé. Vào ban đêm, chị phải thay đổi tư thế cho con để bé không bị đau do không thể tự xoay chuyển. Các cơ ở chân của Blake chưa phát triển hoàn toàn nên chỉ có thể nâng lên mà không hạ xuống được.
Để tìm hiểu thêm về tình trạng của con, chị đã tham gia một nhóm hỗ trợ trên mạng, học về cách kích thích cột sống có thể giúp Blake phát triển cơ bắp. Nhiều gia đình đã áp dụng giải pháp này và thấy có sự tiến triển nên chị Charlene vô cùng hy vọng.
Được biết, do phải bế Blake mọi lúc nên chị không thể chăm sóc chu đáo cho 5 đứa con còn lại. Giờ đi ngủ là thời gian duy nhất trong ngày chị có thể dọn dẹp hoặc làm bất cứ việc gì trong nhà. "Blake đã 6 tháng tuổi và trải qua rất nhiều đau đớn. Bé vẫn còn một thử thách lớn ở phía trước. Nhưng con dũng cảm và luôn nở nụ cười trên môi khiến tôi tự hào”, chị nói.
Nam thanh niên mắc bệnh Castleman hiếm gặp
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thông tin, bệnh nhân L.A.T. (21 tuổi, trú tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đến bệnh viện khám trong tình trạng đau tức ngực. Các kết quả xét nghiệm và chụp CT-Scanner phát hiện bệnh nhân có một khối u tương đối lớn nằm ở trung thất giữa, bên trong rốn phổi, xen giữa các mạch máu rốn phổi và phế quản, có kích thước 2.5x2.0 cm.
Đáng chú ý, khối u nằm ở trung thất giữa, rất dễ bị nhầm lẫn với u lympho. Bên cạnh đó, khối u tăng sinh mạch rất nhiều, dính vào các mạch máu lớn, dính vào tĩnh mạch chủ trên và các mạch máu ở vùng rốn phải.
Quá trình phẫu thuật cho bệnh nhân phải hết sức cẩn thận, tỉ mỉ mới bóc tách được được khối u ra khỏi các mạch máu lớn, chỉ cần một chút bất cẩn sẽ làm rách các tĩnh mạch chủ trên và rách mạch máu vùng rốn gây chảy máu ồ ạt có thể gây tử vong ngay trên bàn mổ.
Bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh nhân. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Bằng kỹ thuật phẫu thuật nội soi, sau 2 giờ đồng hồ ekip phẫu thuật do ThS.BS Nguyễn Tô Hoàng – Phó trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực làm Trưởng kíp đã cắt bỏ hoàn toàn khối u thành công. Đây là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn trong điều trị u trung thất đã được các Bệnh viện tuyến Trung ương ưu tiên chọn lựa.
Được biết, khi tiến hành kỹ thuật này, người bệnh sẽ ít đau sau phẫu thuật hơn, thời gian nằm viện ngắn hơn, phục hồi nhanh hơn và sớm trở lại sinh hoạt thường ngày. Đặc biệt, sẹo mổ nội soi khá nhỏ nên tính thẩm mỹ cao hơn nhiều so với phương pháp truyền thống.
Sau 3 ngày phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân tiến triển rất tốt, các chỉ số sinh tồn trong giới hạn bình thường. Bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực.
Thiếu nữ bán máu để lấy tiền mua điện thoại thông minh
Theo thông tin được đăng tải, một thiếu nữ 16 tuổi giấu tên ở Tay Bengal (Ấn Độ) đặt mua chiếc điện thoại thông minh qua ứng dụng mua sắc trực tuyến với giá khoảng 9.000 Rs. Tuy nhiên, do không đủ tiền nên cô quyết định đến bệnh viện để bán máu.
Không đủ tiền mua điện thoại thông minh, thiếu nữ 16 tuổi quyết định đi bán máu. Ảnh minh họa
Hôm đó, cô xin phép ra ngoài đi học nhưng đã để xe đạp ở trạm xe buýt và bắt xe buýt từ Tapan đến bệnh viện. Kanak Kumar Das, nhân viên ngân hàng máu tại bệnh viện quận Balurghat cho biết: "Lúc đầu, cô bé nói với chúng tôi rằng cô muốn bán máu lấy tiền chữa bệnh cho anh trai. Nhưng sau một thời gian chúng tôi tư vấn, nói chuyện, cô bé đã nói ra sự thật. Cô bé bán máu để lấy tiền mua điện thoại thông minh".
Sau đó, quản lý ngân hàng máu đã thông báo sự việc cho Childline India Foundation, một tổ chức phi chính phủ ở Ấn Độ điều hành quản lý đường dây trợ giúp qua điện thoại hỗ trợ trẻ em khi gặp nạn. Họ đã đưa thiếu nữ 16 tuổi về nhà với sự giúp đỡ của ủy ban phúc lợi trẻ em địa phương.
Đinh Kim (T/h)