Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 21/9/2020: Bé trai mới 8 tuổi đã phát hiện bị gan nhiễm mỡ

(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 21/9/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 21/9/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tin tức đời sống mới nhất ngày 21/9/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 21/9/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Bé trai mới 8 tuổi đã phát hiện bị gan nhiễm mỡ

Hình minh họa.

Mới đây, bác sĩ Kim Ngân, khoa Tiêu hóa, bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cho biết trên báo Gia đình & Xã hội, vừa qua khoa đã tiếp nhận một bé trai tên D. (8 tuổi) nhập viện vì tăng men gan kéo dài 1 năm cùng tình trạng dư cân so với tuổi. Chỉ số men gan ALT lúc nhập viện >200 UL.

Đáng chú ý, các bác sĩ đã làm đầy đủ các xét nghiệm tìm nguyên nhân nhưng hầu hết chỉ số đều bình thường.

Sau đó, bác sĩ điều trị đã hội chẩn với trưởng khoa và quyết định thủ thuật sinh thiết gan để tìm nguyên nhân.

Kết quả sinh thiết cho thấy bé bị gan nhiễm mỡ không do rượu với hình ảnh nhiều tế bào gan bị thoái hóa mỡ. Bé được cho khám dinh dưỡng về chế độ ăn và lời dặn tập thể dục để giảm cân, tái khám lại sau 1 tháng.

Theo bác sĩ, gan nhiễm mỡ có thể điều trị nếu bệnh nhân được phát hiện sớm, tầm soát khá đơn giản chỉ với xét nghiệm men gan.

Độ tuổi khuyến cáo nên tầm soát sớm bệnh lý này ở trẻ em là 9 -11 tuổi ở những trẻ dư cân béo phì.

Đặc biệt bệnh lý này ở trẻ em không có thuốc điều trị đặc hiệu. Thay vào đó phương pháp điều trị chỉ là giảm cân bằng cách thay đổi chế độ ăn cắt giảm tinh bột, chất đường, chất béo kết hợp tập thể dục mỗi ngày.

Bệnh nhân sẽ phải tái khám định kỳ 1-6 tháng để đánh giá lại dinh dưỡng và xét nghiệm lại men gan, men gan giảm đồng nghĩa với sự hồi phục các tế bào gan bị thoái hóa mỡ.

Bác sĩ Ngân cho biết, gan nhiễm mỡ thường gặp ở trẻ dư cân, béo phì, đa số không có triệu chứng và được phát hiện một cách tình cờ khi đi khám sức khỏe định kỳ, siêu âm bụng ghi nhận hình ảnh gan nhiễm mỡ.

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu chiếm khoảng 7% ở trẻ em và lên đến 34% ở trẻ béo phì . Nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời thì theo thời gian bệnh nhân có thể gặp phải một số biến chứng như xơ gan.

Chẩn đoán xác định dựa vào sinh thiết gan tuy nhiên đây là một thủ thuật khá xâm lấn nên thường chỉ được thực hiện trong một số trường hợp nhất định.

Một phụ nữ mắc bệnh hiếm: Trong 100.000 ca mới có 1 người mắc

Chị H. mắc bệnh hiếm trong 100.000 ca thì có 1 người mắc. (Ảnh: NLĐ)

Bệnh viện quận Thủ Đức (TP HCM) đã tiếp nhận chữa trị một trường hợp bệnh hiếm gặp. Đó là bệnh bóc tách động mạch vành tự phát.

Bệnh nhân là chị H. (35 tuổi) được chẩn đoán bệnh bóc tách động mạch vành tự phát sau khi sinh. Chị H. trong suốt thời gian mang thai và chuyển dạ hoàn toàn bình thường, không có bất kỳ triệu chứng nào về tim mạch. Tuy nhiên, sau khi sinh con gái đầu lòng khoảng 2 tuần, chị bắt đầu khó thở, đau ngực, vã mồ hôi, đau đầu, chóng mặt, nôn,... được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim cấp nhưng không rõ nguyên nhân.

Sau 6 ngày điều trị nội khoa, chị tiếp tục đến bệnh viện quận Thủ Đức khám chụp động mạch vành qua da kiểm tra cho thấy bệnh nhân bị bóc tách động mạch vành tự phát.

BS Nguyễn Hồng Phúc, Khoa Nội tim mạch Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết trên báo Người Lao động, bệnh lý bóc tách động mạch vành tự phát là một tình trạng cấp cứu ít gặp nhưng lại rất nguy hiểm, xảy ra khi có một vết rách hình thành ở lớp nội mạc, một trong ba lớp cấu trúc tạo thành động mạch máu nuôi tim.

Bệnh có thể làm chậm hoặc tắc dòng máu chảy nuôi tim, gây chết tế bào cơ tim còn gọi là nhồi máu cơ tim, đưa đến các rối loạn nhịp nguy hiểm hoặc đột tử. Hiện tại bệnh này vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể nhưng thường xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam giới và thường xuất hiện trong khoảng vài tuần đầu sau khi sinh.

Rất may chị H. không còn hiện diện các biến chứng nguy hiểm và khảo sát chức năng tim mạch tương đối tốt nên tiên lượng về lâu dài khá tích cực dù không được can thiệp tái thông mạch máu cấp cứu. Bệnh nhân sẽ tiếp tục được theo dõi và điều trị bằng thuốc.

13 trẻ cùng lớp mắc tay chân miệng

Khám sàng lọc bệnh tay chân miệng cho trẻ tại trường mầm non Anh Đào. (Ảnh: Báo Lâm Đồng).

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Lâm Đồng cho biết trên Zing, đã khử khuẩn toàn bộ trường mầm non Anh Đào, TP Đà Lạt để ngăn chặn bệnh tay chân miệng.

Trước đó, ngày 16/9, 13 cháu lớp nhà trẻ 1 của trường này bị bệnh tay chân miệng. Ngoài các trường hợp trên, Trung tâm Y tế Đà Lạt ghi nhận thêm trường hợp mắc bệnh tay chân miệng là em của một học sinh tại trường.

Sau khi ghi nhận các trường hợp mắc bệnh, Trung tâm Y tế Đà Lạt phối hợp trường mầm non Anh Đào tổng vệ sinh toàn bộ khuôn viên trường, làm sạch các dụng cụ học tập, đồ chơi...

Trung tâm Y tế huyện Cát Tiên cũng ghi nhận 12 ca tay chân miệng tại trường mầm non Phù Mỹ, thị trấn Cát Tiên.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Lâm Đồng, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 150 ca tay chân miệng.

Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh thường xuất hiện vào các tháng 3-5 và 9-12. Bệnh dễ lây lan, đặc biệt vào mùa tựu trường.

Bệnh nhân mắc tay chân miệng có triệu chứng sốt nhẹ. Trẻ bị loét miệng do các bóng nước đường kính 2-3 mm trên niêm mạc miệng. Sau đó, các vết loét vỡ ra làm khiến người bệnh đau khi ăn và tăng tiết nước bọt.

Bóng nước xuất hiện trên lòng bàn tay, lòng bàn chân, niêm mạc miệng, đầu gối, mông, ấn vào không đau. Một số trường hợp bóng nước xuất hiện ít xen kẽ những hồng ban. Ngoài ra, số ít người không có bóng nước mà chỉ hồng ban, loét miệng đơn thuần.

Việt Hương (T/h)

Tin nổi bật