Hai anh em giằng co, bé 5 tuổi bị kéo đâm vào đùi
Theo Tiền Phong, các bác sĩ khoa Ngoại Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Tho mới đây đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi bị kéo đâm dẫn tới rách cơ đùi. Bệnh nhi là bé T.Đ.K (5 tuổi, trú tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc).
Gia đình bệnh nhi cho biết, vào hôm 5/7, bệnh nhi và em trai cùng nhau chơi ở nhà. Thời điểm đó, bố mẹ của bệnh nhi đều đang dở tay làm việc. Nhìn thấy em trai của bệnh nhi đang cầm chơi cây kéo rất nguy hiểm, người mẹ đã nhắc K. lấy lại cây kéo và cất đi.
Em trai vẫn một mực muốn chơi cây kéo, do đó hai anh em đã giằng co với nhau. Trong lúc đó, em trai của bệnh nhi sức khỏe yếu hơn nên đã tuột tay, cây kéo theo lực đẩy đâm thẳng vào đùi của K. Cú đâm đã gây ra vết thương lớn, chảy máu nhiều.
Bệnh nhi nhanh chóng được các bác sĩ phẫu thuật tách vết thương, cầm máu chảy trong cơ, đặt dẫn lưu và khâu vết thương. Ảnh: BVCC/ Tiền Phong
Bệnh nhi ngay lập tức được đưa tới Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ cấp cứu. Sau khi thăm khám và hội chẩn chuyên môn, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi có tổn thương rộng và chảy máu cơ tứ đầu đùi, gây lóc da rộng mặt trước ngoài đùi phải. Sau đó, bệnh nhi được các bác sĩ phẫu thuật tách vết thương, cầm máu chảy trong cơ, đặt dẫn lưu và khâu vết thương.
Sau ca phẫu thuật, bệnh nhi được điều trị tích cực bằng kháng sinh, giảm đau, giảm phù nề và thay băng vết mổ hàng ngày. Sau 8 ngày điều trị, bệnh nhi tiến triển tốt, vết thương không òn tình trạng chảy máu. Tình hình sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định, bệnh nhi được các bác sĩ cho ra viện.
Người phụ nữ có cả ổ sán lá ruột trong tá tràng
Infornet đưa tin, các bác sĩ ở Bệnh viện Quốc Tế Vinh (tỉnh Nghệ An) mới đây đã thực hiện ca nội soi gắp sán lá ruột trong tá tràng cho một nữ bệnh nhân. Được biết, bệnh nhân là chị L.T.M (56 tuổi, trú tại Diễn Châu, Nghệ An).
Cách đây khoảng 10 ngày, bệnh nhân bị đau bụng trên rốn. Ban đầu, bệnh nhân chỉ nghĩ đây là dấu hiệu bình thường do tiêu hóa kém. Tuy nhiên, cơn đau kéo dài suốt nhiều ngày, không có dấu hiệu thuyên giảm. Thấy vậy, bệnh nhân đã tới Bệnh viện Quốc tế Vinh để thăm khám.
Sau quá trình nội soi tá tràng, các bác sĩ phát hiện các con sán lá kích thước từ 2 – 3 cm đang di chuyển ở các đoạn DII và DIII tá tràng. Các bác sĩ sau đó đã dùng rọ lấy dị vật để gắp những con sán lá này ra khỏi tá tràng của bệnh nhân. Bệnh nhân được chỉ định nhập viện, tẩy sán theo phác đồ sau khi tiến hành nội soi gắp sán.
Nhân trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo mọi người nếu cảm thấy mệt mỏi, đau bụng, thiếu máu mạn tính thì cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Ngoài ra, mọi người cũng nên tránh ăn sống các thực vật, quản lý nguồn chất thải của lợn, trâu, bò, ăn chín uống sôi, vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, giữ môi trường sống sạch sẽ.
Bé sơ sinh có đường ruột nằm ngoài ổ bụng
Tri Thức Trực Tuyến vừa đưa tin về một trường hợp bé sơ sinh có đường ruột nằm ngoài ổ bụng. Cụ thể, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết bệnh nhi là con của sản phụ L.T.H. (22 tuổi, trụ tại thị xã Hoàng Mai, Nghệ An). Sản phụ này đến viện khi thai ở tuần thứ 36, có biểu hiện chuyển dạ, đau bụng từng cơn.
Bé sơ sinh vào thời điểm được ra viện. Ảnh: BVCC/ Tri Thức Trực Tuyến
Trước đó, vợ chồng sản phụ H. đã đi khám khi thai ở tuần thứ 27. Các bác sĩ chẩn đoán thai nhi bị dị tật khe hở thành bụng. Được biết, đây là một trong những khiếm khuyết lớn của trẻ sơ sinh, tỷ lệ tử vong sau sinh rất cao. Tuy nhiên, sản phụ và người thân vẫn quyết tâm theo dõi, điều trị ngay sau sinh cho bé.
Tiếp nhận sản phụ, các bác sĩ của Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiến hành siêu âm. Phát hiện ra sự bất thường của thai nhi, các bác sĩ đã tổ chức hội chẩn liên khoa Sản, Ngoại, Hồi sức Ngoại và Gây mê, sau đó chỉ định mổ cấp cứu lấy thai. Bé sơ sinh chào đời với cân nặng 2kg, thành bụng có lỗ khuyết làm toàn bộ đường ruột nằm hở ra ngoài.
Các bác sĩ đã ngay lập tức triển khai phương án phẫu thuật lần một sau khi em bé chào đời. 10 ngày sau khi thực hiện ca mổ đầu tiên, bé sơ sinh được nuôi dưỡng tĩnh mạch và chăm sóc đặc biệt tại khoa Hồi sức Ngoại. Khi thể trạng của em bé tốt hơn, các bác sĩ tiến hành ca mổ thứ hai đưa ruột trở lại ổ bụng. Thành bụng được khép kín, trở thành "lá chắn" bảo vệ nội tạng của bé an toàn như đúng chức năng ban đầu của cơ thể.
Đinh Kim (T/h)