Cứu sống bé 13 tuổi bị xuất huyết não
Báo Quảng Ninh đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy vừa áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy cứu sống bệnh nhi N.L.Q.N (13 tuổi, ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Trước thời điểm nhập viện 1 tiếng, bệnh nhi có tình trạng co giật, giảm ý thức.
Kết quả chụp CT sọ não tại bệnh viện cho thấy hình ảnh xuất huyết não. Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn các chuyên khoa và kết luận bệnh nhi bị xuất huyết não do vỡ khối thông động tĩnh mạch não (AVM), tiên lượng tình trạng bệnh nhân nặng, nguy cơ tử vong cao.
Sau đó, ekip phẫu thuật mở sọ cắt bỏ khối dị dạng AVM, giải áp, lấy máu tụ. Sau phẫu thuật, bệnh nhi sốt cao liên tục không đáp ứng thuốc hạ sốt, bác sĩ chỉ định áp dụng điều trị bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy để giảm tổn thương, giúp tế bào não phục hồi nhanh chóng.
Bác sĩ kiểm tra tình trạng của bệnh nhi. Ảnh: Báo Quảng Ninh
Với thiết bị hạ thân nhiệt đặc biệt, các bác sĩ đã hạ thân nhiệt bề mặt của bệnh nhi từ 37 độ C về 33-36 độ C và duy trì mức này trong một khoảng thời gian nhất định. Sau đó, thiết bị nâng dần nhiệt độ của bệnh nhi theo chương trình rất chặt chẽ cho tới khi đạt nhiệt độ bình thường.
Sau 7 ngày điều trị, bệnh nhi thoát nguy kịch, phục hồi ý thức, được rút ống nội khí quản, hiện đang tiếp tục điều trị phục hồi sức khỏe, vận động tại khoa Nhi của Bệnh viện Bãi Cháy.
Lấy thành công xương cá ra khỏi đường tiêu hóa của cụ ông 74 tuổi
Ngày 18/5, báo Tiền Phong thông tin về trường hợp của nam bệnh nhân N.V.H (74 tuổi). Theo đó, người bệnh nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng rất nặng. Khai thác bệnh sử ghi nhận cách thời điểm nhập viện ít ngày, bệnh nhân ăn cơm với món cá chiên. Sau bữa ăn, bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng đau bụng âm ỉ kèm nôn ói.
Cơn đau không rõ nguyên nhân ngày càng tăng, kèm theo tình trạng sốt cao. Sau khi thăm khám lâm sàng và chụp bụng cắt lớp cản quang, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị choáng nhiễm trùng nghi thủng đại tràng ngang do dị vật đường tiêu hóa và quyết định thực hiện mổ cấp cứu cho người bệnh.
Bằng phương pháp phẫu thuật nội soi, ekip bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) gỡ các tổ chức bao quanh khối viêm ở ruột, phát hiện chiếc xương cá xuyên thủng từ trong đại tràng ngang ra ngoài với kích thước 30mm x 1,5mm. Vị trí thủng đã rò rỉ chất thải vào ổ bụng gây nhiễm trùng nặng.
Sau khi các bác sĩ lấy xương cá ra khỏi đường tiêu hóa, bệnh nhân được sức tích cực, sử dụng thuốc vận mạch, thở máy. Người bệnh hiện đã qua cơn nguy hiểm, ngưng thuốc vận mạch, cai được máy thở và đang tiếp tục được theo dõi, điều trị.
Nhập viện vì ngộ độc sau khi uống rượu ngâm rễ cây
Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cho biết đơn vị này vừa cấp cứu cho hai người đàn ông nhập viện do bị ngộ độc sau khi uống một loại rượu ngâm với rễ cây tự đào trên rừng về để chữa đau lưng, đau khớp gối, theo báo Sức Khỏe & Đời Sống.
Trường hợp đầu tiên là ông T.V.Đ (60 tuổi, ở Nghệ An) có tiền sử uống rượu nhiều năm. Người bệnh bị đau xương khớp, được một người dân tộc mách lên rừng đào rễ cây mú từn (tên gọi địa phương) về ngâm rượu để uống (khoảng 50ml/ngày).
Sau khi uống được 10 ngày, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, huyết áp tăng cao, được gia đình đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu nhưng tình trạng càng tăng nặng, xuất hiện cơn co quắp chân tay. Do đó, người bệnh được chuyển lên tuyến cao hơn và tiếp tục được chuyển đến Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai.
Hình ảnh phim chụp não bị tổn thương của bệnh nhân ngộ độc Salicylate. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân L.B.T (50 tuổi, ở Nghệ An, làm nghề đi biển) cũng có tiền sử uống rượu thường xuyên, khoảng 500ml/ngày. Cách thời điểm nhập viện 5 ngày, người bệnh cũng uống rượu ngâm rễ cây rừng theo lời mách của một người dân tộc để chữa bệnh xương khớp.
Vợ bệnh nhân kể, sau 3 ngày uống rượu ngâm rễ cây, người bệnh bị chóng mặt, đau bụng thượng vị, buồn nôn nhưng vẫn đi biển. Trên tàu, bệnh nhân bị đau bụng dữ dội, buồn nôn và nôn nhiều nên được đưa đi cấp cứu và chuyển đến Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai.
Xét nghiệm mẫu rượu bệnh nhân mang đến và xét nghiệm máu của bệnh nhân phát hiện Salicylate có nguồn gốc từ rễ cây. Được biết, đây là loại thuốc giảm đau có trong nhiều loại cây cỏ tự nhiên, có thể được dùng để chữa giảm đau nhưng có độc tính nhất định nếu việc kiểm soát không đảm bảo về liều lượng, cách dùng.
Nếu uống các loại rượu ngâm một cách thoải mái như hai bệnh nhân trên thì rất dễ bị ngộ độc. Sau khi uống 5-10 ngày, hai bệnh nhân đều có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, ù tai, khó thở, thở nhanh và đến viện trong tình trạng toan chuyển hóa nặng, hôn mê, có tổn thương não. May mắn, cả hai đều được phát hiện và xử lý kịp thời.
Đinh Kim (T/h)