Tin tức đời sống mới nhất ngày 18/7/2018. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 18/7/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Bé trai ứ đọng 3 kg phân trong ruột sau 5 năm táo bón
Khi mới sinh bé trai đã bị trướng bụng, táo bón, được chẩn đoán đại tràng dài. Cứ 2-3 ngày gia đình phải bơm vào hậu môn cho bé đi tiêu, xẹp bụng. Vài lần đến TP HCM để thăm khám nhưng hoàn cảnh khó khăn, đi lại bất tiện nên gia đình không điều trị đến cùng.
Sau 5 năm chống chọi chứng táo bón, lượng phân lớn tích trữ trong đoạn ruột giãn khiến bụng bé ngày càng phình to bất thường. Các cơn đau ngày càng quằn quại nên mới đây gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố cấp cứu.
Đại tràng của bé giãn to, ứ đầy phân. Ảnh: VnExpress |
Bác sĩ chẩn đoán bé bị hội chứng phình đại tràng bẩm sinh (Hirschsprung), khiến một đoạn đại tràng không có dây thần kinh để kiểm soát sự co bóp. Với sự tham vấn từ phó giáo sư Trương Nguyễn Uy Linh, các bác sĩ tiến hành 3 giờ mổ cắt bỏ phần trực tràng bị phình dài gần 20 cm, giãn to 20 cm. Dù đã được thụt tháo bơm rửa trước mổ nhưng lượng phân ứ đọng bên trong vẫn còn gần 3 kg. Sau hơn 15 ngày điều trị, hiện bé ăn uống và tự đi tiêu thoải mái, bụng xẹp hẳn, vừa xuất viện.
Bé gái 3 tuần tuổi đột ngột qua đời vì bố mẹ quên rửa tay
Khi Mallory - cô con gái xinh đẹp của Jeff Gober đến từ Phoenix, Arizona (Mỹ) ra đời hoàn toàn là một bé gái ngoan ngoãn, khỏe mạnh. Nhưng chỉ một tuần sau, Mallory đã mắc một căn bệnh mà không ai ngờ tới, cũng không kịp chữa chạy. Jeff Gober và vợ phải bất lực nhìn con gái yêu quý của mình yếu dần và qua đời chỉ sau 2 tuần.
Jeff đã viết một thông điệp dành cho những người đang làm cha mẹ về việc rửa tay trước khi tiếp xúc với trẻ sơ sinh để có thể bảo vệ chúng khỏi căn bệnh mà con gái anh đã mắc phải.
Anh giải thích rằng Mallory đã được chẩn đoán nhiễm virus Herpes Simplex-1 - loại virus rất dễ lây lan gây ra bệnh lở miệng (rộp môi) và viêm loét sinh dục. Siêu vi khuẩn này rất phổ biến, nhưng thông thường hầu hết những người mắc bệnh này sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào và không thể nhận biết. Tình trạng này cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ có hệ miễn dịch kém phát triển.
Bé Mallory tử vong khi mới 3 tuần tuổi. (Ảnh Mirror) |
Jeff chia sẻ rằng, bé Mallory chưa bao giờ tiếp xúc với ai có dấu hiệu bệnh Herpes miệng. Khi mắc bệnh Mallory không có triệu chứng nào ngoại trừ sốt cao trong tuần đầu tiên. Sang tuần thứ hai, cô bé bắt đầu nổi mụn nước, nhưng đến lúc đó đã quá muộn để sử dụng thuốc kháng sinh. Các bác sĩ nói rằng có một nửa dân số mắc Herpes miệng nhưng rất ít trẻ em chết vì căn bệnh này. “Vậy mà điều đó đã xảy ra với con gái bé bỏng của tôi!”, Jeff đau lòng nói.
"Mallory liên tục dụi mắt và mút ngón tay của mình, vì vậy gần như chắc chắn rằng virus đã lây lan từ tay vào cơ thể con gái tôi. Bác sĩ nói căn bệnh có thể lây nhiễm ngay cả khi người tiếp xúc không bị nhiễm Herpes. Để đảm bảo an toàn cho con trẻ, chúng ta nên chăm chỉ rửa tay mỗi khi tiếp xúc với chúng”, Jeff đưa ra một cảnh báo nghiêm trọng về việc mọi người phải đảm bảo rửa tay sạch sẽ trước khi chạm hay chơi với con cái đặc biệt là trẻ sơ sinh.
Mẩu xương heo nằm trong phổi nam bệnh nhân suốt một năm
Theo đó, bệnh nhân là ông Huỳnh Ngọc Diễm (45 tuổi, trú huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), hiện sức khỏe đã ổn định.
Tỉnh dậy sau khi phẫu thuật, ông Diễm cho hay suốt một năm qua, ông luôn ở trong trạng thái khó thở, tức ngực kéo dài. Dù ông đã đi khám ở nhiều bệnh viện nhưng không phát hiện ra nguyên nhân. Gần đây, do ông cảm thấy sức khỏe của mình ngày càng kém nên quyết định đến BV Đà Nẵng điều trị.
Qua soi chụp, các bác sĩ BV Đà Nẵng phát hiện một dị vật ở thùy đáy phổi trái, vị trí rất sâu dưới phổi, rất khó xử lý và hiếm gặp. Do bị mắc trong phổi quá lâu, dị vật bị niêm mạc bao quanh nên khó phát hiện và không thể dùng ống soi mềm gắp dị vật.
Mẩu xương heo khi được gắp ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Ảnh: Pháp Luật TPHCM |
Trước trường hợp hi hữu này, BV Đà Nẵng đã tư vấn để ông Diễm vào TP.HCM điều trị. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình bệnh nhân khó khăn nên các bác sĩ đã quyết định hội chẩn, mổ mở khí quản đưa ống cứng vào để gắp mẩu xương ra khỏi phổi bệnh nhân. Khi được gắp ra, mẩu xương heo có kích thước 0,7x1cm.
Lý giải về nguyên nhân hóc xương heo, ông Diễm cho biết năm ngoái ông có đi ăn bún xương heo và bị sặc trong lúc nói chuyện với bạn. “Khi đó tui chỉ thấy cọng bún bắn ra, còn cục xương thì không rõ chui vô bụng thế nào”- ông chia sẻ.
13 công nhân cấp cứu do ngộ độc khí amoniac
Ngày 17/7, Bệnh viện Hoàn Mỹ Vạn Phúc 1 (Bình Dương) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận 13 nữ công nhân vào cấp cứu do bị ngộ độc khí amoniac (NH3) từ 1 cơ sở chế biến nước đá cách công ty khoảng 200 – 300m.
Theo thông tin ban đầu, cơ sở sản xuất nước đá có thể tích bể chứa khí NH3 bị rò rỉ khoảng 1,5 m. Amoniac sau khi rò rỉ đã lan vào khu vực nhà xưởng của Công ty TNHH Recious Garments Việt Nam gần đó khiến ít nhất 15 công nhân bị ngộ độc. 2 người trong số này được chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.
Các nạn nhân được đưa vào cấp cứu trong tình trạng ngất, khó thở, chóng mặt, nôn ói... Sau khi điều trị, tình trạng bệnh nhân đã ổn định. Họ bị ngộ độc khí amoniac (NH3) từ cơ sở chế biến nước đá gần xưởng may.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Hoàn Mỹ Vạn Phúc 1, cho biết NH3 là loại khí có độc tính mạnh và lan tỏa nhanh, hậu quả gây ra trên bệnh nhân ở nhiều mức độ khác nhau.
Các bệnh nhân hiện hồi phục sức khỏe. Ảnh: VnExpress |
Amoniac được sử dụng phổ biến trong nông nghiệp, công nghiệp nên người dân vẫn thường xuyên ở gần hoặc tiếp xúc với loại khí này mà không hay biết. Mức độ nguy hiểm cho cơ thể con người tùy thuộc vào đường tiếp xúc, liều lượng và thời gian. Ở nồng độ thấp, có thể dễ dàng nhận ra mùi của khí NH3 nhưng không gây độc cho cơ thể, trừ các trường hợp tiếp xúc thường xuyên và kéo dài.
Với nồng độ cao hơn, nhất là khi hít phải, NH3 có thể ngay lập tức gây ra ho, đau ngứa mũi họng, phỏng da, niêm mạc hầu họng và đường tiêu hóa, mù mắt và tổn thương trên phổi. Các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể nhanh chóng rơi vào hôn mê và tử vong.
Trường hợp bệnh nhân nuốt phải NH3, cần cho súc miệng nhiều lần bằng nước sạch và uống 1-2 ly sữa để trung hòa dung dịch này trong dạ dày. Không sử dụng bất cứ loại nước có gas nào hoặc các loại dầu vì có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng. Sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế.
Kiều Trang (T/h)