Mẹ phát hiện con bị ung thư nhờ một bức ảnh
Theo trang Mirror, khi nhìn vào ảnh chụp con trai Cillian, chị Leonnie Ord (thị trấn Hebburn, Anh) phát hiện quầng sáng màu trắng trong đồng tử của cậu bé. Sau khi trải qua một số xét nghiệm, bé trai 1 tuổi được chẩn đoán mắc u nguyên bào võng mạc.
Được biết, lần đầu tiên chị Leonnie nhận thấy sự bất thường ở mắt con trai là vào tháng 8/2021 nhưng chỉ nghĩ do sự phản chiếu của ánh sáng. Mãi đến tháng 10/2021, khi thấy mắt con trai lóe sáng như mắt mèo trong hình chụp, chị mới đưa con đến bệnh viện thăm khám.
Người mẹ đưa con đi khám vì thấy điều bất thường trong mắt cậu bé, cuối cùng nhận tin con bị ung thư. Ảnh minh họa
Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, bác sĩ nhi khoa cho biết Cillian đã mất thị lực ở mắt trái. 2 ngày sau đó, gia đình đưa bé đi khám ở Bệnh viện Nhi Birmingham và nhận tin cậu bị u nguyên bào võng mạc. Cillian hiện đang được các bác sĩ thực hiện hóa trị.
“Bức ảnh tươi cười hạnh phúc của con tôi ẩn chứa một bí mật có thể gây chết người. Nếu bạn thấy bất cứ điều gì khác lạ trong mắt của con, bạn cần phải kiểm tra. Mọi thay đổi ở mắt không chắc là ung thư nhưng nếu chúng tôi phát hiện và đưa Cillian đi kiểm tra sớm hơn thì mắt trái của con vẫn ổn”, chị Leonnie chia sẻ.
Bệnh nhân nguy kịch vì viêm tụy cấp
Theo Pháp Luật Việt Nam, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận điều trị nam bệnh nhân nhập viện cấp cứu với chẩn đoán viêm tụy cấp. 2 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân T. (SN 1982, trú tại Thanh Ba, Phú Thọ) cảm thấy đau bụng, buồn nôn, đau ngày càng tăng lên.
Người nhà đưa bệnh nhân đến khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng bụng chướng căng, buồn nôn, nôn dịch dạ dày xanh bẩn, khó thở nhẹ, tiểu tiện ít.
Tại đây, các bác sĩ siêu âm bụng thấy tụy phù nề nhẹ, CTscaner cho kết quả viêm tụy cấp phù nề grade E theo Balthazar, Triglyceride máu: 54.0 mmol/l, Amylase: 800 U/L. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm tụy cấp, tăng Triglyceride mức độ nặng.
Bệnh nhân lập tức được điều trị nội khoa tích cực. Các bác sĩ tiến hành đặt catherter bù dịch, dùng kháng sinh. Sau khi điều trị nội khoa, tình trạng bệnh nhân cải thiện chậm, bụng còn chướng căng, các bác sĩ đã tiến hành thay huyết tương.
Bệnh nhân đáp ứng tốt sau thay huyết tương lần đầu, xét nghiệm Triglyceride máu bệnh nhân từ lúc 54 mmol/l sau thay huyết tương xuống còn 9.0mmol/l, Amylaza máu 130 U/L. 2 ngày điều trị tiếp theo, sức khỏe bệnh nhân chuyển biến tích cực, không còn đau bụng, không nôn, không sốt tiểu tiện bình thường, Triglyceride máu giảm còn 5.2 mmol/l. Tình hình sức khỏe của bệnh nhân hiện ổn định hoàn toàn, dự kiến ra viện trong vài ngày tới.
Cấp cứu bệnh nhân bị lóc tách động mạch chủ Stanford B phức tạp
Tiền Phong đưa tin, Đơn vị Can thiệp Tim mạch – Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa can thiệp cấp cứu thành công cho bệnh nhân bị lóc tách động mạch chủ Stanford B phức tạp.
Cụ thể, bệnh nhân N.V.T (SN 1973, trú tại Sông Lô, Việt Trì, Phú Thọ) có chẩn đoán bệnh tăng huyết áp nhưng không điều trị và khám bệnh định kỳ. Cách ngày nhập viện 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện đau bụng kèm rối loạn tiêu hóa.
Qua thăm khám, thực hiện các chỉ định cận lâm sàng trợ giúp chẩn đoán, các bác sĩ đã loại trừ bệnh lý tiêu hóa và phát hiện ra nguyên nhân đau bụng là do lóc tách động mạch chủ, gây thiếu máu các tạng trong ổ bụng.
Bệnh nhân hồi phục tốt sau ca phẫu thuật. Ảnh: Tiền Phong
Cuộc hội chẩn liên chuyên khoa tiêu hóa, tim mạch diễn ra ngay lập tức. Các bác sĩ thuộc chuyên khoa tim mạch can thiệp nhận định đây là tình trạng cấp cứu, cần phải can thiệp gấp. Sau khi được bác sĩ giải thích tình trạng bệnh và phương án xử trí, gia đình người bệnh đã lựa chọn phương án can thiệp động mạch chủ qua da.
Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển lên phòng can thiệp, ekip can thiệp cấp cứu cho người bệnh. Bệnh nhân phục hồi tốt sau khi được can thiệp. Sau can thiệp 1 tuần, sức khỏe của người bệnh hoàn toàn ổn định và được ra viện.
Đinh Kim (T/h)