Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 16/4: Người đàn ông đối mặt chứng ngừng thở khi ngủ sau mắc COVID-19

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 16/4/2022. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 16/4/2022 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Người đàn ông đối mặt chứng ngừng thở khi ngủ sau mắc COVID-19

Ngày 15/4, VietNamNet đưa tin về trường hợp của anh N.X.A (41 tuổi, ở Hà Nội). Theo đó, cách đây 3 tuần, gia đình bệnh nhân mắc COVID-19 nên đã mua máy đo SpO2 để theo dõi tại nhà. Bệnh nhân được phát hiện thường xuyên có những cơn tụt oxy máu xuống rất thấp khi ngủ, người nhà quan sát thấy có khi chỉ số chỉ còn dưới 70%.

Người đàn ông mắc chứng ngừng thở khi ngủ mức độ nặng sau mắc COVID-19. Ảnh minh họa

Lo lắng có di chứng tim, phổi do COVID-19, bệnh nhân đã đến Trung tâm hô hấp. Các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có các triệu chứng như ngủ ngáy, đau đầu, buồn ngủ ban ngày, mất tập trung công việc từ rất lâu nhưng chưa được phát hiện và chẩn đoán bệnh.

Sau đó, bệnh nhân được đo đa kí giấc ngủ. Kết quả cho thấy bệnh nhân mắc chứng ngừng thở khi ngủ mức độ nặng, cơn ngừng thở dài nhất kéo dài 70 giây và SpO2 thấp nhất là gần 50%. Người bệnh lập tức được tư vấn điều trị bằng phương pháp thở máy CPAP. Bước đầu cho thấy đáp ứng tốt, bệnh nhân đỡ buồn ngủ, tỉnh táo trong ngày hôm sau.

Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cho biết ngừng thở khi ngủ (OSA) là một bệnh lí thường gặp hiện nay nhưng lại ít được biết đến và quan tâm trong cộng đồng mặc dù có thể có các biến chứng rất nặng nề, thậm chí tử vong. Nếu phát hiện các triệu chứng lâm sàng nghi ngờ ngừng thở khi ngủ như ngủ ngáy, buồn ngủ ban ngày, đau đầu sau khi thức dậy, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Thực hiện vi phẫu hồi sinh cánh tay trái cho nam thanh niên

Công An Nhân Dân thông tin, bệnh nhân Q.P.T (25 tuổi, ngụ tại TP.HCM) bị ngã xe máy do tai nạn giao thông, gây rách, đứt, tổn thương các dây thần kinh đám rối bên trong cánh tay trái.

Mặc dù đã chữa trị ở nhiều nơi nhưng tay trái của bệnh nhân vẫn mất cảm giác vận động, rơi vào tình trạng yếu liệt chi, hơn 3 tháng qua không thể cử động được. Mọi sinh hoạt trở nên khó khăn, bệnh nhân quyết định đến bệnh viện 30-4 thăm khám và điều trị.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Công An Nhân Dân

Kết quả kiểm tra cho thấy bệnh nhân mất vận động dang duỗi vai trái, mất vận động gấp duỗi khuỷu trái và còn vận động gấp duỗi các ngón tay trái. Trong khi đó, kết quả chụp MRI ghi nhận tổn thương đứt, nhổ rễ C5,C6,C7 đám rối thần kinh cánh tay trái.

Ngày 15/4, bệnh nhân được ekip các bác sĩ phẫu thuật bằng kỹ thuật hiện đại, đó là kỹ thuật phẫu thuật vi phẫu. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ, bệnh nhân được thực hiện kỹ thuật chuyển bó thần kinh giữa và thần kinh trụ, thần kinh cơ bì cho cánh tay để vận động lại gấp khuỷu, đồng thời chuyển thần kinh trên vai để giúp người bệnh có thể phục hồi lại 60-70% chức năng của cánh tay.

Nhờ được trang bị hệ thống kính hiển vi vi phẫu tiên tiến nhất, các bác sĩ có thể phóng rõ những mạch máu mà mắt thường không nhìn thấy được. Việc chắp nối các dây thần kinh, bó sợi thần kinh phức tạp, là những thao tác cực khó đã được ekip các bác sĩ phối hợp khéo léo.

Cứu sống thai phụ bị vỡ tử cung

Chiều ngày 15/4, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết đơn vị này vừa cứu sống thai phụ N.T.T.L. (33 tuổi, trú tại huyện Thanh Ba, Phú Thọ). Theo Phụ Nữ Việt Nam, thai phụ được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đau hạ vị, đi tiểu buốt, tiền sử mổ đẻ 3 lần, thai 19 tuần.

Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ khoa Sản bệnh A4 đã kiểm tra và đưa ra chẩn đoán thai phụ rau tiền đạo cài răng lược ở vị trí sẹo mổ đẻ cũ, nguy cơ vỡ tử cung. Nhận thấy các nguy cơ có thể xảy ra với sản phụ và thai nhi, các bác sĩ đã tư vấn cặn kẽ nhưng gia đình thai phụ vẫn tha thiết mong muốn theo dõi và giữ thai.

Thai phụ được xuất viện sau 5 ngày điều trị. Ảnh: Phụ Nữ Việt Nam

Tuy nhiên, trong chưa đầy 24 tiếng, tình hình thai phụ chuyển xấu nhanh. Các bác sĩ lập tức mổ cấp cứu xử trí theo tổn thương. Sau khi thăm khám nhanh, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị vỡ tử cung tại vị trí rau cài răng lược.

Ca phẫu thuật được thực hiện thành công sau hơn 2 tiếng. Thai phụ được xuất viện về nhà sau 5 ngày điều trị. Nhân trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo các sản phụ có vết mổ đẻ hoặc mổ u tử cung trước đó nên được quản lý thai chặt chẽ, chẩn đoán sớm các bệnh lý liên quan đến sẹo mổ đẻ cũ như chửa vết mổ, rau tiền đạo... để xử trí kịp thời.

Nếu thai kỳ có diễn biến bất thường như đau bụng, ra máu âm đạo, tiểu buốt, tiểu máu... thì cần được bác sĩ chuyên khoa khám tìm căn nguyên và điều trị sớm theo từng nguyên nhân gây bệnh.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật