Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 16/9/2020: Người đàn ông bị suy thận do bị ong vò vẽ đốt hơn 40 nốt

(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 16/9/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 16/9/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tin tức đời sống mới nhất ngày 16/9/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 16/9/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Người đàn ông bị sưng nề, suy thận do bị ong vò vẽ đốt hơn 40 nốt

Hình minh họa.

Mới đây, bệnh nhân Nguyễn Đức Q. (40 tuổi) ở Phù Ninh, Phú Thọ bị ong vò vẽ đốt hơn 40 nốt vào khắp vùng đầu, mặt, cổ, gáy, lưng. Người bệnh được đưa vào khoa Cấp cứu - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng tỉnh, sưng nề, đau nhiều vị trí các vết đốt, đi tiểu ra máu.

Theo kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh có tình trạng: suy thận (Ure 21 mmol/l; cremin 212 µmol/l), tiêu cơ vân (CK 30.000 UI/l), tình trạng tan máu (Bilirubin toàn phần 112 mmol/l, bilirubin gián tiếp 74 mmol/l), hồng cầu niệu 200. Qua quá trình điều trị tích cực, bù dịch, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, truyền dịch, lợi tiểu cưỡng bức, corticoid, kháng histamin, lọc máu 5 lần.

Sau 10 ngày điều trị, tình trạng người bệnh đã tiến triển tốt, đã được ra viện, song vẫn cần duy trì thuốc lợi tiểu và theo dõi tình trạng suy thận cấp, hẹn khám định kì.

Ths.Bs Hà Thị Bích Vân - Trưởng Khoa Cấp Cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết trên báo Pháp luật Việt Nam, nọc ong có nhiều độc tố, gây ra nhiều biến chứng khác nhau tùy mức độ, nhẹ thì đau, buốt, sưng nề ở vị trí đốt, nặng thì gây ra tình trạng dị ứng, phản vệ, khó thở, huyết áp tụt, tan máu, rối loạn ý thức, suy thận, suy đa tạng, thậm chí tử vong.

Theo đó, người dân tuyệt đối không chọc phá tổ ong, thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà tránh ong làm tổ. Khi đi vào rừng, đi dã ngoại không nên mặc quần áo màu sặc sỡ và quá rộng, không đi chân đất, không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm có mùi thơm và ngọt sẽ thu hút ong. Khi thấy ong không chạy, phải đứng hoặc ngồi im. Khi phải tiếp xúc với ong nên mang đủ trang bị phòng tránh như quần áo dày, mũ trùm đầu, kính... để đề phòng bị ong đốt.

Khi bị ong đốt, người bị nạn phải hết sức bình tĩnh và nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong.

Nhanh chóng sơ cứu ban đầu bằng một trong những cách sau, lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra; rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm, uống nhiều nước để loại thải các độc tố; chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng; sau đó phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.

Bé sơ sinh bị bỏ rơi ven đường được xuất viện

Bé Nguyễn Bình An trong ngày xuất viện. (Ảnh Zing)

Chiều 15/9, bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) tổ chức xuất viện cho bé Nguyễn Bình An. Sau khi hồi phục, bé được đón về Trung tâm Bảo trợ Xã hội thuộc sở Lao động Thương binh Xã hội.

Trước đó, ngày 4/7, bé sơ sinh được nhóm thiện nguyện đưa đến bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn trong tình trạng nguy kịch. Bé bị bỏ ở cạnh thùng rác cách bệnh viện Xanh Pôn khoảng 4km. Lúc này, bé khoảng 31 tuần thai kỳ và được nhóm thiện nguyện đặt tên là Nguyễn Bình An.

Bác sĩ Thái Bằng Giang, Trưởng khoa Nhi sơ sinh, cho biết trên Zing: "Thời điểm đó, bé mới chào đời 30 phút, nặng 1,6kg, đã ngừng tim, thở hoàn toàn, tím tái, thân nhiệt 34,8 độ C".

Các bác sĩ lập tức đặt nội khí quản giúp thở máy xâm nhập, đồng thời bơm thuốc hỗ trợ vào phổi cho bé. Ngoài ra, Bình An được theo dõi huyết áp, nuôi dưỡng tĩnh mạch và điều trị kháng sinh cùng nhiều loại thuốc khác.

Sau 4 giờ, bé chuyển biến xấu, tụt huyết áp, mạch khó bắt. Các bác sĩ buộc phải sử dụng máy thở cao tần. Đây là loại máy thở hiện đại nhất hiện nay. May mắn, sau 5 ngày, bé Bình An đáp ứng tốt và qua cơn nguy kịch.

Theo bác sĩ Giang, hiện tại, bé hoàn toàn tỉnh táo, có thể tự thở, ăn sữa qua bình và đủ tiêu chuẩn xuất viện.

"Quãng thời gian khó khăn đã qua, tình trạng sức khỏe của bé tốt, không có nguy cơ đáng kể. Tuy nhiên, nuôi trẻ sơ sinh không dễ dàng. Tôi rất mong trung tâm sẽ bố trí người chăm sóc và nuôi dưỡng để bé phát triển tốt", bác sĩ Giang chia sẻ.

Chăm sóc bé trong gần 2 tháng tại bệnh viện, điều dưỡng Ngô Thị Loan không khỏi xúc động trong ngày Bình An xuất viện.

"Sinh ra trong hoàn cảnh như vậy, thời gian sắp tới, cháu sẽ gặp nhiều khó khăn. Dẫu vậy, tôi mong cháu cố gắng vượt qua thiệt thòi để trở thành người có ích cho xã hội", điều dưỡng Loan chia sẻ.

Bác sĩ Giang cho biết các trường hợp tương tự rất khó có khả năng sống sót. Tuy nhiên, bé Nguyễn Bình An đã vượt qua cơn nguy kịch và hồi phục tốt.

Theo đại diện Trung tâm Bảo trợ Trẻ em, khi nhận được thông tin, đơn vị này đã lên phương án và chuẩn bị những điều tốt nhất để chăm sóc cho bé.

Bé trai 6 tuổi bị mảnh gỗ đâm vào mắt

Các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) đã tiếp nhận bệnh nhi T.H.H. (6 tuổi, trú tại thôn Gò Kiêu, xã Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) bị mảnh gỗ đâm vào mắt.

Gia đình bệnh nhi cho biết bé H. vô tình gặp tai nạn ở mắt phải khi đang đùa nghịch. Mắt bệnh nhi đau nhức nhiều, chảy máu. Sau khi phát hiện, gia đình nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế cấp cứu.

Bệnh nhi vào viện trong tình trạng hoảng loạn, kích thích, đau nhiều mắt phải, chảy máu. Mắt phải của trẻ còn nguyên mảnh gỗ đâm xuyên hốc mắt. Sau khi thăm khám, bé được chỉ định gây mê để lấy dị vật.

Sau 30 phút thực hiện các thủ thuật, các bác sĩ lấy được mảnh gỗ ra khỏi hốc mắt cho bệnh nhi. Dị vật dài 2 cm, rộng 0,5 cm, đầu nhọn, đâm vào hốc mắt nhưng may mắn lệch nhãn cầu. Sau đó, bé H. được điều trị và theo dõi tích cực tại khoa Ngoại tổng hợp. Qua 5 ngày điều trị, bệnh nhi đã bình phục, được cho ra viện.

Việt Hương (T/h)

Tin nổi bật