Đi khám vì hay đau bụng, người đàn ông phát hiện mắc bệnh hiếm gặp
VietNamNet dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân mắc bệnh lý hiếm gặp: Nhão cơ hoành.
Bệnh nhân là ông L.Đ.T. (48 tuổi, trú tại huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) vào viện khám vì thường xuyên đau bụng thượng vị, thỉnh thoảng khó thở. Kết quả chụp X-quang và cắt lớp vi tính cho thấy vòm hoành trái cao khiến các tạng di chuyển lên trên gây xẹp thụ động nhu mô phổi lân cận.
Theo bác sĩ CKII Phạm Việt Hùng - Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, bệnh nhân T. vào viện vô tình phát hiện bệnh lý hiếm gặp là nhão cơ hoành trái với biểu hiện thỉnh thoảng đau tức vùng mũi ức khi ăn do gập góc giữa dạ dày và thực quản, dạ dày bị đẩy quặt lên ngực trái.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị tối ưu nhất để xử trí bệnh triệt để tận gốc, các phương pháp khác chỉ làm giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh.
Bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh nhân sau mổ. Ảnh: VietNamNet
Sau một giờ phẫu thuật, vòm hoành mới được tạo hình chắc chắn, bệnh nhân được đặt dẫn lưu màng phổi hút liên tục áp lực thấp. Sau mổ 1 ngày, bệnh nhân tự tập thở tốt, rút dẫn lưu màng phổi, ăn uống vận động nhẹ nhàng và xuất viện sau 4 ngày điều trị.
Được biết, nhão cơ hoành là tình trạng phần cơ ngăn giữa khoang ngực - bụng bị khiếm khuyết, như một màng mỏng mất trương lực, không co giãn khiến cơ quan trong ổ bụng dễ dàng đẩy lên trên và chèn ép vào phổi gây khó thở.
Bác sĩ Hùng cho hay, đây bệnh lý hiếm gặp, khó phát hiện và dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác, do các triệu chứng không đặc trưng. Bệnh nhân thường được phát hiện tình cờ khi chụp X-quang phổi.
Để điều trị triệt để bệnh lý này, phẫu thuật nội soi tạo hình cơ hoành là phương pháp tối ưu, triệt để nhất, giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe và thể trạng, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Điều trị cho bé 9 tháng tuổi bị bệnh hiếm cơ tim phì đại
Theo báo Giáo Dục và Thời Đại, Bệnh viện Trung ương Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho biết cháu N.H.P.T. (9 tháng tuổi, ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) được phát hiện mắc bệnh Pompe từ lúc 2 tháng 20 ngày tuổi.
Tiền sử gia đình đã có 2 cháu trước đó mất lúc 4 tháng tuổi và 6 tháng tuổi cũng với chẩn đoán bệnh Pompe. Thời điểm phát hiện bệnh, bé khó thở, thở mệt, gắng sức nhẹ, nhiễm trùng đường hô hấp, creatinine kinase, Pro-BNP huyết thanh tăng cao,.
X-quang ngực có bóng tim lớn, siêu âm tim có hình ảnh thất trái dày đồng tâm, chức năng tâm thu thất trái giảm, xét nghiệm gene bị đột biến gen GAA trên nhiễm sắc thể số 17 phù hợp với bệnh Pompe, và đã được điều trị nội khoa suy tim và truyền Myozyme.
Ngày 7/9, cháu được nhập viện tại khoa Tim mạch - Khớp, Trung tâm Nhi - Bệnh viện Trung ương Huế để truyền Myozyme. Các xét nghiệm CK, Pro-BNP, Troponin - T huyết thanh cải thiện so với trước, thất trái còn dày nhưng chức năng thất trái tốt.
Sáng 11/9, bệnh nhân cải thiện cơ lực và các triệu chứng suy tim có cải thiện hơn trước nên bệnh nhân đã được cho ra viện.
Bệnh viện Trung ương Huế phát hiện, điều trị thành công cho một bệnh nhi mắc bệnh hiếm cơ tim phì đại. Ảnh: Giáo Dục và Thời Đại
“Tuy bệnh Pompe là bệnh hiếm nhưng từ năm 2020, Trung tâm Nhi - Bệnh viện Trung ương Huế đã phát hiện ra 6 bệnh nhân mắc bệnh, bệnh nhỏ tuổi nhất đã được chẩn đoán xác định bằng lâm sàng, enzyme GAA và đột biến gen lúc chỉ mới 10 ngày tuổi. Nếu bệnh Pompe được phát hiện và điều trị đặc hiệu sớm, điều trị thay thế suốt đời sẽ cải thiện được tiên lượng bệnh nhi”. TS.BS Nguyễn Thanh Xuân - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế nói.
Phẫu thuật ngay trong đêm cứu bé 7 tuổi bị gãy 2 xương cẳng tay
Theo Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất, đơn vị vừa tiếp nhận một bệnh nhi N.M N (7 tuổi, ở Tân Xã, Thạch Thất, Hà Nội) bị ngã do chơi đùa cùng các bạn. Sau tai nạn, bệnh nhi bị đau chói tại cẳng tay phải. Gia đình đưa cháu đến bệnh viện để kiểm tra.
Sau khi thăm khám và chụp X.quang, các bác sĩ cho biết bệnh nhi bị gãy kín 1/3 giữa hai xương cẳng tay phải. Tình trạng của bệnh nhi cần phải được phẫu thuật kết hợp xương sớm nhất để hạn chế các biến chứng có thể xảy ra.
Ngay trong đêm, các bác sĩ của khoa Ngoại đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho cháu, Giám đốc bệnh viện - bac sĩ CKII Vương Trung Kiên là người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật.
Đây là một kỹ thuật khó đòi hỏi sự chính xác cao và tỉ mỉ, với sự chuẩn bị chu đáo cùng kinh nghiệm nhiều năm trong phẫu thuật chấn thương của các bác sĩ ca phẫu thuật diễn ra rất thành công.
Cẳng tay của bệnh nhi sau phẫu thuật. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Ekip phẫu thuật cho biết, có rất nhiều bệnh nhi nhỏ tuổi đã được tiến hành kỹ thuật này tại phòng mổ của bệnh viện.Theo bác sĩ CKI Nguyễn Đức Thảo - Trưởng khoa Ngoại, đóng đinh kín trên màn tăng sáng là một trong những phương pháp phẫu thuật kỹ thuật cao đã triển khai thường quy tại khoa Ngoại của Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất.
Đây là phương pháp điều trị tốt nhất hiện nay trong điều trị gãy kín 2 xương cẳng tay. Ưu điểm của phương pháp này là nắn chỉnh ổ gãy một cách hoàn hảo mà không phải mở ổ gãy do các bác sĩ sử dụng màn tăng sáng để chụp, chiếu phim X-quang ngay trong mổ.
Do không mở ổ gãy nên đường mổ rất nhỏ, chỉ 1-2 cm, giúp hạn chế tổn thương phần mềm, sau mổ bệnh nhân đau ít, phục hồi chức năng sớm hơn các phương pháp khác như kết hợp xương bằng nẹp vít. Đặc biệt, đối với các bệnh nhân trẻ tuổi thì phương pháp này đảm bảo tính thẩm mỹ cao do đường mổ rất nhỏ.
XEM THÊM: Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid để điều trị bệnh đau mắt đỏ
Việc phẫu thuật sớm và đúng thời điểm là rất quan trọng vì đây là cánh tay đảm nhiệm nhiều chức năng cho bệnh nhi. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng sau này cho trẻ, theo thông tin trên báo Sức Khỏe & Đời Sống.
Hầu hết các bệnh nhân phẫu thuật kết hợp xương dưới màn hình tăng sáng điều trị và chăm sóc sau mổ rất nhanh hồi phục và được ra viện sớm chỉ sau 3 - 5 ngày nằm viện. Khi ra viện, các bệnh nhân sẽ được các bác sĩ và điều dưỡng hướng dẫn chăm sóc vết mổ, tập vận động sớm và hẹn tái khám đúng thời gian.
Đinh Kim (T/h)