Chọc hút hơn 1 lít dịch mủ trong màng phổi cứu bệnh nhân 81 tuổi
Tri Thức Trực Tuyến đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy vừa chọc hút hơn 1 lít dịch mủ để cứu người bệnh T.V.T. (81 tuổi, trú tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) bị tràn mủ màng phổi qua cơn nguy kịch.
Được biết, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, nhập viện với biểu hiện đau ngực dữ dội, sốt từng cơn. Trước đó, bệnh nhân từng bị sâu răng đã điều trị thuốc, đau ngực trái và lan dần ra phía sau lưng, cảm giác khó thở khoảng một tuần.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến
Tại khoa Nội hô hấp, các bác sĩ thăm khám, chụp CT scanner ngực và ghi nhận bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi trái gây xẹp phổi, xẹp đốt sống D12. Nhận định nguy cơ bệnh nhân bị tràn mủ màng phổi kèm dấu hiệu sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, các bác sĩ đã mở màng phổi dẫn lưu hơn 1.000ml dịch mủ có mùi hôi thối, sau đó bơm rửa ổ mủ.
Hàng ngày, bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh liều cao theo phác đồ và thở oxy. Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân thoát tình trạng sốc, các chỉ số sinh tồn ổn định, khoang màng phổi bớt dịch đục, tỉnh táo, tự thở, sức khỏe ngày càng cải thiện.
Ghép xương cho người phụ nữ 71 tuổi
Bác sĩ Bệnh viện Gia An 115 chia sẻ, khi đến bệnh viện khám, nữ bệnh nhân 71 tuổi phải ngồi xe lăn, đùi và đầu gối trái đau nhức, khớp gối cứng, chân ngắn, lệch trục xương đùi trái và không tự đi lại được. Cổ tay trái của người bệnh cũng cứng khớp, không cầm nắm được, tê tay.
Kết quả chụp chiếu cho thấy người bệnh có vết gãy cũ trên lồi cầu xương đùi trái, biến chứng khớp giả do không liền xương sau phẫu thuật. Tay trái gãy 2 xương cẳng tay, đã được phẫu thuật kết hợp xương nẹp vít nhưng thiếu xương, có nguy cơ không liền xương.
Các bác sĩ quyết định phẫu thuật kết hợp xương đùi một lần nữa, đồng thời lấy xương xốp lấy từ mào chậu ghép cho xương đùi và xương quay tay trái của người bệnh.
Xương của người bệnh liền tốt sau phẫu thuật ghép và kết hợp xương. Ảnh: VnExpress
VnExpress dẫn lời bác sĩ Võ Phước Minh, khoa Chấn thương chỉnh hình, Khoa Ngoại, Bệnh viện Gia An 115 cho hay, ghép xương xốp và kết hợp xương cố định là một lựa chọn trong điều trị chậm liền xương. Sau khi kết hợp xương, bác sĩ sẽ trám xương xốp vào các khe giữa hai đầu xương để giữ chắc và giúp sinh xương mới và kích thích liền xương.
Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định, hết vẹo đùi trái, 2 chân bằng nhau, được bác sĩ hướng dẫn tập vật lý trị liệu tại giường và tập đi lại với khung trợ giúp. Khi xuất viện, bệnh nhân không còn cứng khớp gối, tay đã có thể cầm nắm, giảm tê tay. Bác sĩ nhận định người bệnh có thể đi lại bình thường sau 3-6 tháng.
Phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư thận có chồi bướu xâm lấn vào tĩnh mạch
Theo báo Nhân Dân, sáng ngày 13/1, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) thông tin đến báo chí về trường hợp hiếm gặp trong điều trị ung thư. Cụ thể, nam bệnh nhân P.D.A (62 tuổi, Lâm Đồng) nhập viện trong bệnh cảnh đau tức vùng hông phải, tiểu nhiều máu cục.
Tại đây, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có khối bướu thận phải, kích thước lên đến 10cm x 10cm x 8cm (bằng một nắm tay người lớn). Kết quả sinh thiết dưới hướng dẫn siêu âm cho kết quả người bệnh bị ung thư biểu mô tế bào thận.
Bướu đã xâm lấn tĩnh mạch thận phải, xâm lấn màng bụng và bể thận gây thận ứ nước. Nguy hiểm nhất, chồi bướu đã đi vào tĩnh mạch chủ dưới, lan cao lên đoạn trên gan, nguy cơ đến tim gây tử vong.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Nhân Dân
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Ngọc Châu - Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, bác sĩ phẫu thuật chính cho bệnh nhân, các bác sĩ từng phẫu thuật cho những người bệnh có chồi bướu xâm lấn tĩnh mạch chủ dưới hoành, vùng cửa tĩnh mạch chủ nhưng trường hợp trên lại có nhiều thử thách hơn.
Đây là trường hợp đầu tiên cắt thận do ung thư, đồng thời mở tĩnh mạch chủ và tâm nhĩ phải lấy chồi bướu với sự hỗ trợ của hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể. Khi mở tĩnh mạch chủ lấy chồi bướu, phải kẹp tĩnh mạch chủ gần tim, nguy cơ giảm máu về tim, làm cung lượng tim giảm, gây suy tuần hoàn và có thể tử vong.
Sau 6 tiếng phẫu thuật căng thẳng, các bác sĩ đã lấy thành công chồi bướu xâm lấn vào tĩnh mạch chủ bụng đang tiến đến gần tim, đe dọa tính mạng người bệnh. Trong buổi tái khám cuối tháng 12/2022, bệnh nhân cho biết ông đã có thể vận động thoải mái, tham gia phụ một số việc nhẹ tại nhà.
Đinh Kim (T/h)