Tin tức đời sống mới nhất ngày 13/9/2018. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 13/9/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Hành trình chăm sóc con đơn độc của ông bố đơn thân
Tuấn và Phượng hẹn hò được 3 năm thì quyết định tiến tới hôn nhân. Trở ngại duy nhất chỉ là gia đình hai bên không muốn anh và Phượng kết hôn xa, nhưng trước tình yêu của hai người, họ cũng không phản đối.
Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ trải qua nhiều khó khăn về nơi ăn chốn ở, rồi cũng dần ổn định. Thế nhưng trong những tháng ngày Phượng mang thai con gái đầu lòng, nhiều rắc rối đã xảy đến.
“Phượng khi có bầu tới tháng thứ 5, cổ tử cung ngắn phải nhập viện. Sau đó không lâu, em lại nhập viện lần nữa vì thiếu ối, sau 4 ngày không ổn tôi đưa em sang Từ Dũ. Được một ngày đêm thì nước ối tăng trở lại và bác sĩ cho em xuất viện. Sau 1 tuần, Phượng đau bụng dữ dội, bác sĩ cho biết nước ối lại giảm và có dấu hiệu sinh”, Trình Tuấn nhớ lại quãng thời gian khó khăn.
Sau 2 ngày nằm chờ và hơn 10 tiếng truyền dịch để giục sinh, Ủn mới cất tiếng khóc chào đời, chỉ mới 8 tháng. Niềm vui vỡ òa với vợ chồng trẻ.
Một buổi sáng sau đó 10 ngày, Trình Tuấn phải tham gia sự kiện ở một tỉnh ven thành phố, để điện thoại ở chế độ im lặng. 20 cuộc gọi nhỡ, cho đến lúc biết vợ đang cấp cứu, Tuấn vẫn chưa hình dung rõ ràng về nỗi đau mà mình phải đối mặt. Phượng bị xuất huyết tử cung. Tuấn trở về ôm con vào lòng và thủ thỉ, như một cách để trấn an mình: "Ủn ngoan nhé, nhất định mẹ sẽ về với hai ba con mình!". Cuộc phẫu thuật được thực hiện, cô qua cơn nguy kịch. Rồi sau đó lại tiếp tục không ổn, cô ra đi.
Vượt qua nỗi đau mất vợ, anh Tuấn đơn độc bước vào hành trình làm mẹ, làm cha. Ảnh: Thanh Niên. |
Vừa làm cha chưa lâu, Tuấn giờ lại gánh thêm trách nhiệm làm mẹ. Anh bắt đầu học cách thay tã, vệ sinh, cho Ủn ăn… và một điều tốt đẹp nhất anh muốn dành cho con gái là nuôi con bằng sữa mẹ. Anh ngược xuôi mang túi đi xin sữa khắp nơi. Ủn được bú sữa của hơn 10 người mẹ không quen biết trong suốt hơn 2 năm trời và chưa một lần bỏ cữ. Thậm chí có những hôm Ủn hết sữa, anh dầm mưa chạy xe máy hơn 20 cây số từ Quận Tân Phú qua tận Quận 9 mang sữa về cho con kịp bữa.
Khi Ủn được 3 tháng tuổi, Tuấn từng bị stress với hàng loạt chuyện, như nhu cầu dinh dưỡng giảm sút đột ngột, không chịu bú, chơi tới sáng, tăng chỉ vài trăm gram… Anh loay hoay với hàng tá lời khuyên trên mạng, sau đó tìm đến bác sĩ cũng như quan sát con kỹ hơn. Với anh, khó khăn nhất chính là vượt qua sự sợ hãi của bản thân, tin vào chính mình, cũng như linh cảm và bản năng làm cha.
Từ câu chuyện của chính mình, Trình Tuấn lập ra “Ngân hàng sữa mẹ” trên mạng xã hội, hoạt động bằng cách đăng thông tin những bà mẹ thiếu và thừa sữa, rồi kết nối họ lại với nhau theo tiêu chí gần khu vực địa lý. Đồng thời, “ngân hàng” cũng hỗ trợ các thông tin lấy sữa, vận chuyển và bảo quản an toàn, vệ sinh. Từ một vài thành viên ban đầu, “Ngân hàng sữa mẹ” nhanh chóng thu hút hàng chục ngàn thành viên ở khắp các vùng miền trong nước. Trình Tuấn cũng là người xây dựng ứng dụng "Baby Me" giúp các bà mẹ theo dõi quá trình phát triển của con, tham khảo kiến thức chăm sóc và nuôi dạy con.
Chàng thanh niên sống chung với khối bướu 2kg suốt 25 năm
Sáng 12/9, đại diện bệnh viện Ung Bướu thành phố Đà Nẵng cho biết vừa phẫu thuật ca bệnh bướu giáp nặng hơn 2kg đè khí quản, thực quản nguy cơ gây tử vong cho bệnh nhân.
Anh N.V.L. (29 tuổi), ngụ thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, cho biết, lúc 4 tuổi khối u đã bắt đầu xuất hiện và ngày càng lớn dần. Anh từng đi nhiều bệnh viện nhưng không được can thiệp phẫu thuật.
Thời gian gần đây, khối u quá lớn, gây khó khăn trong việc sinh hoạt, ăn uống. Tuần trước, anh đến bệnh viện Ung Bướu thành phố Đà Nẵng khám và được các bác sĩ ghi nhận, xác định, đây là khối bướu khổng lồ ở tuyến giáp, chèn ép vào khí quản, thực quản và chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp.
Anh L. phải sống chung với khối u 2kg suốt 25 năm liền. |
Các bác sĩ cho biết, đây là ca phẫu thuật khó vì khối bướu rất lớn, tăng sinh mạch máu nhiều, có nguy cơ chảy máu cao. Các phẫu thuật viên đã huy động các hệ thống cầm máu hiện đại như dao siêu âm, dụng cụ cắt mạch máu để giúp ca mổ hầu như không chảy máu, rút ngắn thời gian mổ, đảm bảo điều kiện phục hồi tốt cho bệnh nhân.
Ca phẫu thuật kéo dài 6 giờ đồng hồ. Khối u nặng khoảng 2kg đã được bóc tách thành công, bảo tồn được các mạch máu, dây thần kinh vùng cổ và đặc biệt tránh nguy cơ tử vong cho bệnh nhân khi khí quản và thực quản bị chèn ép.
Hiện, sức khỏe của anh L. đã ổn định.
Phải thay cả hàm răng vì hạt ổi mắc vào răng sâu
Trong một lần hy hữu, sau khi ăn ổi bị hạt dính vào răng, chị Đoàn Thị Nguyện (40 tuổi) đã tìm đến cơ sở nha khoa gần nhà để cải thiện. Thế nhưng mọi thứ không hề đơn giản như chị nghĩ.
“Trước đây tôi từng một lần chỉnh răng với nha sĩ trẻ tuổi khiến răng bị hỏng phải nhổ bỏ. Thế nên lần này tôi tìm đến nha sĩ lớn tuổi, họ quảng cáo đã có 20 năm kinh nghiệm nên tôi khá yên tâm. Vậy mà thay vì lấy hạt ổi ra, họ lại mài toàn bộ cùi răng rồi làm cho tôi nguyên một hàm răng giả” - Chị Nguyện nhớ lại.
Mắc hạt ổi vào lỗ răng sâu, chị Nguyệt phải thay cả hàm răng. |
Chiếc hàm giả mới không chỉ nặng nề, khiến chị gặp khó khăn khi ăn nhai, cả một hàm răng 28 chiếc khi đã bị mài mòn lúc nào cũng ê buốt vô cùng khó chịu.
Chị Nguyện thất vọng kể: “Lúc ấy tôi cứ phải đeo khẩu trang, đến cười cũng phải che miệng vì răng quá xấu, nói đến chuyện ăn nhai lại càng kinh khủng”.
Tiếp nhận trường hợp của chị Đoàn Thị Nguyện, BS.Chuyên khoa I Trần Chí Phát – chuyên gia phục hình răng sứ, nha khoa JW cho biết: “28 chiếc răng của chị Nguyên đã bị mài mòn, tổn thương men răng làm cho chị bị ê buốt và khó chịu nhiều ngày. Để cải thiện, bác sĩ đã tiến hành phục hình bằng biện pháp bọc răng sứ toàn hàm cho chị”.
Trước tiên, chị Nguyện được bác sĩ cho sử dụng răng tạm để ăn nhai, quá trình làm răng mất khoảng 5 ngày là hoàn thiện.
Cũng theo nhận định của chuyên gia, hiện nay một số cơ sở nha khoa kém chất lượng, bác sĩ không có đủ chuyên môn trình độ đã làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng đời sống của nhiều người khi đi làm răng.
Trường hợp của chị Nguyện là điển hình tiêu biểu, nếu điều trị đúng cách chỉ cần lấy dị vật ra ngoài và trám lỗ sâu là được. Việc mài răng và bọc răng sứ chỉ nên tiến hành trong các trường hợp răng bị sâu nhiều, răng sứt mẻ, răng nhiễm màu gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Bà mẹ bé nhỏ nhất thế giới qua đời ở tuổi 44
Cao chưa tới 72cm, phổi kém phát triển và giòn xương vì tình trạng di truyền hiếm gặp xương thủy tinh, nhưng chị Stacey Herald và chồng Wil (35 tuổi) vẫn bất chấp cảnh báo của bác sĩ để sinh hạ 3 người con là bé Kateri (11 tuổi), bé Makya (10 tuổi) và bé Malachi (8 tuổi).
Các bác sĩ đã đưa ra lời khuyên không nên mang thai vì thai có thể đè bẹp phổi và tim chị Stacey Herald nếu như phát triển quá lớn. Tuy nhiên trong vòng 3 năm, chị Stacey vẫn mạo hiểm hạ sinh 3 người con. Cả bé lớn Kateri và bé út Malachi sinh ra đều bị di truyền bệnh xương thủy tinh của mẹ.
Chị Stacey Herald và chồng hạnh phúc bên các con. |
Để chăm sóc con cái, một thiết bị đặc biệt được thiết kế giúp chị Stacey có thể tắm và thay tã lót cho các con ngay trên xe lăn của mình. Khi đứa trẻ thứ 2 ra đời, sức khỏe của chị Stacey bắt đầu yếu đi nhiều và để chăm sóc các con chị cần sự hỗ trợ đặc biệt từ ông xã của mình.
Mặc dù nuôi con vất vả hơn nhiều những phụ nữ bình thường nhưng chị Stacey luôn cảm thấy yêu thích việc được làm mẹ và chị luôn coi bản thân mình là một “phép lạ” và biết rằng những đứa trẻ của chị cũng sẽ là những “phép lạ”. Ở tuổi 44, chị đã ra đi mãi mãi nhưng nghị lực sống của chị chắc chắn sẽ trở thành nguồn động lực mạnh mẽ cho những người ở lại.
Thu Hằng (T/h)