Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 11/9/2020: Cứu nam thanh niên bị ho máu sét đánh thoát chết

(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 11/9/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 11/9/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tin tức đời sống mới nhất ngày 11/9/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 11/9/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Cứu nam thanh niên bị ho máu sét đánh thoát chết

Tình trạng anh P. hiện đã ổn định. (Ảnh: Tiền Phong)

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa cấp cứu, điều trị thành công một bệnh nhân ho máu sét đánh nguy kịch, gần như khó thoát khỏi cái chết. Bởi, đây là trường hợp ho ra máu rất nặng, do tình trạng tắc nghẽn đường thở cấp tính nên được y văn gọi là ho ra máu sét đánh.

Bệnh nhân nói trên là anh P.M.P. (30 tuổi, ngụ phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ).

Khoảng 1 tháng nay, anh P. có triệu chứng ho khan. Cơn ho kéo dài ngày một nhiều hơn. Cách thời điểm nhập viện tại địa phương 3 ngày, bệnh nhân đột ngột ho ra máu sét đánh, máu đỏ tươi lượng nhiều và được xử trí cấp cứu đặt nội khí quản, hồi sức tích cực.

Tình trạng ngày một nặng với chẩn đoán ho ra máu sét đánh lượng nhiều nguy ngập hô hấp gây suy hô hấp cấp, anh P. được chuyển đến bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ để tiếp tục điều trị.

Thời điểm nhập viện, anh P. bị hôn mê, da niêm nhợt, vã mồ hôi, mạch nhanh, ho ra máu lượng nhiều đỏ tươi kèm đỏ bầm, phổi rale ẩm hai bên, thở nhanh nông, co kéo cơ hô hấp phụ.

Qua thăm khám, các bác sĩ xác định tình trạng anh P. rất nặng nên đã lập tức thực hiện quy trình báo động đỏ nội viện, huy động liên chuyên khoa để cấp cứu cho bệnh nhân.

Chẩn đoán theo dõi lao phổi biến chứng ho ra máu sét đánh, suy hô hấp cấp, tràn khí màng phổi phải. Bệnh nhân được thực hiện dẫn lưu màng phổi cấp cứu.

Bên cạnh đó, các bác sĩ còn quyết định can thiệp xử lí chảy máu do vỡ động mạch bằng kỹ thuật nút tắc động mạch phế quản cầm máu BAE (bronchial artery embolization) dưới sự hướng dẫn của màn hình tăng sáng máy chụp mạch số xóa nền (DSA).

Sau 30 phút can thiệp, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc theo dõi và điều trị.

Hiện tại, anh P. đã tỉnh, sinh tồn ổn, hết ho ra máu và đang được hô hấp hỗ trợ.

Tiến sĩ Bác sĩ Cao Mỹ Thúy - Trưởng Khoa Nội hô hấp cho biết trên Tiền Phong, ho ra máu sét đánh là tình trạng bệnh diễn biến đột ngột, nhanh như sét đánh. Máu có thể ộc ra ồ ạt không cầm được và chảy đóng đông thành từng cục gây bít tắc đường thở, làm cho bệnh nhân suy hô hấp cấp chỉ trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, nó còn gây trụy tuần hoàn và có thể tử vong.

Điều quan trọng nhất trong xử trí ho máu rất nặng và ho máu sét đánh là phải giải phóng đường thở, nếu không bệnh nhân sẽ tử vong ngay lập tức.

Cứu sống bé trai bị sốt xuất huyết suy đa cơ quan

Bé trai 13 tuổi sốc sốt xuất huyết biến chứng suy đa cơ quan, dịch tràn đầy màng phổi, màng bụng, truyền hơn 2 lít máu và chế phẩm máu... (Ảnh: Công an TP.HCM)

Bé trai 13 tuổi, ở Trà Vinh, được chuyển viện đến bệnh Viện Nhi đồng Thành phố với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue nặng ngày thứ 4, tổn thương gan, suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa.

Sau khi nhập viện, bệnh nhi được điều trị tích cực chống sốc với sự hỗ trợ của các phương tiện hồi sức tích cực như: đo huyết áp động mạch xâm lấn, đo áp lực tĩnh mạch trung ương, hỗ trợ hô hấp thở áp lực dương liên tục...

Tuy nhiên, sau 1 ngày nhập viện, diễn tiến bé phức tạp, tái sốc 1 lần, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, xuất huyết tiêu hóa nặng, bé suy hô hấp nặng dần, sau đó được đặt nội khí quản thở máy xâm lấn kiểm soát áp lực.

BS. Ngô Hà Lệ Chi trong tua trực đã nhanh chóng kiểm soát tình trạng nguy kịch. Bệnh nhi được truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc tổng cộng hơn 2 lít để giải quyết tình trạng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa nặng, chọc dò dịch ổ bụng để giải áp tình trạng tăng áp lực ổ bụng do tràn dịch màng bụng lượng nhiều, truyền dịch chống sốc, truyền các chế phẩm máu theo mục tiêu.

Nhờ sức sống mãnh liệt cùng sự tận tình chăm chút hết mình của đội ngũ y bác sĩ, bé đã hồi phục kì diệu, tỉnh táo dần, chức năng gan hồi phục tốt, được cai máy thở.

BS. Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc cho biết trên báo Công an TP.HCM, đây là một trong những trường hợp rất nặng được các bác sĩ khoa Cấp Cứu và Hồi sức Tích Cực cứu sống thành công, do ca này thất thoát huyết tương nặng và kéo dài, thể hiện qua tràn dịch màng phổi và màng bụng rất nhanh, Albumin máu giảm rất thấp.

Tuy nhiên, bé được giúp thở đúng thời điểm, dẫn lưu ổ bụng có kiểm soát đảm bảo tưới máu ổ bụng và điều chỉnh tình trạng rối loạn đông máu kịp thời, nhờ vậy tránh được tình trạng sốc kéo dài dẫn đến suy đa cơ quan...

Các bác sĩ khuyến cáo, gần đây, số ca sốt xuất huyết tăng nhiều và dễ trở nặng được chuyển từ tuyến trước lên khá nhiều. Do đó, người dân không nên lơ là và phải luôn chủ động phòng chống bệnh, phải luôn để ý theo dõi những dấu hiệu cảnh báo khi con sốt. Rất nhiều người được chữa trị kịp thời nhưng cũng đã có những người không thể tỉnh lại...

Các bậc phụ huynh cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm để đưa con em mình đến bệnh viện kịp thời khi nghi ngờ sốt xuất huyết. Đó là, nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có các biểu hiện sau cần phải đưa đến cơ sở y tế thăm khám: quấy khóc, bứt rứt, lăn trở, khó chịu hoặc li bì; đau bụng; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen. Có bé có biểu hiện tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống… Nếu để sang ngày thứ 4, thứ 5 bé có thể rơi vào sốc sốt xuất huyết thì sẽ nguy hiểm.

Cụ bà 82 tuổi quê Bình Định vượt qua "tử thần" một cách ngoạn mục

Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM vừa cứu sống một cụ bà bị phỏng nặng, tiên lượng xấu. Bệnh nhân là bà T.T.T. (82 tuổi, ở Quy Nhơn-Bình Định), bị tai nạn trong một lần nấu ăn.

Cụ bà đã nhập viện điều trị tại Bệnh viện tỉnh Bình Định nhưng do mức độ phỏng quá nặng, bệnh nhân đã được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục chữa trị.

TS-BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình bệnh viện Chợ Rẫy cho biết trên báo Người lao động, vết phỏng được chẩn đoán 34% độ II, III (20% độ III), rải rác toàn thân. Với người già 82 tuổi bị phỏng 34% diện tích da là tiên lượng rất khó khăn, bởi theo chỉ số Baux, tuổi bệnh nhân + % diện tích phỏng > 100 thì tiên lượng sẽ rất xấu.

Song trải qua 42 ngày chiến đấu với tử thần với 5 lần phẫu thuật (gồm 2 lần mổ cắt bỏ hoại tử, 3 lần mổ ghép da), tập vật lý trị liệu cùng với ý chí tinh thần lạc quan, cụ bà đã phục hồi sức khỏe kỳ diệu và được xuất viện vào ngày 9/9.

Việt Hương (T/h)

Tin nổi bật