Người phụ nữ bị nứt não hiếm gặp, gần 30 năm mới phát hiện
Theo thông tin trên báo Người Lao Động, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho hay vừa mổ sọ cứu người phụ nữ trẻ bị nứt não hiếm gặp kéo dài gần 30 năm mới phát hiện. Bệnh nhân là chị T.N (28 tuổi), thường xuyên động kinh, co giật đột ngột trong nhiều năm.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, kết quả chụp MRI 3 Tesla (loại máy thế hệ mới nhất) cho thấy não chị N. có một khe nứt lớn kéo dài từ vỏ não đến não thất nằm bên bán cầu não phải.
Chị N. bị nứt não bẩm sinh từ nhỏ nhưng không biết, đến nay vết nứt mở rộng, gây động kinh, co giật nghiêm trọng. Nhiều năm qua, chị điều trị co giật, động kinh với liều thuốc cao nhất nhưng không có kết quả.
ThS.BS CKII Chu Tấn Sĩ thăm khám, kiểm tra quá trình hồi phục của bệnh nhân sau mổ não. Ảnh: Người Lao Động
Sau hội chẩn, các bác sĩ đã phẫu thuật giải áp nội sọ cho bệnh nhân. Một đường ống bằng chất liệu chuyên dụng được lắp vào khe nứt não dẫn dịch não tủy từ sọ não xuống ổ phúc mạc dưới bụng và hấp thu tại đó. Sau phẫu thuật, tình hình sức khỏe của chị N. ổn định, hồi phục tốt, dự kiến xuất viện sau 5 ngày.
ThS.BS CKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng Khoa Phẫu thuật Thần kinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM chia sẻ, nứt não là một dị tật bẩm sinh rất hiếm gặp với tỉ lệ khoảng 1/100.000 người.
"Đa số trường hợp dị tật nứt não nhỏ không làm gia tăng áp lực nội sọ đến mức phải can thiệp. Trường hợp của chị N. là đặc biệt, vết nứt não mở rộng, dịch não tủy tràn vào làm gia tăng áp lực nội sọ, chèn ép lên bề mặt vỏ não gây động kinh. Giải pháp tối ưu là phẫu thuật giải áp, sau đó tiếp tục theo dõi, điều trị bệnh động kinh", bác sĩ Sĩ nhấn mạnh.
Kích hoạt báo động đỏ cứu bệnh nhân bị bóc tách động chủ Type A cấp tính
Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ ThS.BS CKII Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, các y, bác sĩ vừa điều trị thành công cho một bệnh nhân người nước ngoài bị bóc tách động chủ Type A cấp tính.
Tối 25/10, kíp trực khoa Ngoại Lồng ngực Tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận thông tin từ một bệnh viện tại Đà Nẵng về trường hợp bệnh nhân Rafael Santana A. (quốc tịch Mỹ) nhập viện cùng ngày, được chẩn đoán bóc tách động mạch chủ ngực Type A.
Tiếp đó, cuộc hội chẩn trực tuyến đã được tổ chức khẩn trương để chẩn đoán, xác định và quyết định phương pháp điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhân. Kết quả, bệnh nhân bị phình bóc tách động mạch chủ ngực Type A, có chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Ngay trong đêm, bệnh nhân được chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huế để tiến hành phẫu thuật.
Trong thời gian bệnh nhân được vận chuyển ra Huế, Bệnh viện Trung ương Huế chuẩn bị đầy đủ máy móc, trang thiết bị, máu và các chế phẩm máu… sẵn sàng phẫu thuật cấp cứu. Đến 23h cùng ngày, bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu đa khoa Bệnh viện Trung ương Huế.
Bệnh nhân hiện đã được ra viện, tình trạng sức khỏe ổn định, phục hồi tốt. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Các bác sĩ cho hay, bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng nguy hiểm đến tính mạng, bao gồm đau ngực, hồi hộp vã mồ hôi, khó thở, huyết áp tụt. Lúc này, quy trình báo động đỏ được kích hoạt với hội chẩn đa chuyên khoa đưa ra phương án tối ưu nhất để cứu sống bệnh nhân.
Đến 1h ngày 26/10, bệnh nhân được chuyển vào phòng phẫu thuật. Kíp mổ được thực hiện bởi Th.BS Nguyễn Xuân Hùng - Phó trưởng Khoa Ngoại Lồng ngực Tim mạch, và BS CKII Đặng Thế Uyên - Trưởng khoa Gây mê hồi sức Tim mạch.
Sau khi thực hiện gây mê sâu, bác sĩ đã tiến hành mở ngực và tiếp cận động mạch chủ. Quá trình phẫu thuật gặp nhiều khó khăn, nhưng sự phối kết hợp chặt chẽ các chuyên ngành và trang thiết bị hiện đại, ca phẫu thuật thành công sau 5 giờ đồng hồ. Bệnh nhân đã được chuyển ra phòng hồi sức lúc 6h ngày 26/10.
Theo Bệnh viện Trung ương Huế, sau phẫu thuật, bệnh nhân có diễn biến hậu phẫu thuận lợi, không gặp phải biến chứng bất thường. Bệnh nhân tỉnh táo, huyết động ổn định và đã rút nội khí quản thành công lúc 15h ngày 26/10. Đến ngày 10/11, bệnh nhân được ra viện, tình trạng sức khỏe ổn định, phục hồi tốt.
Mỹ phê duyệt vaccine ngừa virus chikungunya lây truyền qua muỗi
Theo TTXVN, ngày 9/11, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt loại vaccine đầu tiên trên thế giới phòng ngừa virus chikungunya lây truyền qua muỗi. FDA xem loại virus này là “mối đe dọa mới nổi đối với sức khỏe toàn cầu”.
Vaccine do công ty công nghệ sinh học Valneva của châu Âu phát triển, sẽ ra mắt thị trường với tên gọi Ixchiq. FDA cho biết vaccine đã được phê duyệt sử dụng cho người từ 18 tuổi trở lên, nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm virus cao hơn. Việc FDA "bật đèn xanh" cho Ixchiq được kỳ vọng sẽ giúp tăng tốc triển khai vaccine ở những nước virus chikungunya lây lan phổ biến.
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ vừa phê duyệt loại vaccine đầu tiên trên thế giới phòng ngừa virus chikungunya lây truyền qua muỗi. Ảnh minh họa
Virus chikungunya gây sốt và đau khớp nghiêm trọng, phổ biến nhất ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới ở châu Phi, Đông Nam Á và một phần châu Mỹ. Tuy nhiên, theo FDA, virus chikungunya đã lan sang các khu vực địa lý mới khiến tỷ lệ nhiễm bệnh trên toàn cầu tăng. Trong 15 năm qua, thế giới đã ghi nhận 5 triệu trường hợp mắc bệnh này.
Quan chức cấp cao của FDA Peter Marks cho biết, việc nhiễm virus chikungunya có thể dẫn đến bệnh nặng và các vấn đề sức khỏe lâu dài, đặc biệt ở người lớn tuổi và người có bệnh lý nền.
Việc FDA phê duyệt vaccine này là bước tiến quan trọng trong việc phòng ngừa căn bệnh có nguy cơ gây suy nhược, trong bối cảnh các phương pháp điều trị còn hạn chế.
XEM THÊM: Người đầu tiên trên thế giới được thực hiện ca ghép toàn bộ mắt
Chỉ định đối với vaccine Ixchiq là tiêm 1 liều. Vaccine được phát triển theo phương pháp truyền thống, trong đó chứa virus chikungunya sống và làm yếu.
Vaccine đã được thử nghiệm lâm sàng hai lần ở Bắc Mỹ với sự tham gia của 3.500 người. Vaccine có tác dụng phụ như nhức đầu, mệt mỏi, đau cơ và khớp, sốt và buồn nôn. Tỷ lệ bị phản ứng phụ nghiêm trọng chiếm 1,6% trong số những người được tiêm Ixchiq.
Đinh Kim (T/h)