Thanh niên 22 tuổi co cứng chân tay, mất ý thức sau khi uống cà phê
Bác sĩ CKII Lê Hồng Hải – khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP.HCM) cho biết bệnh nhân H.V.M (22 tuổi) nhập viện trong tình trạng mất ý thức, gồng cứng toàn thân, mắt lờ đờ, tim đập nhanh, da không tái xanh, không có biểu hiện ảo giác và hoang tưởng, hạ thân nhiệt…
Các bác sĩ đã loại trừ đột quỵ và xác định bệnh nhân bị rối loạn tâm thần và hành vi do cơ thể tiêu thụ quá nhiều chất caffein. Điều này tác động đến hormone adrenaline khiến nhịp tim đập nhanh hơn, thậm chí thay đổi nhịp tim (rung tâm nhĩ) và người bệnh nhanh chóng rơi vào loạng choạng, hoa mắt…
Nam thanh niên co cứng tay chân, mất ý thức sau khi uống cà phê. Ảnh minh họa: Tri Thức Trực Tuyến
Bệnh nhân lập tức được truyền dịch, dùng thuốc an thần để giảm dần triệu chứng trong thời gian chờ cơ thể đào thải chất caffein. Sau 3 giờ nhập viện, bệnh nhân tỉnh táo khi hàm lượng caffein được loại khỏi cơ thể, theo báo Tin Tức.
Người bênh kể, anh làm công việc kinh doanh và có thói quen uống mỗi ngày khoảng 5 ly cà phê. Mỗi khi uống cà phê, anh vẫn làm việc, sinh hoạt bình thường, không bị mất ngủ hay hồi hộp. Lần này, sau khi gặp 3 khách hàng, anh uống 3 ly cà phê, rồi đi giao hàng. Đang chạy xe, tim anh đập nhanh liên tục, thở nhanh và sâu, các cơ tay chân cứng lại, mất ý thức.
Thay toàn bộ khớp hàng cho bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa tiếp nhận trường hợp ông E.L (nam, 51 tuổi, quốc tịch Pháp) nhập viện do tai nạn xe máy cách 1 tuần. Người bệnh đến khám trong tình trạng đau khớp háng, mất khả năng vận động, không tự di chuyển được và phải đến viện bằng xe lăn.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Phẫu thuật Chấn thương và Y học Thể thao, sau khi kiểm tra sơ bộ trên lâm sàng chẩn đoán người bệnh tổn thương vùng khớp háng. Người bệnh được tiến hành chụp chiếu và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng cần thiết, trên phim chụp thấy gãy cổ xương đùi bên phải.
Các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh đánh giá đây là loại gãy sát chỏm xương đùi, một vị trí khá đặc biệt do nguy cơ khó liền và dễ bị hoại tử chỏm. Đối với những trường hợp trên 50 tuổi có chấn thương gãy sát chỏm, tiên lượng liền xương rất khó khăn nên việc kết hợp xương bằng đinh hay nẹp vít không thật sự hiệu quả và kéo dài thời gian bất động của người bệnh.
Các bác sĩ đã trao đổi kỹ lưỡng với bệnh nhân và gia đình dựa trên nhận định về chuyên môn để đưa ra quyết định phẫu thuật thay toàn bộ khớp háng bằng kỹ thuật mổ ít xâm lấn, sử dụng loại khớp háng nhân tạo không xi măng, hai chuyển động với đường mổ nhỏ (5cm) giúp việc hậu phẫu nhẹ nhàng, giảm đau đớn cho người bệnh và bệnh nhân có thể ngồi dậy đi lại được chỉ một ngày sau phẫu thuật.
Ca phẫu thuật được thực hiện trong 20 phút. Bệnh nhân được chuyển về khoa điều trị hoàn toàn tỉnh táo, vết mổ khô, có thể ngồi dậy tập phục hồi chức năng sau khi rút giảm đau sau mổ ngoài màng cứng. Sau 2 tuần phẫu thuật, bệnh nhân đến bệnh viện để khám lại. Người bệnh phục hồi tốt, tự đi lại dễ dàng không cần nạng hay khung trợ đỡ và được hướng dẫn tiếp tục tập phục hồi chức năng.
Lên cơn vật vã, có dấu hiệu sợ nước, sợ gió sau 2 tháng bị chó cắn
Theo VnExpress, nam bệnh nhân 45 tuổi lên cơn vật vã, có dấu hiệu sợ gió, sợ nước sau 2 tháng bị chó cắn vào bàn tay. Sáng ngày 9/11, nằm điều trị tại Trung tâm Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được các bác sĩ tiêm thuốc an thần, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm (nước bọt, dịch não tủy, mảnh sinh thiết da gáy) gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để kiểm tra virus dại.
Người nhà cho biết quê ở Hà Nội, làm trang trại ở tỉnh Hưng Yên. Cách đây 2 tháng, khi thấy một con chó dồn đàn gà, người bệnh đánh đuổi và bị con vật cắn vào bàn tay, sau đó không tiêm phòng dại.
"Bệnh nhân có tiền sử chó cắn, thêm dấu hiệu điển hình sợ gió, sợ nước nên chúng tôi nhận định người này có thể bị bệnh dại", PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, chia sẻ.
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: VnExpress
Được biết, bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của con vật dại. Bệnh này có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine hay huyết thanh kháng dại. Tiêm huyết thanh là đưa một lượng kháng thể sẵn có vào cơ thể để trung hòa virus dại, còn vaccine nhằm củng cố miễn dịch lâu dài.
Biểu hiện của căn bệnh là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật. Bác sĩ khuyến cáo, bị chó mèo cắn, cào, liếm vào da tổn thương hoặc niêm mạc, cần rửa ngay vết thương bằng xà phòng, nước sạch và đến cơ sở tiêm phòng dại kịp thời, tuyệt đối không tự chữa trị tại nhà hoặc dùng thuốc nam sau khi bị chó mèo cắn.
Đinh Kim (T/h)