Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 27/4: Apple, Google, Facebook... đã đóng thuế hơn 5.000 tỷ đồng

  • Hoàng Yên
(DS&PL) -

Apple, Google, Facebook... đã đóng thuế hơn 5.000 tỷ đồng; Mạng xã hội Twitter nhận 53.000 kiến nghị pháp lý từ các chính phủ.... là những tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 27/4/2023.

Apple, Google, Facebook... đã đóng thuế hơn 5.000 tỷ đồng

Theo Tri thức trực tuyến, tại Hội nghị tập huấn triển khai công nghệ thông tin năm 2023, ứng dụng công nghệ mới trong quá trình chuyển đổi số ngành Thuế, ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) - cho biết đã có 49 nhà cung cấp nước ngoài từ nhiều quốc gia như Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.

Đến nay tổng số thu lũy kế đạt trên 5.000 tỷ đồng. Một số đơn vị có số nộp lớn như tiêu biểu như Apple, Google, Meta (Facebook)…

Trước đó vào tháng 3/2022, Cục Công nghệ thông tin đã xây dựng và đưa vào vận hành Cổng Thông tin điện dành cho nhà cung cấp nước ngoài nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tại bất cứ đâu trên thế giới đăng ký, kê khai, nộp thuế vào ngân sách Nhà nước đối với khoản thu nhập nhận được tại Việt Nam.

Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết từ ngày 1/7/2022, hệ thống hóa đơn điện tử đã được áp dụng cho 100% doanh nghiệp và hộ cá nhân kinh doanh trên cả nước. Ngành thuế qua đó tiếp nhận và xử lý trên 4 tỷ hóa đơn điện tử, bình quân 100 triệu hóa đơn/ngày.

Ngoài ra đã có 12.864 doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền. Cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý hơn 2,8 triệu hóa đơn.

Mạng xã hội Twitter nhận 53.000 kiến nghị pháp lý từ các chính phủ

Trong 6 tháng đầu năm 2022, trước khi tỷ phú Mỹ Elon Musk tiếp quản Twitter, mạng xã hội này đã yêu cầu người dùng gỡ xuống hơn 6,5 triệu bài đăng, tăng 29% so với giai đoạn 6 tháng trước đó.

Thông tin trên được Twitter công bố ngày 25/4, cùng ngày Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ siết chặt quy định đối với 19 công ty công nghệ - trong đó có công ty chủ quản Twitter, theo đó yêu cầu các công ty phải chia sẻ dữ liệu với các cơ quan quản lý, ngăn chặn thông tin sai lệch, thực hiện kiểm toán độc lập.

Theo Ủy ban châu Âu, các công ty vi phạm quy định mới của EU có thể phải nộp mức phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu hoặc bị cấm hoạt động tại EU.

Trước khi tỷ phú Elon Musk mua Twitter vào tháng 10/2022 và cắt giảm 80% số nhân viên, mỗi 6 tháng/lần, Twitter công bố trên trang Trung tâm Minh bạch của công ty các thông tin như số tài khoản bị khóa hay số kiến nghị yêu cầu dỡ bỏ nội dung từ các chính phủ.

Trong báo cáo mới nhất, Twitter cho biết công ty đã nhận được 53.000 kiến nghị pháp lý từ các chính phủ trong nửa đầu năm 2022, yêu cầu dỡ bỏ một số nội dung đăng trên nền tảng này. Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ là những quốc gia đệ trình nhiều kiến nghị nhất.

Công bố báo cáo minh bạch là một trong những yêu cầu theo quy tắc mới của EU về Internet.

Từ ngày 20/4, mạng xã hội Twitter đã bắt đầu gỡ bỏ hàng loạt "tích xanh" vốn được dùng như "bảo chứng tín nhiệm" cho các tài khoản trên nền tảng này.

OpenAI cập nhật chế độ ‘ẩn danh’ cho ChatGPT

Ngày 25/4, OpenAI cập nhật ChatGPT tính năng mới: không lưu lịch sử hội thoại người dùng hay sử dụng các dữ liệu này trong huấn luyện AI.

Ngoài ra, startup trụ sở San Francisco cho biết, họ có kế hoạch phát hành dịch vụ trả phí cho doanh nghiệp “ChatGPT Business” với các biện pháp kiểm soát dữ liệu bổ sung.

Động thái được đưa ra trong bối cảnh ChatGPT cùng các chatbot AI khác đang lọt vào tầm ngắm giám sát chặt chẽ về quản lý dữ liệu người dùng, vốn được sử dụng phần lớn để cải thiện hoặc huấn luyện những hệ thống này.

Tháng trước, Italy cấm ChatGPT do lo ngại về vi phạm quyền riêng tư, song nói rằng OpenAI có thể nối lại hoạt động nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, chẳng hạn như cung cấp cho người dùng những công cụ ngăn chặn việc dữ liệu của họ bị khai thác. Pháp và Tây Ban Nha cũng bắt đầu điều tra công nghệ này.

Mira Murati, giám đốc công nghệ OpenAI cho biết, công ty tuân thủ luật quyền riêng tư của châu Âu và đang phối hợp chặt chẽ với nhà chức trách để giải quyết ổn thoả sự việc.

Hoàng Yên (T/h)

Tin nổi bật