Ổ SSD giả ở Trung Quốc lừa được cả phần mềm kiểm tra của Samsung
Theo chuyên trang công nghệ Tom’s Hardware, dù có tuổi đời gần 3 năm, Samsung 980 Pro vẫn là lựa chọn SSD phổ biến với giá cả phải chăng hơn nhiều so với những thế hệ kế nhiệm của nó. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi đây cũng là một trong những ổ SSD bị làm giả nhiều nhất trên thị trường.
Mới đây, một người dùng đã chia sẻ trên diễn đàn Baidu Tieba về việc mình bị lừa mua phải một ổ SSD Samsung 980 Pro hàng nhái.
Đáng chú ý, sản phẩm này được làm giả rất tinh vi với nhãn dán Samsung 980 Pro 2TB chính hãng và có cả firmware được nạp sẵn. Thậm chí, ổ đĩa giả này còn đánh lừa được cả Samsung Magician, phần mềm kiểm tra ổ SSD chính hãng của Samsung.
Chỉ sau khi tháo bỏ phần nhãn dán bên ngoài, phần cứng bên trong mới lộ ra những điểm bất hợp lý khi pha trộn rất nhiều thương hiệu khác nhau.
Cụ thể, ổ SSD hàng nhái này sử dụng vi điều khiển SSD Maxio MAP1602A PCle 4.0, cùng loại với ổ SSD Acer Predator GM7, tiến trình 12nm của TSMC và không có DRAM. Bên cạnh đó, chip nhớ là loại TLC 3D 128 lớp của YMTC sản xuất.
Trong khi đó, Samsung 980 Pro phiên bản chính hãng sẽ sử dụng bộ điều khiển Elpis 8nm với thiết kế đi kèm DRAM. Ngoài ra, người dùng có kinh nghiệm sẽ biết rằng các ổ SSD của Samsung thường dùng vi điều khiển và chip NAND do chính hãng sản xuất.
Thiết kế của ổ Samsung 980 Pro hàng nhái. Ảnh: Baidu Tieba.
Scotland: Xóa TikTok khỏi thiết bị của cơ quan lập pháp
Sky News trích dẫn một thư điện tử cho biết các nghị sĩ và nhân viên trong cơ quan lập pháp Scotland đã được khuyến cáo mạnh mẽ về việc xóa ứng dụng TikTok, kể cả trong thiết bị cá nhân được sử dụng để truy cập các hệ thống công nghệ thông tin của cơ quan lập pháp Scotland.
New Zealand cũng tuyên bố cấm cài đặt TikTok trên các thiết bị có quyền truy cập vào mạng của cơ quan lập pháp nước này từ ngày 31/3 tới do những lo ngại về an ninh mạng. Giám đốc điều hành các dịch vụ của Quốc hội New Zealand, ông Rafael Gonzalez-Montero, cho biết, quyết định trên được đưa ra sau khi tham vấn các chuyên gia an ninh mạng cũng như sau các cuộc thảo luận trong nội bộ chính phủ và với các quốc gia khác.
Tốc độ Internet cố định Việt Nam tăng hạng trên toàn cầu
Theo báo cáo Speedtest Global Index tháng 2/2023 của Ookla, Việt Nam hiện xếp thứ 52 về tốc độ Internet di động, giảm 9 bậc so với tháng trước đó. Cụ thể, tốc độ băng rộng di động tải xuống (download) của Việt Nam tháng này đạt 42,67Mbps, trong khi tốc độ tải lên (upload) là 18,27Mbps.
Đối với Internet băng rộng cố định, Việt Nam tăng 6 bậc, xếp thứ 39 trên thế giới, bất chấp việc đang có nhiều vấn đề với hệ thống cáp quang biển.
Ghi nhận của Ookla cho thấy, tốc độ tải xuống trung bình của mạng băng rộng cố định tại Việt Nam là 91,6Mbps. Trong khi đó, tốc độ tải lên của mạng băng rộng cố định là 93,38Mbps.
Hoàng Yên (T/h)