TP.HCM thả khinh khí cầu mừng Quốc khánh 2/9
Khinh khí cầu sẽ được thả tại đường Nguyễn Thiện Thành, phường Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức vào ngày 2 và 3/9.
Nội dung được nêu từ công văn của UBND TP.HCM về việc tổ chức thả khinh khí cầu chào mừng lễ Quốc khánh 2/9.
Cụ thể, TP.HCM sẽ thả khinh khí cầu tại đường Nguyễn Thiện Thành (đoạn phía sau đình An Khánh, từ đường N12 đến nhà thờ Giáo xứ Thủ Thiêm), phường Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức.
Chương trình thả khinh khí cầu sẽ diễn ra vào ngày 2 và 3/9. Thời gian từ 6h - 9h và từ 16h30 - 18h30 mỗi ngày. Riêng thời gian 19h - 21h mỗi ngày là đêm hoa đăng khinh khí cầu. Tùy theo điều kiện thời tiết, thời gian tổ chức các hoạt động có thể tạm dừng hoặc điều chỉnh cho phù hợp.
UBND TP.HCM giao Sở Văn hóa và Thể thao chịu trách nhiệm toàn bộ công tác triển khai thực hiện thả khinh khí cầu từ nguồn vận động xã hội hóa.
Giao Công an TP có kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông. Có phương án đảm bảo an toàn cháy nổ tại các khu vực tổ chức hoạt động.
Chương trình thả khinh khí cầu sẽ diễn ra vào ngày 2 và 3/9. Thời gian từ 6h - 9h và từ 16h30 - 18h30 mỗi ngày. Ảnh: Tuổi trẻ
UBND TP.Thủ Đức có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tạo điều kiện cho các đơn vị liên quan thi công, dàn dựng và tổ chức các hoạt động. Có phương án hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy và phối hợp chốt chặn tại lối vào khu vực tổ chức hoạt động.
Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm cao ở khu đầu đường hầm sông Sài Gòn (phường Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức) và bắn pháo hoa tầm thấp tại công viên văn hóa Đầm Sen (phường 3, quận 11). Thời gian bắn pháo hoa từ 21h - 21h15 ngày 2/9.
Phú Yên liên tiếp xảy ra cháy rừng
Vụ cháy xảy ra vào lúc 11h ngày 29/8 tại khu vực rừng sản xuất của người dân thuộc xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
UBND thị xã Sông Cầu đã huy động lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, các lực lượng xung kích địa phương cùng với người dân tham gia dập lửa. Đến khoảng 23h ngày 29/8, vụ cháy cơ bản được khống chế, thiêu rụi 10 hécta rừng sản xuất.
Trước đó, vào 7h30 ngày 28/8 cũng đã xảy ra vụ cháy rừng sản xuất của người dân tại xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu.
Lực lượng chức năng địa phương với khoảng 120 người xuyên đêm tham gia dập lửa. Đến sáng 29/8, vụ cháy cơ bản được khống chế nhưng có hơn 36 hécta rừng sản xuất bị thiêu rụi.
Vụ cháy rừng xảy ra tại xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu. Ảnh: VOV
Hiện nay, tại tỉnh Phú Yên thời tiết nắng nóng, hanh khô kèm với gió Tây Nam thổi mạnh, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Đang là mùa thu hoạch rừng sản xuất nên người dân thường phát dọn, đốt thực bì.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên khuyến cáo người dân khi xử lý thực bì phải đảm bảo an toàn, không đốt thực bì trong những ngày nắng nóng. Các địa phương và chủ rừng chủ động triển khai giải pháp phòng cháy chữa cháy rừng.
XEM THÊM: Áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1 dịp 2/9
14 ca tử vong do sốt xuất huyết
Bộ Y tế cho biết, theo kết quả giám sát dịch bệnh truyền nhiễm và báo cáo của các địa phương, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng cao tại một số tỉnh, thành phố, đặc biệt là Hà Nội.
Theo báo cáo của các địa phương, tích lũy từ đầu năm đến 25/8, cả nước ghi nhận 66.386 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 14 bệnh nhân tử vong.
Những địa phương có ca tử vong do sốt xuất huyết gồm: Đồng Nai (4), Đắk Lắk (2), Phú Yên (2), Bình Phước (1), Bình Thuận (1), TP.HCM (1), Khánh Hòa (1), Kiên Giang (1), Long An (1).
So với cùng kỳ năm 2022 (với 172.567 ca mắc, 93 ca tử vong), số ca mắc giảm 61,5%, tử vong giảm 79 trường hợp.
Tuy nhiên, số ca mắc sốt xuất huyết 8 tháng đầu năm 2023 tập trung tại Hà Nội (5.190 ca mắc) và một số tỉnh khu vực miền Trung, miền Nam.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tất cả các trường hợp tử vong đều ghi nhận tại khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên, chưa có trường hợp tử vong ghi nhận tại khu vực miền Bắc.
Nhưng số mắc sốt xuất huyết ghi nhận tăng cao bắt đầu từ tháng 6 và tăng cao nhất trong 3 tuần gần đây. Số mắc sốt xuất huyết trong 8 tháng đầu năm 2023 tại khu vực miền Bắc tăng 125,2%, đặc biệt tại Hà Nội tăng 5,3 lần.
Tuýp virus sốt xuất huyết lưu hành năm 2023 chủ yếu là D1, D2 và không có sự khác biệt với các tuýp virus lưu hành những năm gần đây.
Người dân cần diệt bọ gậy tại nơi mình sinh sống để phòng bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: CAND
Dự báo thời gian tới, do đang vào cao điểm mùa mưa nên số ca mắc tiếp tục có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các địa phương.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương quan tâm, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.
Bộ Y tế cho biết, Cục Quản lý Dược đã cấp phép các hồ sơ đề nghị nhập khẩu dịch truyền Dextran (dùng trong điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng) chưa có giấy đăng ký lưu hành để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Việt Hương (T/h)