Để tăng tỷ lệ giao thông tĩnh, có thêm các điểm đỗ xe phục vụ nhu cầu cao của người dân, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội vừa kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT cho phép thành phố tiếp tục sử dụng lòng đường, vỉa hè, gầm cầu cạn để trông giữ phương tiện giao thông, đặc biệt là ô tô.
Lý giải về kiến nghị này, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết trên Tiền phong, hiện nay, phương tiện cá nhân trên địa bàn tăng nhanh, năm 2023, trên địa bàn thành phố có 6.000 ô tô mới được đăng ký, tốc độ tăng bình quân trên 5%, theo quy hoạch diện tích đất cho giao thông tĩnh thành phố phải đạt 4%/diện tích đất đô thị nhưng hiện nay mới đạt 0,6%.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng thông tin, trong quý I/2024, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 385 vụ tai nạn giao thông, làm chết 175 người và 313 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2023, tai nạn giao thông tăng 106 vụ (tăng 37,99%), tăng 16 người chết (tăng 10,06%), tăng 130 người bị thương (tăng 71,04%).
Trông xe tại gầm cầu tại Hà Nội. (Ảnh: Tiền phong)
Với tình trạng “xe dù, bến cóc,” “xe trá hình” được dư luận quan tâm, phản ánh, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng, vẫn có hiện diễn biến phức tạp. Cùng với các giải pháp tuần tra, xử lý của lực lượng chức năng, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Luật Đường bộ theo hướng phân biệt rõ giữa các loại hình vận tải, không để đơn vị vận tải và lái xe lợi dụng để “lách luật”; bổ sung loại hình vận tải mới đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, phù hợp với tình hình trật tự, an toàn giao thông, đảm bảo không thất thu thuế và quyền lợi hợp pháp của hành khách.
Hà Nội kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tham mưu Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý triệt để các hành vi vi phạm về sử dụng ôtô kinh doanh vận tải hành khách dừng, đỗ tại văn phòng đại diện để bốc xếp, hàng hóa; đơn vị có xe hoạt động tái vi phạm nhiều lần các quy định về hoạt động kinh doanh vận tải, các quy định khác, tổ chức, cá nhân vi phạm về trách nhiệm tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ như thu hồi giấy phép kinh doanh có thời hạn.
Theo văn bản của Sở Văn hóa và Thể thao gửi UBND TP.Thủ Đức, các Quận 8, 12, Bình Tân và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi về việc triển khai lấy ý kiến nhân dân đối với phương án đặt tên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh cho các tuyến đường trên địa bàn TP.HCM. Dự kiến các tuyến Quốc lộ sẽ được đặt theo tên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước như Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh, Phan Văn Khải...
Cụ thể, với Quốc lộ 1 có 3 đoạn được đề xuất đổi tên. Đoạn 1 từ nút giao Thủ Đức đến nút giao An Sương (TP.Thủ Đức, Quận 12) dài 21km dự kiến đặt tên Đỗ Mười (nguyên Tổng Bí thư); Đoạn 2 từ nút giao An Sương đến vòng xoay An Lạc (Quận 12, huyện Hóc Môn, quận Bình Tân), dài 14,2 km dự kiến đặt tên Lê Đức Anh (nguyên Chủ tịch nước); Đoạn 3 từ vòng xoay An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An (quận Bình Tân, huyện Bình Chánh), dài 9,4 km dự kiến đặt tên Lê Khả Phiêu (nguyên Tổng Bí thư).
Có bốn đoạn quốc lộ đi qua TP.HCM được lấy ý kiến người dân để đặt tên. (Ảnh: Báo Giao thông)
Quốc lộ 1K đoạn từ Quốc lộ 1 đến ranh tỉnh Bình Dương (TP Thủ Đức), chiều dài 1,8 km dự kiến đặt tên Hoàng Cầm (Thượng tướng, từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh).
Quốc lộ 22 có 2 đoạn được đề xuất đổi tên. Đoạn 1 từ Quốc lộ 1 đến cầu An Hạ (huyện Hóc Môn, Quận 12), dài 10 km dự kiến đặt tên Lê Quang Đạo (nguyên Chủ tịch Quốc hội). Đoạn 2 từ cầu An Hạ đến giáp ranh tỉnh Tây Ninh (huyện Củ Chi), dài 20 km dự kiến đặt tên Phan Văn Khải (nguyên Thủ tướng Chính phủ).
Quốc lộ 50, đoạn từ cầu Nhị Thiên Đường đến ranh tỉnh Long An (Quận 8, huyện Bình Chánh) dài 11km dự kiến đặt tên Văn Tiến Dũng (Đại tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng).
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang trong giai đoạn cao điểm nắng nóng gay gắt. Những ngày gần đây, cấp dự báo cháy rừng ở vùng đồng bằng của tỉnh luôn ở mức rất nguy hiểm, riêng huyện Nam Đông ở mức đặc biệt nguy hiểm.
Trước tình hình trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa ban hành chỉ thị về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.