Bộ Giao thông vận tải lý giải việc không đăng kiểm ô tô theo số km
Theo Dân trí, cử tri tỉnh Lâm Đồng vừa gửi đến Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kiến nghị về việc tính thời hạn đăng kiểm ô tô tại Việt Nam.
Cụ thể, cử tri đề nghị nghiên cứu, xem xét giãn chu kỳ đăng kiểm ô tô dài hơn, nhưng sẽ giới hạn theo số km, điều kiện nào đến trước thì phải đi đăng kiểm; trên giấy đăng kiểm sẽ ghi rõ thời gian và số km cho lần đăng kiểm tiếp theo. Tuy nhiên, con số cụ thể cho từng loại xe cần được các chuyên gia nghiên cứu, tính toán để phù hợp với các tiêu chí.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ GTVT cho biết chỉ số quãng đường xe đã chạy (km trên đồng hồ) chỉ là một trong rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc quyết định chu kỳ kiểm định. Do đó, Bộ GTVT cho rằng không thể quyết định việc kiểm định ô tô chỉ dựa trên chỉ số này.
Tham khảo quy định của nước ngoài, Bộ GTVT cho biết các nước trên thế giới đều quy định kiểm định xe theo chu kỳ thời gian. Theo Tổ chức Đăng kiểm ô tô quốc tế (CITA), nhiều quốc gia trên thế giới đều quy định thời hạn kiểm định của ô tô theo thời gian sử dụng với chu kỳ khác nhau phụ thuộc vào mục đích sử dụng (xe cá nhân, xe kinh doanh).
"Như vậy, việc quy định chu kỳ kiểm định xe cơ giới tham gia giao thông theo thời gian sử dụng như ở Việt Nam hiện nay được xây dựng trên cơ sở khoa học, thực tiễn quản lý và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế", Bộ GTVT kết luận.
Luật hiện hành quy định chu kỳ đăng kiểm ô tô theo thời gian. Ảnh: Dân trí
Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết chu kỳ kiểm định ô tô được thiết lập dựa trên các nghiên cứu và thông tin khoa học về tuổi thọ và an toàn của các linh kiện trên ô tô.
Quy định về chu kỳ kiểm định thường dựa trên các yếu tố gồm năm sản xuất của xe (để xác định mức độ lão hóa của linh kiện); tần suất sử dụng xe (khác biệt giữa xe kinh doanh vận tải và xe gia đình); môi trường hoạt động (nơi bụi bẩn hay khô ráo, sạch sẽ)...
"Dựa trên các yếu tố đó, quy định và hướng dẫn về chu kỳ kiểm định ô tô khác nhau sẽ được áp dụng trong các quốc gia và khu vực khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, điểm chung của các quy định này là đảm bảo an toàn và bảo vệ sức khỏe của người lái xe và người tham gia giao thông", Bộ GTVT kết luận.
Nắng nóng gây cháy hàng chục hécta rừng phòng hộ ven biển Thăng Bình
Theo CAND, khoảng 12h15 trưa 22/8, một khu vực RPH dọc tuyến đường Võ Chí Công qua địa phận các xã Bình Nam, Bình Sa, Bình Dương, Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) rộng hàng trăm mét vuông đã bị cháy lớn.
Do nắng nóng cộng với gió thổi mạnh và xa nguồn nước chữa cháy, trong khi cây trồng mọc trên đất cát nên công tác triển khai dập tắt đám cháy gặp rất nhiều khó khăn.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Quảng Nam đã được điều động đến hiện trường để tổ chức dập lửa, hạn chế cháy lan.
Vụ cháy rừng phòng hộ ven biển dọc tuyến đường Võ Chí Công vào trưa 22/8. Ảnh: CAND
Ngoài vụ cháy rừng này, ở phía đối diện bên kia đường Võ Chí Công, một khoảng RPH lớn cũng vừa bị cháy chưa lâu, cây lá đã chết khô. Dọc trên tuyến đường Võ Chí Công đoạn qua địa bàn các xã thuộc huyện Thăng Bình cũng xảy ra tình trạng cháy rừng tại nhiều vị trí khác nhau.
Từ đầu năm đến nay, hàng chục vụ cháy rừng đã xảy ra trên diện tích rừng trồng phòng hộ thuộc Dự án PACSA tại các xã vùng Đông của tỉnh Quảng Nam, gây thiệt hại hàng chục hécta rừng.
XEM THÊM: Đại gia Hà Nội sẵn sàng chi 5 tỷ đồng để đấu giá biển số 30K-567.89 làm quà tặng vợ
TP.HCM tăng cường đảm bảo an toàn giao thông thủy dịp nghỉ lễ 2/9
Tiền phong cho hay, Sở GTVT TP.HCM vừa gửi văn bản đến các cơ quan, đơn vị có liên quan yêu cầu tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy dịp lễ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới 2023-2024.
Theo đó, nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, học sinh và sinh viên trong dịp lễ Quốc khánh ngày 2/9 và khai giảng năm học mới 2023-2024 trên địa bàn thành phố, Sở GTVT TP.HCM giao Trung tâm Quản lý Đường thủy kiểm tra việc thực hiện bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa tại các bến khách ngang sông trên địa bàn.
Bên cạnh đó, yêu cầu các chủ bến, chủ khai thác bến, người điều khiển phương tiện, phương tiện vận chuyển phải được đăng ký, đăng kiểm, người lái phương tiện có chứng nhận điều khiển phương tiện. Tất cả phải bảo đảm các điều kiện an toàn, trang bị đầy đủ phao cứu sinh cho hành khách.
Trung tâm Quản lý Đường thủy cần phân công, bố trí lực lượng cán bộ trực tại các trạm quản lý đường thủy nội địa để kịp thời giải quyết, phối hợp mọi yêu cầu thường xuyên và đột xuất, ứng cứu khi cần thiết.
Ảnh minh họa.
Sở GTVT TP.HCM cũng đề nghị Cảng vụ đường thủy nội địa TP kiểm tra điều kiện an toàn đối với cầu tàu, bến, kè bờ, luồng, báo hiệu tại cảng, bến thủy nội địa, đặc biệt chú trọng đối với các bến đưa rước hành khách trên địa bàn. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về vận tải hành khách, lịch chạy tàu, hủy chuyến, giá vé.
Đồng thời, phân công, bố trí lực lượng cán bộ trực tại các đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa để kịp thời giải quyết, phối hợp mọi yêu cầu thường xuyên và đột xuất, ứng cứu khi cần thiết.
Thanh tra Sở GTVT phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tại các bến khách ngang sông, bến phà, bến thủy nội địa đưa rước hành khách về phương tiện đưa rước khách.
Việt Hương (T/h)