Nhặt được 45 triệu đồng, Thượng sỹ cảnh sát trả lại người đánh rơi
Thông tin trên VOV, chiều 20/7, Phòng CSCĐ Công an tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành các thủ tục bàn giao trao trả lại 45 triệu đồng và một số tài sản có giá trị khác cho anh Phạm Văn Nam (35 tuổi, trú phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Số tiền và tài sản được đựng trong túi xách, và do anh Nam sơ ý đánh rơi vào đêm 19/7, trên địa bàn phường Tân Lợi.
Trước đó, vào rạng sáng 20/7, trong quá trình tập thể dục buổi sáng qua trước nhà số 42 đường Nguyễn Hữu Thấu, thành phố Buôn Ma Thuột, Thượng sỹ Nguyễn Phương Nam, đang công tác tại Phòng CSCĐ Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện tiếng chuông điện thoại phát ra từ chiếc túi xách bên đường.
Anh Nam nhận lại tiền và tài sản từ các cán bộ, chiến sỹ Phòng CSCĐ Công an Đắk Lắk. Ảnh: VOV
Thượng sỹ Nam cùng một số đồng đội mở túi xách ra kiểm tra, phát hiện bên trong có 1 điện thoại di động màu đen, 1 chiếc quần jean màu xanh, 1 áo thun màu trắng, 1 đôi dép cùng 1 bọc nilon màu đen bên trong chứa 45 triệu đồng.
Ngay sau đó, Thượng sỹ Nam cùng đồng đội đã báo cáo lãnh đạo đơn vị để xác minh, tìm kiếm thông tin chủ nhân để hoàn trả lại số tiền và tài sản.
Quá trình rà soát thông tin, Phòng CSCĐ công an tỉnh Đắk Lắk xác định anh Phạm Văn Nam là chủ nhân của chiếc túi và đã mời đến trụ sở nhận lại tài sản.
80% trẻ mắc tay chân miệng từ tỉnh đổ về, TP.HCM thiếu thuốc thiết yếu
VietnamNet cho hay, mỗi ngày, TP.HCM phải dùng khoảng 200 lọ IVIG cho trẻ mắc tay chân miệng trong khi các bệnh viện chỉ còn 2.400 lọ. Đáng ngại, đến cuối tháng 8 mới có đợt thuốc IVIG nhập khẩu tiếp theo với số lượng hạn chế.
Thông tin trên được nêu trong văn bản Sở Y tế TP.HCM báo cáo Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn. Theo Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, TP.HCM ghi nhận 7.823 ca mắc tay chân miệng, trong đó có 2.370 ca phải nhập viện điều trị và 212 ca nặng (chiếm tỷ lệ 8,95%).
Dự báo, số ca mắc và ca nặng sẽ tiếp tục tăng. Tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ ca nặng từ các tỉnh thành chuyển đến TP.HCM chiếm khoảng 80%.
TP.HCM đang ở tình huống dịch thứ 2 trong kịch bản mà ngành y tế đã đề ra để ứng phó với dịch tay chân miệng năm nay. Tương ứng với tình huống 2 là từ 50-100 ca nhập viện mới/ngày, 200-700 ca đang điều trị nội trú, 20-70 ca nặng.
Sở Y tế TP.HCM cho hay theo nhận định của các chuyên gia, EV71 và tình hình hạn chế các thuốc thiết yếu trong điều trị tay chân miệng như Immunoglobulin (IVIG), Phenobarbital truyền tĩnh mạch… ở phía Nam. Đây là nguyên nhân khiến TP.HCM phải tiếp nhận và điều trị nhiều ca bệnh từ các tỉnh thành khác. Trong đó có những ca chuyển độ nặng rất nhanh và nguy kịch.
Hiện mỗi ngày, số lượng thuốc IVIG mà TP đang sử dụng tăng từ 80-150 lọ lên xấp xỉ 200 lọ (từ ngày 13/7 trở đi) và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, số lượng tồn IVIG tại các bệnh viện là khoảng 2.400 lọ, dự kiến đến cuối tháng 8 mới có đợt thuốc IVIG nhập khẩu tiếp theo (số lượng hạn chế).
Trẻ mắc tay chân miệng nặng nằm tại phòng cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Ảnh: VNN
Sở Y tế TP cho rằng chắc chắn có nguy cơ thiếu thuốc IVIG từ cuối tháng 7 trở đi nếu bệnh nhân nặng như hiện tại, hoặc hết thuốc sớm hơn nếu tình hình tiếp tục tăng nhanh.
Trước bối cảnh trên, Sở Y tế TP tiếp tục theo dõi sát tình hình sử dụng và cung ứng thuốc IVIG để đánh giá tình hình, đề xuất các giải pháp can thiệp tiếp theo, cập nhật thông tin từ phía các công ty cung ứng và báo cáo sát với Cục Quản lý dược (Bộ Y tế).
Bên cạnh đó, theo đồng thuận của các chuyên gia, thuốc IVIG được chỉ định liều 1 đối với nhóm bệnh nhân tay chân miệng độ 2b nhóm 2, độ 3 hoặc độ 4. Liều 2 được chỉ định khi người bệnh chuyển độ nặng hơn hoặc triệu chứng của độ 3 chưa cải thiện.
XEM THÊM: Sự thật về đoạn video chú chuột to đùng ngồi chễm chệ trên túi bún ở Hà Nội
Phú Yên: Khẩn trương tìm kiếm ngư dân mất tích trên biển
Ngày 20/7, Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên cho biết trên TTXVN, trong quá trình khai thác hải sản trên biển, hai ngư dân bị mất tích. Lực lượng cứu nạn đã tìm thấy thi thể một người, đang khẩn trương tìm kiếm ngư dân còn lại.
Theo báo cáo của Đồn Biên phòng Tuy Hòa, ngày 19/7, đại diện chủ tàu cá PY 90946 TS đến trình báo việc có ngư dân khi khai thác hải sản bị mất tích. Tàu cá này có 6 lao động, hành nghề câu mực, xuất bến ngày 7/6, do ông Nguyễn Đình Vị (sinh năm 1970, trú tại Phường 6, thành phố Tuy Hòa) làm thuyền trưởng.
Lúc 23h45 ngày 18/7, khi đang hoạt động, hai thuyền viên T.Q.H (sinh năm 1990, trú tại Phường 6, thành phố Tuy Hòa) và T.T.T (sinh năm 1977, trú tại xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa) rời tàu xuống thúng câu mực và mất tích.
Nhận được tin báo, Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên đã cập nhật thông tin về tàu cá có ngư dân bị nạn trên biển, đồng thời phát thông báo cho các phương tiện hoạt động gần tàu cá có ngư dân bị nạn biết, hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân.
Quá trình tổ chức tìm kiếm, tàu cá PY 90946 TS đã tìm thấy thi thể của ngư dân T.T.T, ngư dân T.Q.H chưa tìm thấy.
Tàu cá PY 90946 TS đã dừng tìm kiếm nạn nhân còn lại và đưa thi thể ngư dân T.T.T vào bờ. Dự kiến đến chiều 21/7, tàu vào tới cảng cá Đông Tác (thành phố Tuy Hòa).
Việt Hương (T/h)