TP.HCM sẽ tăng thêm 52 phó chủ tịch cấp huyện, xã
Nội dung được đề cập trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM do Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi vừa ký, VnExpress thông tin.
Theo Nghị quyết 98 của Quốc hội, TP.HCM được hưởng cơ chế đặc thù về tổ chức bộ máy. Cụ thể, các huyện ở thành phố được có ba phó chủ tịch UBND; xã, phường, thị trấn dân số trên 50.000 dân được có ba phó chủ tịch UBND.
TP.HCM hiện có 5 huyện, trong đó hai huyện loại 1 là Bình Chánh và Củ Chi đã có ba phó chủ tịch theo quy định. Còn ba huyện loại 2 là Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ hiện chỉ có hai phó chủ tịch. Riêng TP Thủ Đức (thành lập năm 2020) được Quốc hội cho phép có 4 phó chủ tịch UBND và 2 phó chủ tịch HĐND.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ khu vực 2 TP Thủ Đức kín người cuối tháng 4. Ảnh: VNE
Đối với cấp xã, qua khảo sát có 48 xã, phường, thị trấn có trên 50.000 dân. Các đơn vị hành chính này hiện chỉ có hai phó chủ tịch UBND theo quy định. Do đó, khi triển khai Nghị quyết 98, TP.HCM sẽ được tăng thêm 4 phó chủ tịch UBND cấp huyện và 48 phó chủ tịch UBND cấp xã.
Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu Sở Nội vụ trình kế hoạch bổ sung các phó chủ tịch UBND cho TP.Thủ Đức, ba huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ và 48 xã, phường, thị trấn có trên 50.000 dân ngay trong tháng 7 này.
Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua hôm 24/6, trao cho thành phố một số cơ chế, chính sách đặc thù ở nhiều lĩnh vực như đầu tư hạ tầng, tài chính ngân sách, xây dựng - quy hoạch, thu hút nhà đầu tư chiến lược, tổ chức bộ máy...
Hòa Bình: Cháy nhà khiến 2 trẻ em tử vong, 3 người bị thương
Lao động dẫn báo cáo nhanh của UBND phường Tân Thịnh, TP.Hoà Bình, tỉnh Hòa Bình, khoảng 3h30 ngày 15/7, lực lượng chức năng nhận được thông tin về vụ cháy, tại nhà riêng của chị N.T.N (SN 1983, trú tại tổ 14 phường Tân Thịnh, TP.Hoà Bình).
Cụ thể, thời điểm xảy ra vụ việc, gia đình chị N đang ngủ tại tầng 3, gồm anh Đ.D.D (SN 1985, chồng chị N), cháu Đ.A.T (SN 2009, con gái vợ chồng chị N - anh D), cháu Đ.A.C (SN 2011, con gái vợ chồng chị N - anh D), cháu Đ.G.L (SN 2014, con trai vợ chồng chị N - anh D) và cháu Q (cháu của vợ chồng chị N - anh D).
Đến khoảng 3h20 cùng ngày, chị N phát hiện cháy tại rèm cửa phía trước tầng 3 nên gọi chồng dùng vòi nước dập lửa nhưng không được.
Hiện trường vụ cháy nhà khiến 2 người chết, 3 người bị thương. Ảnh: Lao động
Quá trình chữa cháy, anh D đưa được cháu L ra ngoài bằng lối thoát hiểm tầng 2, sau đó cùng chị N chạy theo lối cửa tầng 1 ra ngoài.
Khi lực lượng chức năng tiến hành chữa cháy phát hiện cháu T và cháu C đã tử vong tại phòng ngủ tầng 3 của gia đình.
Hiện tại, anh D, cháu Q và cháu L đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình.
XEM THÊM: TP.HCM ghi nhận hơn 1.600 ca mắc tay chân miệng chỉ trong vòng 1 tuần
Ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 04/CĐ - QG gửi Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên; Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Công Thương; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều 14/7, áp thấp nhiệt đới đã đi vào Biển Đông. Hồi 16h, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 119,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông; sức gió mạnh nhất cấp 6-7, giật cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 10-15 km/giờ và có khả năng mạnh lên thành bão. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3 với phía Đông khu vực Bắc Biển Đông.
Để chủ động ứng phó với bão, giảm thiểu thiệt hại, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão; quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Ảnh minh họa: TTXVN
Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: từ vĩ tuyến 17,5 đến 21,5 độ Vĩ Bắc, phía Đông kinh tuyến 116,5; trong 48 giờ tới: phía Bắc vĩ tuyến 18, phía Đông kinh tuyến 113 (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).
Các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, đồng thời rà soát các hoạt động trên biển, nuôi trồng thủy hải sản để có phương án sẵn sàng ứng phó với ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Bộ Ngoại giao liên hệ với các quốc gia trong khu vực đề nghị tạo điều kiện cho người dân, tổ cá vào tránh trú và hỗ trợ, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.
Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão và công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả.
Các đơn vị nêu trên tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Việt Hương (T/h)