COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A
Bộ Y tế thống nhất chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Quyết định được đưa ra tại phiên họp thứ 20 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, chiều 3/6.
Theo Bộ Y tế, đối chiếu các quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và qua theo dõi diễn biến dịch tại Việt Nam, cơ quan này nhận thấy COVID-19 không còn đáp ứng các tiêu chí dịch bệnh nhóm A. Ba lý do được đưa ra là:
Đầu tiên, tại Việt Nam, số ca mắc hiện nay đã giảm 8,5 lần so với 2021, giảm 48 lần so với 2022; từ đầu năm 2023 đến ngày 29/5, ghi nhận 85.493 ca mắc, trung bình hàng tháng ghi nhận 17.000 ca mắc.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong do COVID-19 trong 5 tháng đầu năm nay giảm mạnh xuống còn 0,02% so với tỷ lệ tử vong năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1%, tương đương hoặc thấp hơn tỷ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B đang được ghi nhận tại Việt Nam trong 5 năm gần đây như: Sốt xuất huyết (0,022%), sốt rét (0,017%), bạch hầu (0,102%), ho gà (0,417%).
Thứ 2, tác nhân gây bệnh COVID-19 đã được xác định rõ là virus SARS-CoV-2.
Thứ 3, bệnh COVID-19 hiện nay đáp ứng các tiêu chí thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm: Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Để có thể triển khai đồng bộ, thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch sau khi bệnh COVID-19 chuyển từ nhóm A sang nhóm B, Bộ Y tế đang chỉ đạo các đơn vị rà soát các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp phù hợp với tình hình dịch bệnh thời gian tới.
Khi chuyển bệnh COVID-19 sang bệnh lây nhiễm nhóm B, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần căn cứ vào tình hình thực tế dịch để thực hiện việc công bố hết dịch theo quy định pháp luật hiện hành.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát tình hình dịch bệnh, công bố dịch, công bố hết dịch theo quy định của pháp luật; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành; rà soát các văn bản, hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương để bãi bỏ, sửa đổi theo thẩm quyền.
Ngoài ra, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành, địa phương cũng đang điều chỉnh đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch đang được áp dụng cũng như các quy định liên quan đến chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng, chống dịch, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19...
Tìm được thi thể học sinh đuối nước ở Quảng Nam
Báo Nhân dân đưa tin, chiều 3/6, thông tin từ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, sau nhiều giờ tổ chức tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể học sinh bị đuối nước mất tích trên vùng biển vào chiều tối 2/6.
Trung tá Nguyễn Bá Tố, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà cho biết trên báo Nhân dân, khoảng 18h30 ngày 2/6, đơn vị nhận tin báo, tại khu vực Bãi Rạng, giáp ranh giữa xã Tam Nghĩa và xã Tam Quang (huyện Núi Thành, Quảng Nam) có 3 học sinh nam bị đuối nước khi tắm biển. Trong đó, 2 em được cứu sống, còn em H.P.G.B (xã Tam Nghĩa) học sinh lớp 8 Trường THCS Lê Lợi (xã Tam Nghĩa) bị mất tích.
Ngay sau đó, các đơn vị: Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà, Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng tỉnh) và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 (đóng tại huyện Núi Thành) đã điều động hàng chục cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện; đồng thời huy động 3 tàu cá cùng 6 ngư dân và 4 thợ lặn tổ chức tìm kiếm học sinh mất tích.
Lực lượng chức năng tìm được thi thể học sinh mất tích. Ảnh: Nhân dân
Đến khoảng 11h15 trưa 3/6, lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã tìm thấy thi thể em B tại khu vực gần vị trí bị nạn và bàn giao thi thể cho gia đình lo mai táng.
Đề phòng gió mạnh trên biển, mưa rào và dông trên đất liền
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện mây dông đang phát triển trên khu vực Cà Mau-Kiên Giang, giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa).
Dự báo đêm 3 và ngày 4/6, khu vực từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển Trường Sa) có mưa rào và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, trước tình hình gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên các vùng biển, các cơ quan chức năng cần thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến trên để chủ động phòng tránh, bảo đảm an toàn và có kế hoạch sản xuất phù hợp; duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống...
Trên đất liền, chiều tối và đêm 3/6, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 20-50mm, có nơi trên 80mm.
Khu vực Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên, Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 60mm.
Các khu vực trên đề phòng trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa vừa, mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.
Theo cảnh báo, mưa dông ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới. Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá: cấp 1.
Việt Hương (T/h)